Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2022 sáng ngày 25/4, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần.
Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trong các ngày từ 15 đến 18/4 động đất xảy ra liên tục tại khu vực này, với tổng số 22 trận, độ lớn từ 2.5 đến 4.5 độ richter.
Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên cả về số lượng, tần suất cũng như độ lớn. Nguy cơ cao có thể ảnh hưởng đến khu vực nhà dân, các công trình xung yếu hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Đặc biệt, một số hồ chứa lớn trong khu vực cần phải tăng cường ngay việc giám sát, theo dõi để đảm bảo an toàn.
Các trận động đất vừa qua tại Kon Tum đều nhỏ, người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Viện Vật lý địa cầu, các cơ quan ban, ngành Trung ương có liên quan xem xét, tổ chức khảo sát thực tế; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tại các khu vực đã xảy ra động đất để có những nhận định, sớm đưa ra những giải pháp và khuyến cáo chính xác cho người dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các điểm quan trắc động đất của Viện Vật lý địa cầu đã được lắp đặt trên địa bàn huyện Kon Plông cần sớm kết nối trực tiếp internet để có thông tin cảnh báo, ứng phó kịp thời. Ngoài ra cần xem xét khảo sát, lắp đặt thêm các điểm quan trắc động đất ở một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, cần có nghiên cứu sâu hơn về động đất trên địa bàn huyện Kon Plông để xác định rõ nguyên nhân xảy ra động đất và nghiên cứu kỹ lưỡng đưa ra các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài; tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận.
Đồng thời, cần thực hiện rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
“Song song, cần cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn ứng phó với những tình huống động đất ở Kon Tum để tuyên truyền cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và ứng phó động đất cho người dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của động đất; tổ chức tập huấn, diễn tập nhằm nâng cao nhận thức của người dân về động đất và các biện pháp phòng tránh”, ông Nguyễn Hữu Tháp kiến nghị.