Trung hòa carbon dần trở thành nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam. Khắc phục sự cố sụt lún đê hữu Cầu. Lão nông trồng bưởi tiến vua theo hướng hữu cơ. Khởi công khai thác mỏ cát MS01 trên sông Hậu phục vụ cao tốc.
Trung hoà carbon dần trở thành nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam
Minh Sáng - Trần Trung sx
Sáng nay, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức tọa đàm trực tuyến và trực tiếp về tín chỉ trung hòa carbon, với gần 1000 điểm cầu tham gia.Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT cho biết, với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, việc trung hòa Carbon sẽ dần trở thành xu hướng và là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai để đảm bảo mục tiêu đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050. Hiện, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thị trường cacbon. Bộ NN-PTNT cũng đã có những chủ trương đẩy mạnh thực hiện các cam kết về giảm phát thải như dự án hấp thụ carbon rừng; Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL. Mặc dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mục tiêu của Tọa đàm là bàn giải pháp giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trung hòa Carbon vào năm 2050 và trở thành một hình mẫu về phát triển bền vững, tận dụng hiệu quả tiềm năng của Carbon tại khu vực và thế giới.
Khắc phục sự cố sụt lún đê hữu Cầu
Hùng Khang sx
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn cho biết, cống tiêu Gò Sành đê hữu Cầu, đoạn qua địa bàn xã Trung Giã vừa bị sụt, làm hư hỏng nghiêm trọng đoạn đê.
Nguyên nhân xảy ra sự cố là do hố sụt nằm phía trên đỉnh cống bị xói ngầm làm rỗng một phần thân đê, dẫn đến sập, phát lộ phần thân đê.
Cống do UBND xã Trung Giã quản lý, có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho 35ha sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cống có đường kính 60cm, cao trình đáy cống khoảng 7m, được xây dựng năm từ 1980.
Để thay thế nhiệm vụ tiêu úng của cống Gò Sành, huyện Sóc Sơn đã lắp đặt trạm bơm dã chiến công suất 500-600m3/h, ống dẫn mềm qua đê cách vị trí cống cũ 15m về phía điếm Gò Sành để hoàn thành việc đắp đất đoạn đê bị sụt lún chỉ sau một ngày xảy ra sự cố.
Lão nông trồng bưởi tiến vua theo hướng hữu cơ
Quốc Toản sx
Ông Đỗ Văn Thơ (56 tuổi, ở thôn Xuân Tân, xã Xuân Bái huyện Thọ Xuân Thanh Hóa) là người đầu tiên tại xã trồng bưởi Luận Văn (hay còn gọi là bưởi Tiến Vua) theo hướng hữu cơ. Vườn bưởi gần 500 gốc của gia đình ông được bón hoàn toàn bằng các loại phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh. Nhờ vậy đất ngày càng tơi xốp, cây trồng khỏe mạnh, năng suất. Đặc biệt, quả không bị rụng hay thối do ảnh hưởng của thời tiết. Mỗi năm gia đình ông Thơ thu khoảng 7.000 quả bưởi, với giá bán 60.000đ/quả, vườn bưởi mang lại cho ông thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông Thơ còn trồng xem 1.000 gốc đinh lăng, hơn 100 đàn ong dưới tán bưởi, mỗi năm mang lại thêm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Mô hình trồng bưởi trên đất dốc đang mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, đồng thời rất thân thiện với môi trường và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Khởi công khai thác mỏ cát MS01 trên sông Hậu phục vụ cao tốc
Tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức khởi công khai thác cát cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tại mỏ cát MS01 trên sông Hậu, thuộc xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách.
Mỏ cát MS01, với diện tích khoảng 34ha, trữ lượng cát được phép khai thác là 1 triệu 180 nghìn m3, với thời gian khai thác đến hết tháng 8/2028. Đây là mỏ cát được UBND tỉnh giao khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công dự án thành phần 4, Cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là 1 trong 5 mỏ cát có tổng diện tích hơn 450ha, trữ lượng hơn 11 triệu m3 trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng, được UBND tỉnh lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công dự án.
TIN DỰ PHÒNG
Kim ngạch xuất khẩu chè tăng mạnh
Minh Phúc khai thác
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 77.280 tấn, trị giá 133,4 triệu USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.726 USD/tấn, tăng 1,5%.
Theo báo Công Thương, Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, đạt 22,3 nghìn tấn, trị giá 47 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.100 USD/tấn, tăng gần 10%.
Sau khi giảm mạnh từ đầu năm, thị trường này đang dần lấy lại đà nhập khẩu so với năm ngoái. Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.