An Biên và An Minh là 2 trong 4 huyện nằm trong vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản ven biển, nhất là nuôi tôm nước lợ với các mô hình luân canh tôm sú – lúa, tôm càng xanh – lúa, xen canh tôm, cua biển – lúa, tôm – rừng; tôm thẻ thâm canh công nghiệp công nghệ cao trong ao lót bạt, có mái che; nuôi sò huyết, cá ven biển…
Đoàn đến thăm hộ nuôi tôm - lúa Nguyễn Thanh Nhàn tại ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, An Minh, năm nay thời tiết thuận lợi, tôm phát triển tốt, giá tôm thương phẩm đang khá cao nên người nuôi tôm rất phấn khởi |
Tại ấp Ba Biển, xã Nam Thái, An Biên, đoàn thăm mô hình nuôi tôm thâm canh trên ao nuôi có lót bạt của hộ ông Nguyễn Thanh Hải. Theo ông Hải, khu nuôi của gia đình có diện tích 10 ha, trong đó 60% diện tích đã đầu tư ao nuôi, còn lại là ao vèo tôm giống và ao lắng xử lý nước… Nhờ nuôi theo mô hình công nghệ cao, nuôi 2-3 giai đoạn, trên có mái che nên hạn chế được tác động bất lợi về môi trường, tôm nuôi đạt hiệu quả.
Tại trại thực nghiệm Sáu Biển (thuộc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang), đang đầu tư thả nuôi tôm trên hồ nổi, trên có mái che, mỗi hồ có dung tích 500 m3, nuôi đạt sản lượng từ 3-4 tấn tôm thương phẩm/vụ. Đoàn đánh giá rất cao mô hình này, chi phí đầu tư làm hồ nuôi nổi khoảng 100 triệu đồng/hồ, thời gian sử dụng tối thiểu là 5 năm; tôm giống được vèo trong hồ nổi nhỏ 100 m3 (nằm ở trên cao), sau đó xả qua hệ thống đường ống sang hồ lớn để nuôi thương phẩm, rất thuận lợi.
Tại huyện An Minh, đoàn đã đến kiểm tra tiến độ thi công cống Xẻo Nhàu; thăm hộ nuôi tôm - lúa Nguyễn Thanh Nhàn tại ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh. Ông Nhàn nuôi luân canh tôm sú trên nền đất lúa, năm nay thời tiết thuận lợi, vụ lúa trúng mùa, nền đáy ao tôm được xử lý tốt, hiện tôm đã vào hàng 2 (20-29 con/kg), giá tôm thương phẩm đang khá cao nên người nuôi tôm rất phấn khởi.
Làm việc với đoàn công tác, ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết, đến nay huyện đã kết thúc vụ lúa mùa và đông xuân 2017-2018 với tổng diện tích gieo sạ và cho thu hoạch 24.891 ha, năng suất bình quân ước đạt 5,06 tấn/ha, tổng sản lượng 126.000 tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.290 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 2.154 tấn. Diện tích thả nuôi thủy sản các loại là 24.079 ha, riêng diện tích nuôi tôm nước lợ là 19.622 ha, chủ yếu là luân canh tôm – lúa (17.522 ha). Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại, dịch vụ phát triển ổn định.
Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: công tác thu nợ đối ứng trong dân xây dựng giao thông nông thôn từ 2016 trở về trước còn nhiều khó khăn, khiếu kiện (tranh chấp mặn – ngọt) giữa người trồng lúa và nuôi tôm còn xảy ra; tai nạn giao thông, vi phạm trật tự xã hội gia tăng…
UBND huyện An Biên kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét bố trí thêm kinh phí để huyện hỗ trợ bổ sung cho 1.016 hộ dân, với diện tích 1.344 ha, bị thiệt hại do thiên tai hạn mặn; bố trí kinh phí nạo vét, nâng cấp một số tuyến đê ven biển để ngăn triều cường, nước biển dâng… Các ngành chức năng nghiên cứu các mô hình thích nghi với vùng chuyên canh thủy sản, vùng không gieo sạ được lúa (do nhiễm mặn); giúp huyện xây dựng thương hiệu tôm sạch – lúa hữu cơ, giới thiệu doanh nghiệp thực hiện bao tiêu đầu ra cho nông dân…
Tương tự, huyện An Minh lĩnh vực kinh tế 3 tháng đầu năm tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 1.176 tỷ đồng. Trong đó, ngành nông nghiệp đạt 567 tỷ đồng (sản lượng lúa đã thu hoạch 92.555 tấn); ngành thủy sản đạt 603 tỷ đồng. Vụ tôm nuôi nước lợ năm 2018 đã thả nuôi 47.768 ha, đạt 100% kế hoạch đề ra, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 7.096 tấn…
Đại diện UBND huyện An Minh kiến nghị tỉnh tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành hệ thống đê biển để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân; đầu tư kè chắn sóng, sớm khắc phục tình trạng sạt lở đê biển đang xảy ra rất nghiêm trọng (toàn huyện có khoảng 15 km đê biển đang bị sạt lở).
Trong năm 2018, An Minh tập trung xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đông Hòa và Đông Thạnh, nhưng đang rất khó khăn về 2 tiêu chí là giao thông nông thôn và điện lưới, khả năng chắc chắn sẽ không đạt. Vì vậy, đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 8 km lưới điện trung, hạ thế và 10,5 km đường giao thông nông thôn để 2 xã này hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đoàn đánh giá rất cao mô hình nuôi tôm trên hồ nổi, nuôi đạt hiệu quả rất cao trong khi chi phí đầu tư không quá lớn, phù hợp với kinh tế hộ |
Chủ tịch tỉnh Phạm Vũ Hồng chỉ đạo, An Biên và An Minh cần tiếp tục đầu tư phát triển về lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản; tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, theo đề án đã được phê duyệt. Từng huyện phải xây dựng nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp, để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện. Tái cơ cấu phải đi theo hướng nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao giá trị nông sản, kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Ngành công thương và nông nghiệp phải phối hợp với nhau trong việc dự báo thị trường, định hướng sản xuất phù hợp cho người dân, quản lý tốt quy hoạch sản xuất đã đề ra để tránh tình trạng cung vượt cầu, rớt giá, khó tiêu thụ. Tập trung cho các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, đồng thời phát huy lợi thế tôm sinh thái (tôm – lúa; tôm – rừng), nuôi sò huyết ven biển… Tập huấn kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cho các hợp tác xã.
Về đánh bắt, khai thác thủy sản phải đi theo hướng bền vững, khai thác có trách nhiệm, xử lý nghiêm các tình trạng vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.