Ngày 28/10, Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục việc làm đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đăk Lăk về công tác hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Tỷ lệ chi bảo hiểm thất nghiệp cao
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk khi Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành địa phương đã có văn bản gửi các Sở, ngành, UBND cấp huyện thường xuyên kiểm tra và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức đoàn thể tăng cường giám sát, niêm yết công khai các đối tượng được thụ hưởng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk cho biết đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 9.421 lao động tự do với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đã chi trả cho 3.045 người với số tiền gần 4 tỷ đồng chiếm tỷ lên 35%.
Tính đến ngày 18/7, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đăk Lăk đã hoàn thành việc gửi thông báo và thực hiện xong chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo thống của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đăk Lăk đến nay có 2.886 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong 12 tháng từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 với số tiền thụ hưởng trên 29,8 tỷ đồng; khoảng 51.000 người lao động đuợc nhận hỗ trợ từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người với tổng số tiền dự kiến chi khoảng 132 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đăk Lăk cũng đang lên phương án chi hỗ trợ đối với khoảng 25.000 người lao động dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2020 đến hết ngày 30/9/2021, có thời gian đóng BHTN bảo lưu theo quy định ở các tỉnh phía Nam nhưng là người tại Đăk Lăk.
Đến ngày 13/10, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đăk Lăk đã gửi thông báo và danh sách theo mẫu đến 2.886 đơn vị với 48.950 lao động, đã có 4.657 lao động được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk cho biết, việc lập hồ sơ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong việc đi lại khi các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp đã tạm thời cho lao động nghỉ việc nên rất khó khăn trong việc thông báo cho người lao động nghỉ việc kê khai hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Một số quy định chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến công tác thẩm định, phê duyệt hỗ trợ còn chậm; chưa quy định về thành phần hồ sơ đối với người lao động ngừng việc thuộc khu vực phong tỏa.
“Trong thời gian tới, Sở đề nghị các cấp bổ sung quy định về thành phần hồ sơ đối với người lao động ngừng việc thuộc khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tạo điều kiện cho phép người lao động được nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ về Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi người lao động đang thường trú hoặc tạm trú. Nếu làm được những vấn đề này, tỷ lệ người lao động được nhận tiền trợ cấp sẽ tăng”, ông Thuân nói.
"Các địa phương chưa chú trọng hỗ trợ người lao động"
Bà H’Yim Kdơk, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết địa phương đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương để thực hiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, bà H’Yim cho biết hiện một số nội dung của Trung ương chưa rõ ràng nên việc lập danh sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dựng lao động còn gặp khó khăn.
“Tôi đề nghị các cấp cần có giải thích rõ ràng. Từ đó các địa phương sẽ nhanh chóng tiếp cận, thiết lập hồ sơ để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19”, bà H’Yim nói.
Bà H'Yim cho biết thêm trong thời gian tới địa phương sẽ yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh giải quyết các chế độ, hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo các Sở, ngành, các huyện nhanh chóng vào cuộc để lập danh sách nhằm hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động.
Theo ông Bình, qua làm việc có thể nhận thấy các địa phương không quan tâm đến việc hỗ trợ cho người lao động. Do đó, UBND tỉnh Đăk Lăk cần yêu cầu các huyện quyết liệt hơn trong việc này, vì đây là nhiệm vụ chính trị được Trung ương quan tâm, chỉ đạo.
Cục trưởng Cục việc làm cho biết địa phương cần nắm được số lượng, đối tượng hỗ trợ. Sự phối hợp giữa các đơn vị, sở ngành chưa chặt chẽ, chưa đánh giá hết sự khó khăn của doanh nghiệp, người lao động.
"Địa phương cần nâng cao vai trò của các huyện, xã. Nhìn chung các gói chính sách, hỗ trợ người gặp khó khăn còn thấp, chậm. Địa phương cần quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19", ông Bình nói.