TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến hết tháng 9/2021. Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM diễn ra ngày 14/9, đã xác định mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Khi tình thế buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt thì luôn luôn phải tính đến các yếu tố hạn chế mức thấp nhất làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của nền kinh tế.
Với diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp như hiện nay, thì khó có thể chắc chắn việc gì ở phía trước, nhưng TP.HCM cũng quyết tâm thực hiện lộ trình 3 mở cửa đô thị lớn nhất phương Nam theo 3 giai đoạn: giai đoạn một từ 1/10/2021 đến 31/10/2021, giai đoạn hai từ 1/11/2021 đến 15/1/2022 và giai đoạn ba từ ngày 15/1/2022 về sau. Điều cần cân nhắc là khôi phục đời sống theo “vùng xanh” hay theo “thẻ xanh”.
Sau khi các tỉnh đưa người lao động ngụ cư trở về quê hương, thì bức tranh chống dịch đã được hình dung tương đối rõ ràng. Những khu vực khống chế Covid-19 nhanh chóng là địa bàn nông thôn có dân cư thưa thớt có khả năng tự cung tự cấp lương thực thực phẩm, hoặc địa bàn phố xá có dân cư thu nhập ổn định không quá lo lắng cái ăn cái mặc. Như vậy, việc thiết lập “vùng xanh” hoàn toàn có thể kiểm soát dễ dàng. Người ở “vùng xanh” thoải mái đi lại và làm việc giữa các “vùng xanh”, còn “vùng vàng”, “vùng cam” và “vùng đỏ” tiếp tục công tác đẩy lùi số ca dương tính trong cộng đồng.
Còn nếu triển khai cấp “thẻ xanh” thì sẽ phát sinh nhiều vướng mắc khác. Bởi lẽ, tiêu chí “thẻ xanh” không chỉ dựa vào yếu tố công dân đã tiêm 2 mũi vacxin mà còn căn cứ bệnh nền và tình trạng suy giảm miễn dịch để phân loại nhóm nguy cơ. Bên cạnh đó, tiêu chí “thẻ vàng” cho công dân đã tiêm 1 mũi vacxin cũng không ổn, vì tốc độ và tỷ lệ tiêm vacxin không phải do công dân quyết định. Áp dụng “thẻ xanh” và “thẻ vàng” trong điều kiện vẫn duy trì chốt gác chằng chịt các nơi phong tỏa, sẽ trở thành một gánh nặng trật tự xã hội. Không khéo, “thẻ xanh” lại mang hình thức của giấy đi đường từng gây nhiều rắc rối.
Chọn lựa giữa “vùng xanh” và “thẻ xanh”, thì giải pháp “vùng xanh” ưu việt hơn và hiệu quả hơn cho quá trình khôi phục nhịp điệu bình thường mới. “Thẻ xanh” chỉ chứng minh thể trạng của một cá nhân, còn “vùng xanh” chứng minh thể trạng của một khu vực. Mặt khác, giám sát “vùng xanh” dễ dàng hơn giám sát “thẻ xanh”. Người có “thẻ xanh” không đồng nghĩa với sự miễn dịch, họ vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 với triệu chứng nhẹ khi di chuyển sang “vùng vàng”, “vùng cam” hoặc “vùng đỏ”.
Muốn sống chung lâu dài với Covid-19, phải từng bước tạo ra “vùng xanh”. Ngoài ý thức tuân thủ 5K, thì số “vùng xanh” sẽ tăng lên theo mức độ phủ sóng vacxin. Hiện nay, người dân cả nước đều có nhu cầu sớm được tiêm vacxin để trở lại cuộc sống bình thường mới. Trong khi chờ đợi vacxin do Việt Nam sản xuất được đưa vào sử dụng, thì mọi nguồn lực “ngoại giao vacxin” đang huy động tích cực. Khoản tiền mà người dân quyên góp cho Quỹ vacxin phòng chống Covid-19 tính đến giữa tháng 9/2021 đã được 8,665 nghìn tỷ đồng, đủ để mua 150 triệu liều vacxin AstraZeneca.