Từ đó đã gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, môi trường và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Nhiều điểm dịch vụ hậu cần tự phát
Từ tháng 1/2021, Cảng cá Tiên Châu, huyện Tuy An (Phú Yên) đã hoàn thành đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư hơn 14,8 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Hiện cảng này đã đạt tiêu chuẩn cảng cá loại II.
Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cho biết, sau khi cảng cá Tiên Châu được đầu tư đã nâng cao trình mặt bến tàu từ l,5m lên 2,5m; nạo vét khu nước đậu tàu về thiết kế ban đầu là -2,8m. Trên bản sàn bố trí 16 bộ bích neo 10T, mép bến bố trí 48 bộ đệm tựa tàu và 26 bộ đệm lốp ô tô.
Cùng với đó xây dựng mới mái bao che bến cập tàu bằng khung kèo, xà gồ, mái lợp tôn. Đầu tư nhà phân loại cá, bãi tập kết cá với diện tích xây dựng 1.800m2, mái lợp tôn, xà gồ thép. Xây dựng nhà ngư lưới cụ, diện tích 303m2, mái lợp tôn, xà gồ thép. Xây mới nhà để xe 2 bánh công cộng, với diện tích xây dựng khoảng 160m2, mái lợp tôn, xà gồ thép, nền bê tông xi măng.
Bên cạnh đó còn cải tạo các hạng mục nhà điều hành cảng, bổ sung hệ thống cấp nước, thoát nước cho nhà phân loại cá…Do đó, có thể nói cảng cá Tiên Châu đã được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh, thế nhưng điều đáng nói các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chưa chịu di dời vào cảng để hoạt động. Từ đó đã gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, môi trường và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, thời gian qua Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND huyện Tuy An chỉ đạo, triển khai thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, khai thác công trình Cảng cá Tiên Châu nhằm nâng cao hiệu quả công trình nhà nước đầu tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại địa phương. Thế nhưng đến nay vẫn còn tồn tại, chưa khắc phục được như tình trạng các tổ chức, cá nhân tự phát, lập điểm thu mua thủy hải sản, cung cấp xăng dầu, đá cây… cho tàu cá tại những địa điểm không theo quy hoạch.
Theo đó, hiện trên địa bàn 2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây còn 3 điểm thu mua thủy sản, 3 điểm cung cấp xăng dầu, 10 điểm cung cấp đá cây…vẫn chưa chịu di dời vào Cảng cá Tiên Châu để hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường, tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Bên cạnh đó, tình trạng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên chưa chấp hành đầy đủ việc cập cảng cá chỉ định (Cảng cá Tiên Châu đã được Bộ NN-PTNT chỉ định cho tàu cá vùng khơi cập cảng) để bốc dỡ thủy sản, mà thường xuyên cập tại các thôn Phú Hội, Phú Lương (xã An Ninh Đông) để bốc dỡ thủy sản, đã vi phạm các quy định trong lĩnh vực thủy sản.
Cần xử lý
Trước những tồn tại, hạn chế trên, ông Nguyễn Trọng Tùng đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Tuy An quan tâm chỉ đạo các xã An Ninh Tây, An Ninh Đông khẩn trương rà soát, giải tỏa, xử lý tình trạng các tổ chức, cá nhân tự phát lập các bến cá, các điểm thu mua thủy hải sản, cung cấp xăng dầu, đá cây…không theo quy hoạch; đồng thời vận động di dời vào Cảng cá Tiên Châu để hoạt động.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, vận động các chủ tàu cá, nhất là tàu cá từ 15m trở lên cập cảng Tiên Châu để bốc dỡ thủy sản, thực hiện quy định giám sát sản lượng thủy sản, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo công tác kiểm tra tàu cá tại cảng cá, thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.
Đối với UBND huyện Tuy An cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động nghề lưới kéo không chấp hành việc ghi số đăng ký theo quy định, không cập cảng bốc dỡ thủy sản, không chấp hành nộp nhật ký khai thác thủy sản…
Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo UBND 2 xã An Ninh Tây và An Ninh Đông khẩn trương xây dựng phương án vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh thu mua thủy hải sản, chế biến chả cá, cung cấp đá cây, xăng dầu cho tàu cá trên địa bàn di dời vào Cảng cá Tiến Châu hoạt động, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Được biết, toàn huyện Tuy An có gần 1.040 tàu cá, trong đó có 93 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, địa phương phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê và vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh thu mua hải sản, chế biến chả cá, cung cấp đá cây, xăng dầu bên ngoài di dời vào Cảng cá Tiên Châu để hoạt động. Thế nhưng đến nay mới có 2 doanh nghiệp từ TP Tuy Hòa đến thuê mặt bằng để thu mua thủy hải sản tại Cảng cá Tiên Châu.
Khó khăn nhất hiện nay là các cơ sở thu mua thủy hải sản, chế biến chả cá trên địa bàn chủ yếu hoạt động thu mua, chế biến nhỏ lẻ phạm vi trong gia đình nên công tác vận động gặp khó khăn. Các cây xăng dầu cung cấp cho tàu cá trên địa bàn về cơ bản có quy hoạch, được cấp tỉnh cho phép hoạt động, chỉ trừ 2 điểm cung cấp dầu cho tàu cá tại thôn Phú Lương chưa được cấp phép, điều này cũng gây khó khăn cho địa phương trong công tác vận động các chủ tàu cá cập Cảng cá Tiên Châu.
Ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông cho biết, thời gian qua sau khi Cảng cá Tiên Châu được đầu tư nâng cấp hoàn thành, địa phương đã phối hợp với Ban quản lý cảng cá, Đồn biên phòng An Hải và các phòng ban chuyên môn của huyện đã rà soát, thống kê và tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân thu mua thủy sản, kinh doanh đá cây, xăng dầu bên ngoài đưa vào Cảng cá Tiên Châu hoạt động đúng quy định. Vận động các chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn chấp hành nghiêm việc cập Cảng cá Tiên Châu (cảng cá chỉ định) để bốc dỡ thủy sản theo đúng quy định. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là những cơ sở thu mua thủy sản, các cơ sở kinh doanh đá cây hầu hết là những hộ gia đình, cá nhân quy mô nhỏ lẻ và tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc vận động thuê mặt bằng cảng để kinh doanh đang gặp khó khăn. Tuy nhiên trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục vận động các cơ sở thu mua thủy sản, kinh doanh xăng dầu, đá cây… sớm di dời vào cảng để hoạt động.