| Hotline: 0983.970.780

Cần đầu tư song hành cùng tàu cá vỏ sắt

Thứ Sáu 06/06/2014 , 09:26 (GMT+7)

Khi Chương trình “Tín dụng khai thác hải sản xa bờ” của Thủ tướng Chính phủ đi vào thực tiễn, ngư dân miền Trung vô cùng phấn khởi.

Bởi lẽ, ước mơ được sở hữu những chiếc tàu cá vỏ sắt đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần phải phát triển song hành...

Tại Bình Định, ngay sau khi công bố gói tín dụng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân vay với lãi suất ưu đãi để đóng tàu cá vỏ sắt, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định có cuộc gặp gỡ trực tiếp ngư dân để cùng nhau bàn biện pháp thực hiện.

Tại cuộc gặp gỡ ngư dân, ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc BIDV, đã đưa ra 1 cơ chế vay rất thoáng cho gói tín dụng này: “BIDV sẽ dành khoản tín dụng 3.000 tỉ đồng cho ngư dân các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bà Rịa-Vũng Tàu vay đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, đặc biệt ưu tiên giải ngân cho ngư dân, các tổ đội khai thác hải sản đang làm ăn hiệu quả đóng tàu vỏ sắt.

Về vốn vay đóng tàu vỏ sắt, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong vòng 10 năm, và vay 70% tổng giá trị con tàu vỏ composit trong vòng 7 năm, lãi suất dự kiến 3%/năm. Ngoài ra, BIDV còn sử dụng nguồn vốn lưu động cho ngư dân vay mua ngư lưới cụ, trang thiết bị tàu cá với lãi suất khoảng 5%/năm. BIDV sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay để đóng mới tàu cá; thủ tục vay vốn đơn giản, gọn nhẹ, đáp ứng yêu cầu của ngư dân”.

Theo đó, có nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ tại Bình Định đã được BIDV ký kết tài trợ tín dụng cho việc đóng mới tàu cá vỏ sắt. Cụ thể, trong thời gian tới Bình Định sẽ có 27 tàu cá công suất lớn được đóng với trị giá 150 tỷ đồng.

Trong đó, Cty CP Thủy sản Bình Định 13 tàu, hộ ngư dân 13 tàu và đặc biệt, BIDV sẽ đóng mới 1 tàu vỏ sắt công suất 1.000CV tặng cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh Đoàn Bình Định sẽ tiếp nhận để quản lý và khai thác, chung sức với ngư dân bám biển. Theo kế hoạch, đến 2017, Bình Định sẽ phát triển thêm 1.000 tàu cá vỏ sắt có công suất từ 1.000CV trở lên.

Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý phấn khởi, ngư dân Bình Định vẫn còn nhiều lo lắng. Ngư dân Bùi Thanh Ninh, người đứng đầu 1 tập đoàn tàu cá gồm 16 chiếc ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) đợt này sẽ được vay để đóng 1 chiếc tàu hậu cần vỏ sắt nhằm phục vụ cho 16 tàu đánh bắt có công suất trên 1.000CV.

“Trước xu thế phát triển mạnh đội tàu cá vỏ sắt trên địa bàn, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với Trung tâm đăng kiểm và tư vấn nghề cá thuộc Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, tài công, máy trưởng theo nhu cầu của ngư dân”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định.

Bên cạnh niềm vui, trong lòng ông Ninh vẫn còn nhiều trăn trở: “Đóng tàu sắt trong bối cảnh hiện nay là rất phù hợp, nhất là khi gỗ càng ngày càng đắt, chi phí đóng tàu gỗ không kém tàu vỏ sắt. Thế nhưng tàu vỏ sắt đối với ngư dân còn rất xa lạ. Xa lạ từ cách vận hành tàu đến máy móc thiết bị. Không thể đưa kinh nghiệm vận hành tàu vỏ gỗ công suất nhỏ sang áp dụng cho tàu vỏ sắt công suất lớn. Tôi nghĩ, song song với đóng tàu vỏ sắt, ngành chức năng cần tổ chức đào tạo cho ngư dân những kiến thức cần thiết để khi đưa tàu vào sử dụng ngư dân không bị bỡ ngỡ”.

Nhiều ngư dân ở huyện Hoài Nhơn còn đau đáu nỗi lo khác về bến bãi neo đậu tàu sắt. Ngư dân Huỳnh Quang cũng ở xã Tam Quan Bắc, lo lắng: “Hầu hết tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn sau những chuyến đánh bắt đều cập về cửa biển Tam Quan. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, cửa biển này bị bồi lấp nghiêm trọng, đến cả tàu vỏ gỗ ra vào còn khó khăn nói chi đến tàu vỏ sắt”.

Thế nhưng nỗi lo lớn nhất của ngư dân khi sắp tới sẽ được sở hữu tàu vỏ sắt có công suất lớn, chính là những cơ sở tiếp nhận tàu để sửa chữa hoặc trùng tu định kỳ. Trong khi hiện nay, tại miền Trung chưa có những dịch vụ hậu cần nói trên.

TS Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Đối với tàu vỏ gỗ, định kỳ ngư dân cũng phải cho tàu lên đà để làm nước 1 lần. Tàu sắt thì quy trình này càng được thực hiện nghiêm ngặt hơn để bảo quản tốt con tàu. Ít nhất mỗi năm 1 lần tàu phải được cạo hàu bám vào mạn tàu, sơn lườn và 3 năm phải đại tu 1 lần. Máy móc trang thiết bị của tàu vỏ sắt cũng phức tạp hơn nhiều. Trong khi đó, ở miền Trung hiện chưa có cơ sở nào có thể tiếp nhận trùng tu và sửa chữa máy móc tàu cá vỏ sắt.

“Trong bối cảnh phát triển mạnh đội tàu cá vỏ sắt như hiện nay, ngành chức năng phải nghĩ đến những vấn đề liên quan như tổ chức đào tạo nâng cấp thuyền trưởng, máy trưởng, đặc biệt là xây dựng cơ sở sửa chữa để khi đưa tàu cá vỏ sắt vào vận hành không bị vướng mắc”, TS Chu Tiến Vĩnh, chia sẻ.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.