Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong Chỉ thị này, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh: Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Chỉ thị này được nhân dân cả nước đồng tình và ủng hộ. Bởi những người đó mà lọt vào Quốc hội hay HĐND thì chỉ làm sa sút sức mạnh của hai cơ quan đó.
Với những người đó, thì không chỉ loại họ ra khỏi danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, mà còn phải loại họ vĩnh viễn ra khỏi các cơ quan nhà nước.
Nhưng, đi vào thực tế, thì để loại trừ những người đó, gặp không ít vướng mắc. Nhất là đối với những người xu nịnh, kiêu ngạo, chạy chức chạy quyền.
Người xu nịnh là cấp dưới, còn người được nịnh là cấp trên. Cấp dưới nịnh cấp trên với mục đích để lên chức, lên quyền.
Còn cấp trên? Không mấy người là không muốn nghe những lời khen nịnh êm ái, lọt tai từ cấp dưới (nói ngọt, lọt đến xương). Người khéo nịnh thường được cấp trên gần gũi, nâng đỡ, lên chức rất nhanh.
Ngược lại, không mấy cấp trên muốn nghe những lời trung thực, nhất là những lời phê bình, góp ý (trung ngôn, nghịch nhĩ).
Người nói thẳng rất dễ bị cấp trên xa lánh, bị trù dập, gây khó khăn trong công tác, thậm chí còn bị chụp cho những cái mũ rất ghê gớm như “phản động”, “thế lực thù địch”, như ĐBQH Trương Trọng Nghĩa từng lên tiếng trong kỳ họp thứ 9 QH khóa XIV vừa qua, là “đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để chặn lời góp ý của người khác”.
Những lời nói nào, những động tác nào được coi là xu nịnh, thật khó phân biệt, nếu không có một quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.
Bởi như đã nói, người nịnh thường nịnh rất khéo. Không có quy định đó, không thể có căn cứ để chỉ mặt đặt tên những kẻ xu nịnh, từ đó loại trừ họ ra khỏi danh sách ứng cử. Cũng như vậy, rất khó để nhận dạng những hành vi được gọi là kiêu ngạo, nếu không có những quy định cụ thể.
Để loại trừ những kẻ “chạy chức, chạy quyền” ra khỏi danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, lại càng khó hơn. Bởi việc “chạy” đó diễn ra hoàn toàn trong bóng tối, và chỉ có “bốn biết (tứ tri)” là người chạy biết, người được chạy biết.
Trời biết, đất biết. Đất vốn đã không có mồm rồi, còn trời thì cũng “thiên hà ngôn tai (trời có nói gì đâu)”, vậy làm thế nào để điểm mặt chỉ tên họ? Việc chống chạy chức, chạy quyền đã được phát động hàng chục năm nay, nhưng đã có bao nhiêu vụ “chạy” được phát hiện?
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp đến nơi rồi. Cần có một quyết sách triệt để và minh bạch, công khai.