| Hotline: 0983.970.780

Cần đầu tư 17 cống tại tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp chống ngập úng

Chủ Nhật 16/06/2024 , 15:23 (GMT+7)

Sóc Trăng Để phòng chống ngập úng do triều cường và mưa bão tại các địa phương vùng trũng, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đề xuất đầu tư 17 cống, đồng bộ thủy lợi toàn vùng.

Huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm là hai địa phương thuộc vùng trũng thấp của tỉnh Sóc Trăng. Điều kiện địa hình này đã gây ra nhiều bất lợi trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương vào thời điểm mùa mưa hoặc triều cường dâng cao. Nhiều năm liền, hai địa phương đã ghi nhận tình trạng thiệt hại do ngập úng xảy ra cục bộ. 

Nhằm hạn chế ảnh hưởng, đặc biệt là trong vụ lúa hè thu năm 2024 này, ngay từ đầu mùa mưa, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát hạ tầng thủy lợi trên địa bàn. Qua đó, đề xuất các giải pháp đồng bộ phục vụ tốt hơn công tác tiêu úng tại từng vùng sản xuất khác nhau.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khảo sát vị trí xây dựng hệ thống cống thuộc Dự án phòng, chống ngập úng vùng Quản Lộ Phụng Hiệp. Ảnh: Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khảo sát vị trí xây dựng hệ thống cống thuộc Dự án phòng, chống ngập úng vùng Quản Lộ Phụng Hiệp. Ảnh: Ảnh: Kim Anh.

Đối với huyện Mỹ Tú, địa phương hiện có 6 cống chủ lực phục vụ công tác tiêu úng. Tuy nhiên, một số hệ thống cống giáp kênh Quản Lộ Phụng Hiệp còn hở nên việc ngăn nước trong mùa mưa bão hay triều cường là rất khó. Đặc biệt, khi cống Tam Sóc bị vỡ thân, công tác ngăn triều cường trên địa bàn càng trở nên bất lợi hơn.

Để tăng cường công tác phòng chống ngập úng, ngành nông nghiệp huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao khép kín ở từng tiểu vùng, quan tâm, đảm bảo vận hành tốt hệ thống trạm bơm hiện có.

Riêng đối với cống Tam Sóc, hiện đã hoàn thiện công trình đập tạm nhằm hỗ trợ tạm thời việc tiêu úng, thoát nước, nhất là khắc phục nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Trước mắt, trong khi chờ kinh phí đầu tư của Trung ương và tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Tú cho biết, địa phương đang cân đối nguồn vốn thủy lợi phí để khép kín các tiểu vùng, hệ thống cống, bờ bao, trạm bơm để phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, địa phương đã đề nghị cấp trên đầu tư thêm các hệ thống cống dọc tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp. Như vậy việc chống úng vào mùa nước nổi của huyện sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Còn tại thị xã Ngã Năm, rút kinh nghiệm sau đợt thiệt hại do ngập úng xảy ra trên trà lúa hè thu 2023, vụ hè thu 2024, thị xã đã dịch chuyển lịch gieo sạ sớm hơn nửa tháng để né mưa (thường xuất hiện tập trung vào tháng 6 - 7).

Vụ hè thu 2023, nhiều diện tích lúa trên địa bàn thị xã Ngã Năm bị ảnh hưởng do ngập úng, gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng của bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Vụ hè thu 2023, nhiều diện tích lúa trên địa bàn thị xã Ngã Năm bị ảnh hưởng do ngập úng, gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng của bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, những hạn chế về hạ tầng thủy lợi đang là trở ngại lớn của địa phương. Toàn thị xã có 70 trạm bơm, 74 cống nội đồng, 36 thuyền bơm. Thế nhưng, các công trình này chỉ phục vụ công tác tiêu úng cho khoảng 60% diện tích sản xuất nông nghiệp. 40% còn lại có nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ khi gặp mưa lớn, triều cường hay áp thấp nhiệt đới. Ngành nông nghiệp thị xã có nguyện vọng được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để khép kín phần diện tích này.

Hiện tại, Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm đang phối hợp với các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các tổ hợp tác và người dân chủ động tiến hành khép kín các khu vực nhỏ, hợp tác trong việc bơm tát để giảm thiệt hại do ngập úng.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 3 địa phương vùng trũng thuộc vùng Dự án thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, với diện tích đất nông nghiệp khoảng 60.000 ha.

Từ khi được Trung ương hỗ trợ đầu tư Dự án phân ranh mặn ngọt Bạc Liêu - Sóc Trăng thông qua cống âu thuyền Ninh Quới, các địa phương cơ bản kiểm soát được xâm nhập mặn. Tuy nhiên, địa hình cùng với tác động của thời tiết cực đoan, việc tiêu thoát nước, chống úng ở các khu vực chưa có bờ bao kiên cố gặp rất nhiều khó khăn.

Công trình đập tạm trên kênh Tam Sóc, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản hoàn thiện. Ảnh: Văn Vũ.

Công trình đập tạm trên kênh Tam Sóc, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản hoàn thiện. Ảnh: Văn Vũ.

UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất Trung ương đầu tư “Dự án phòng, chống ngập úng vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp” với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo hệ thống thủy lợi khép kín, góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án sản xuất lúa các bon thấp vùng ĐBSCL.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã nhấn mạnh, về lâu dài, việc đầu tư đồng bộ khép kín hệ thống thủy lợi cho các địa phương vùng trũng rất cần thiết, để chủ động tiêu nước, cấp nước hài hòa.

Dự kiến Sóc Trăng cần đầu tư khoảng 17 cống tại tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp để đồng bộ hóa với các cống sẵn có.

Bên cạnh các giải pháp công trình, ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên quan tâm, theo dõi dự báo thời tiết, thủy văn để bố trí sản xuất hợp lý.

Riêng nông dân tại các địa phương vùng trũng nói trên cần chủ động gia cố bờ bao, đê bao. Thực hiện các biện pháp tiêu úng bằng nguồn lực sẵn để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.