Huy động sức mạnh tập thể
Tổng kết công tác năm 2023 của Văn phòng SPS Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên đơn vị. Dù gặp khó khăn về biên chế, tổ chức bộ máy, Văn phòng đã nỗ lực thông tin kịp thời, nhanh chóng và đề xuất nhiều giải pháp giúp nông lâm thủy sản Việt Nam thích ứng và đảm bảo giao thương với các thành viên WTO.
"Từ đầu năm, nhiều đoàn thanh tra đã tới Việt Nam. Hầu hết đánh giá hệ thống kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm về nông sản của Việt Nam đảm bảo yêu cầu theo thông lệ quốc tế. Văn phòng SPS góp công không nhỏ trong thành tích chung này", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Một điểm sáng nữa của Văn phòng là trong năm 2023, không có lô hàng nào của Việt Nam bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cảnh báo vi phạm, theo quy định của Lệnh 249. Doanh nghiệp trong nước sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của GACC và tận dụng các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp.
Nhận định năm 2024 tiếp tục còn khó khăn, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động xuất khẩu nông thủy sản, như Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Cục Thú y, Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường phải phối hợp chặt chẽ với Văn phòng SPS VIệt Nam để "tạo sức mạnh tổng thể".
"Khi đàm phán mở cửa thị trường cho bất cứ sản phẩm nào cũng cần có cái nhìn tổng thể. Văn phòng SPS sẽ giống như một người tổng quản, giữ vai trò điều phối, đồng thời cảm nhận được Việt Nam đang cần cái gì, thiếu cái gì, từ đó đưa ra những đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT", Thứ trưởng Trần Thanh Nam phân tích.
Thường xuyên công tác nước ngoài để xúc tiến, quảng bá hình ảnh nông sản Việt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhìn nhận, việc tổng hợp sức mạnh các đơn vị của Bộ NN-PTNT, cũng như những Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Y tế giúp hàng hóa Việt Nam có thêm sức cạnh tranh trên trường quốc tế, tránh tình cảnh "bó đũa bị chia lẻ rồi bẻ từng chiếc".
Để hoạt động tham mưu của Văn phòng SPS Việt Nam được bài bản, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu Văn phòng chủ trì, phối hợp các đơn vị tổ chức họp giao ban 3 tháng một lần. Ông cho rằng, mỗi cuộc giao ban như vậy không nhất thiết cần sự tham gia của lãnh đạo Cục, Vụ mà chỉ cần chuyên viên, sau đó nhanh chóng đề xuất những giải pháp để các bên cùng thực hiện, nhằm phản ứng nhanh nhạy với thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý Văn phòng SPS Việt Nam có thể khai thác không gian trao đổi của Diễn đàn 970 để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa.
Trong thời gian hơn 2 năm qua, Diễn đàn 970 thực sự trở thành một thương hiệu, lan tỏa rộng khắp trong các thành phần xã hội. Nhiều chủ đề, nội dung hấp dẫn về chuyển đổi số, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu, nguồn hàng nông sản, thực phẩm phục vụ dịp lễ, Tết... thu hút đông đảo sự quan tâm, theo dõi của địa phương.
Những quy định về SPS của các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ cũng được phổ biến thông qua các Diễn đàn 970, góp phần đảm bảo giao thương nông sản, và giúp ngành nông nghiệp có một năm 2023 xuất siêu kỷ lục 11 tỷ USD.
"Không thể thỏa mãn với những cái hiện có. Chúng ta làm tốt hôm nay nhưng sang ngày mai, mọi thứ có thể đã hoàn toàn khác. Nếu không chủ động tiếp cận và nâng cao khả năng ứng phó, chúng ta chắc chắn đối diện nguy cơ bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Hoạt động này cần được triển khai sớm, trước các đợt cao điểm như chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, sản xuất cây vụ đông..., theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng định hướng, nội dung diễn đàn hoặc các hội nghị, hội thảo cần phát triển theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt, phân hóa rõ đối tượng tiếp nhận, tránh việc "tuyên truyền chung chung" không hiệu quả.
Kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học
Báo cáo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa cho biết, năm 2023, Văn phòng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về đầu mối thông báo và hỏi đáp các quy định SPS; tổ chức thiết lập và duy trì mạng lưới thông tin quốc gia SPS giữa các thành viên WTO; hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm về SPS cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, Văn phòng chủ trì 8 phiên đàm phán chương SPS và họp kỹ thuật về nâng cấp Hiệp định ASEAN - Trung Quốc; chủ trì 6 phiên đàm phán chương SPS về nâng cấp Hiệp định ASEAN - Canada. Ngoài ra, Văn phòng còn tổ chức nhiều buổi họp song phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, các sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc; tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm mì ăn liền, giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với một số rau gia vị và thanh long.
Các thị trường trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục có xu thế thay đổi gia tăng các biện pháp SPS như thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc BVTV (MRL), dư lượng kháng sinh, vật liệu tiếp xúc thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật...
Do đó, ông Hòa đề nghị các cơ quan trong mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan khoa học, hiệp hội ngành hàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Văn phòng SPS Việt Nam để góp ý về những quy định của thị trường, cập nhật thông tin cho các bên liên quan và khuyến nghị các giải pháp thích ứng.
"Việc đàm phán, mở cửa thị trường cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan khoa học, doanh nghiệp... để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên", Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam bày tỏ.
Đồng tình quan điểm này, bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam cam kết sẵn sàng tham gia vào các buổi đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp. Bà xem đây là những hoạt động nên được tổ chức thường xuyên, định kỳ giữa hai đơn vị đầu mối thông tin, theo quy định của WTO.
"Một quả quýt muốn xuất khẩu sang EU, cần đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch, thuộc phạm vi SPS, đồng thời tuân thủ những tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định rõ bởi Hiệp định TBT. Để xuất khẩu bền vững, gia tăng giá trị cho nông sản, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải đi cùng nhau", bà Uyên chia sẻ.
Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết, vừa qua nhiều thị trường như Trung Quốc, Vương quốc Anh, EU... có nhiều thay đổi về thủ tục, quy định khai báo khi xuất khẩu hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin cũng như các hướng dẫn để đảm bảo hoạt động xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, ông Đạt đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam tăng cường công tác dự tính, dự báo thị trường, đồng thời tổ chức thêm các buổi tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu chắc, nắm rõ về các quy định mới.