| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

Thứ Sáu 03/05/2024 , 11:20 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn. Ảnh: Tuấn Phi.

Hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn. Ảnh: Tuấn Phi.

Ngày 2/5, đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã có buổi khảo sát thực tế tình hình mặn xâm nhập trên địa bàn thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Ngã Năm, từ tháng 4/2024 đến nay, nước mặn theo tuyến kênh Xẻo Chích (giáp ranh 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng) xâm nhập vào địa bàn Thị xã với nồng độ mặn khá cao.

Cụ thể, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn đo được tại trung tâm thị xã Ngã Năm có lúc trên 3 phần nghìn. Hiện nay, nông dân Thị xã đã xuống giống gần 16.500ha lúa hè thu 2024, chiếm gần 90% diện tích sản xuất. Tuy nhiên do ảnh hưởng mặn xâm nhập, hàng trăm ha lúa hè thu ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp thị xã Ngã Năm đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn đo độ mặn thường xuyên để kịp thời thông báo trên hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào phục vụ sản xuất.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho hay, trong đợt hạn hán, mặn xâm nhập năm 2024, tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng gay gắt, độ mặn theo sông Hậu xâm nhập sâu 60km. Tại các huyện Long Phú, Trần Đề đã có trên 1.000ha lúa đông xuân muộn bị thiệt hại.

Thị xã Ngã Năm vốn là khu vực chủ lực sản xuất lúa của tỉnh, có hệ thống cống thủy lợi dàn trải đảm bảo cho việc ngăn mặn, dự trữ ngọt. Tuy nhiên từ tháng 4/2024, nước mặn xâm nhập vào địa bàn từ huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) theo kênh Xẻo Chích. Đoạn kênh này hiện chưa có cống thủy lợi, điều này đã gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương.

Nước mặn xâm nhập sâu vào nhiều tuyến kênh nội đồng ở thị xã Ngã Năm. Ảnh: Tuấn Phi.

Nước mặn xâm nhập sâu vào nhiều tuyến kênh nội đồng ở thị xã Ngã Năm. Ảnh: Tuấn Phi.

Do đó, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đề nghị đoàn công tác xem xét xây dựng hệ thống cống thủy lợi nhằm chủ động bảo vệ vùng sản xuất lúa chủ lực của tỉnh. Đồng thời, có giải pháp điều tiết nước tại cống Cái Lớn và Cái Bé (tỉnh Kiên Giang), cống âu thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu) và một số cống nằm giáp biển của tỉnh Bạc Liêu nhằm giảm áp lực nước mặn xâm nhập vào địa phương.

Đứng trước khó khăn của địa phương, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi đã ghi nhận, trước mắt đề xuất tỉnh có giải pháp trước mắt nhằm phòng chống hạn, mặn xâm nhập trong thời gian tới.

Cục Thủy lợi sẽ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để kịp thời cảnh báo cho địa phương và các cơ quan liên quan.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.