| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam-Trung Quốc

Thứ Sáu 29/10/2021 , 15:24 (GMT+7)

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng cần thay đổi cách nhìn về thị trường Trung Quốc, trước khi tăng cường xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Bá Thắng.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Bá Thắng.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) giữa 2 nước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua từ mức 8 tỷ USD năm 2015 lên 11 tỷ USD năm 2020.

Dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam, và tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT về vấn đề này.

Là người thường xuyên theo dõi và tham gia trực tiếp vào công tác đàm phán, mở cửa thị trường với Trung Quốc, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với xuất khẩu NLTS Việt Nam?

Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển trong thời gian qua. Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong ASEAN. Hai năm gần đây, Việt Nam đã vượt qua Australia, tiếp đó là Đức để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 17 năm liên tiếp.

Với 1,4 tỷ dân, trong đó 50% thuộc tầng lớp trung lưu sống ở đô thị, Trung Quốc là thị trường rộng lớn cho xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Nền nông nghiệp hai nước có sự bổ trợ chặt chẽ cho nhau nên có nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác.

Việt Nam xuất các sản phẩm như thực phẩm, cây công nghiệp, rau quả nhiệt đới, thủy sản sang Trung Quốc, đồng thời cũng có nhu cầu về vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm ôn đới, hàng nông sản chế biến. Một điều quan trọng nữa, là Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc nên lợi thế về vận chuyển và thương mại biên mậu hàng nông sản, thủy sản tươi sống so với các nước khác trong khu vực.  

Đây có lẽ là lý do giúp Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu hàng đầu của NLTS Việt Nam. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh từ 6 tỷ USD năm 2015 lên 8,5 tỷ USD năm 2020. Đồng thời, thương mại NLTS với Trung Quốc luôn ghi nhận xuất siêu của phía Việt Nam, tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên 6 tỷ USD năm 2020.

Trong bối cảnh Hiệp định RCEP vừa được ký kết, tôi tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước tiếp tục sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước.

Phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN+3 ngày 27/10/2021 về chủ trương tăng cường nhập khẩu hàng nông sản từ các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế của các nước ASEAN trong bối cảnh Covid-19 là tín hiệu tốt để tăng cường xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.

Hợp tác trong thương mại NLTS là một trong những điểm sáng của quan hệ hai nước thời gian qua. Xin ông điểm lại một số nội dung trọng tâm của chủ đề này?

Hợp tác thương mại NLTS với Trung Quốc diễn ra theo hướng tích cực thời gian gần đây. Hai bên đã ký và thực hiện 14 văn kiện nhằm thúc đầy lĩnh vực thương mại các sản phẩm NLTS.

Riêng Bộ NN-PTNT đã họp cấp lãnh đạo thường xuyên với Bộ Nông nghiệp, Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và địa phương để phối hợp thúc đẩy thương mại NLTS.

Các cơ quan chuyên môn Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch theo thông lệ quốc tế, và nhiều tiêu chuẩn mới mang tính đặc thù của mỗi nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Các cơ quan chuyên môn Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch theo thông lệ quốc tế, và nhiều tiêu chuẩn mới mang tính đặc thù của mỗi nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên đã xây dựng cơ chế họp trực tuyến cấp lãnh đạo giữa Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy mở cửa thị trường và thương mại NLTS hai nước. Các cơ quan chuyên môn hai nước cũng xây dựng cơ chế giám sát, kiểm dịch trực tuyến với hàng NLTS xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Đây là cơ sở để Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng NLTS của Việt Nam. Hiện Việt Nam thuộc tốp dẫn đầu về số lượng các mặt hàng được phía Trung Quốc cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc như gạo, rau quả, sữa, lông vũ, bột cá, dầu cá, thủy sản tươi sống và chế biến.

Bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác xử lý ùn tắc thương mại biên mậu, đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ tháng 4/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các địa phương giáp biên giới với Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT Việt Nam nhằm đạt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế của cả hai nước.

Trong thời gian gần đây, dù tiếp tục có rải rác ca Covid-19 khi vận chuyển hàng hóa xuất khẩu biên mậu từ Việt Nam sang phía Trung Quốc, nhưng các cơ quan Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ, và đưa ra hướng dẫn kịp thời để hỗ trợ thông quan hàng xuất khẩu. Nhân đây, tôi xin đặc biệt cảm ơn Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ để xử lý vấn đề này.

Đâu là những khó khăn cần xử lý để tiếp tục thúc đẩy thương mại NLTS giữa hai nước trong thời gian tới?

Chúng ta cần lưu ý những xu hướng mới của thị trường Trung Quốc. Thường từ trước đến nay, chúng ra coi Trung Quốc là thị trường giá rẻ, dễ tính. Tuy nhiên, với tăng trưởng mạnh mẽ trong thu nhập cùng quá trình đô thị hóa, người tiêu dùng Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm có chất lượng, giá thành cạnh tranh, đi theo kênh phân phối hiện đại. Các cơ quan chuyên môn Trung Quốc cũng đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch theo thông lệ quốc tế, và nhiều tiêu chuẩn mới mang tính đặc thù của mỗi nước.

Việt Nam và Trung Quốc đã đồng thuận về chủ trương chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, hợp tác chặt chẽ trong phòng chống buôn lậu, kiểm dịch động thực vật và dịch bệnh xuyên biên giới. Gần nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Lệnh 248 ban hành quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc. Hai lệnh này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Bộ NN-PTNT đang phối hợp với địa phương, doanh nghiệp và nông dân để chuẩn hóa các vùng nguyên liệu, xây dựng mã số vùng trồng, từng bước xây dựng hệ thống logistics đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Các cơ quan chuyên môn của Bộ đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung của Lệnh 248, 249 đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc, để kịp thời thích ứng.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đang đàm phán với Trung Quốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới, gần nhất là thạch đen, tiếp đó là tổ yến, sầu riêng (đây là 2 mặt hàng đầu tiên được hai bên thống nhất cơ chế kiểm tra thực địa bằng trực tuyến), khoai lang, chanh leo, bưởi… Bộ cũng tiếp tục phối hợp để đăng ký thêm các doanh nghiệp và mặt hàng thủy sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

NESCAFÉ Plan giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính tới 30%/kg cà phê

Chương trình NESCAFÉ Plan được Nestlé Việt Nam triển khai tại Tây Nguyên trên cơ sở hợp tác với Bộ NN-PTNT nhằm hỗ trợ nông dân trồng cà phê thực hành nông nghiệp tái sinh.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.