| Hotline: 0983.970.780

Cần sớm cải tạo vùng nhãn Kông Chro

Thứ Hai 21/02/2022 , 08:45 (GMT+7)

GIA LAI Huyện Kông Chro (Gia Lai) đươc ví là vựa nhãn lớn ở Tây Nguyên, song đã bị thoái hóa, cho năng suất, chất lượng thấp, kém hiệu quả.

Vùng nhãn lớn nhất Tây Nguyên

Kông Chro là một trong những huyện xa và khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai. Ở đây, ngoài làm nông nghiệp, người dân hầu như không còn nguồn thu nào khác. Những loại cây trồng được xem là chủ lực của huyện cũng chỉ xoay quanh mía, bắp lai, dưa hấu…

Theo đó, phát triển diện tích cây ăn quả để thay thế dần những loại cây trồng kém hiệu quả đang là hướng đi của huyện. Trong đó, cải tạo vườn nhãn vốn có từ rất lâu nơi đây đang là mong muốn không chỉ của ngành nông nghiệp, mà còn là của những chủ vườn nhãn nơi đây.

Nhiều vườn nhãn của người dân ở Kông Chro đã thoái hóa, kém chất lượng. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhiều vườn nhãn của người dân ở Kông Chro đã thoái hóa, kém chất lượng. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Kông Chro, toàn huyện có trên 700 ha cây ăn quả các loại, trong đó cây xoài trên 100ha, mít khoảng 100ha, cây nhãn có trên 150ha…

Ông Võ Tấn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kông Chro cho biết: Cây nhãn có mặt ở huyện Kông Chro đã từ rất lâu theo các chương trình định canh định cư, kinh tế mới, hay theo chân những người dân từ huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) vào đây lập nghiệp cách đây trên 20 năm… Tuy nhiên với trên 150ha nhãn hiện có thì có đến trên 50ha là giống cũ, cây đã thoái hóa, quả kém chất lượng, giá bán không cao.

Cũng theo ông Hưng, cây nhãn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một số vùng trong huyện. Một thời, nhãn Kông Chro được biết đến với những quả nhãn to, cơm dày, ngọt thanh. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, vườn nhãn đã thoái hóa nghiêm trọng, một phần do khâu chọn giống từ ban đầu không chuẩn, phần nữa do khâu chăm sóc chưa thực sự hợp lý. Những vườn nhãn ở Kông Chro dần xuống cấp, năng suất thấp, hạt to, cơm mỏng, thu hoạch sau một ngày là bị thối…

Trở trăn của người trồng nhãn

Xã Chơ Long (huyện Kông Chro) có khoảng 48ha cây ăn quả, riêng nhãn có 12ha. Một thời, nhãn Chơ Long được nhiều người ưa thích bởi quả to nhưng hạt nhỏ và cơm dày, đặc biệt có vị ngọt thanh dễ chịu.

Ông Vũ Văn Tám quê huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương vào lập nghiệp ở thôn 9, xã Chơ Long theo diện kinh tế mới từ năm 2001. Khi đi, ông không quên mang theo một ít giống nhãn từ quê nhà vào trồng nơi vùng đất mới. Một thời gian sau, cây nhãn phát triển tốt, chất lượng quả không hề thua kém nhãn ở quê nhà. Thấy vậy, ông về quê lấy thêm giống nhãn vào trồng.

Tuy nhiên do phát triển vườn nhãn thiếu định hướng nên đến nay, vườn nhãn của ông có tới trên… 20 loại giống! Giống nhãn hổ lốn, không có nguồn gốc xuất xứ, rõ ràng nên cứ dần xuống cấp, năng suất và chất lượng cũng xuống theo.

Ông Vũ Văn Tám là một trong những hộ gia đình có diện tích trồng nhãn lớn tại huyện Kông Chro. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Vũ Văn Tám là một trong những hộ gia đình có diện tích trồng nhãn lớn tại huyện Kông Chro. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo ông Tám, hiện nhà ông có 3,5 ha nhãn với trên 20 loại giống khác nhau. Riêng giống siêu ngọt có 1,7ha với khoảng 350 cây, được trồng từ 5 năm về trước. “Giống nhãn siêu ngọt dễ trồng, quả ngọt, năng suất đạt khoảng 14 tấn/ha. Tuy nhiên giống này da xấu, sau khi thu hái một ngày thì quả nhãn bị thâm đen và chảy nước, do vậy không để lâu được, rất khó bán để vận chuyển đi xa”, ông Tám cho biết.

Cũng theo ông Tám, vụ nhãn năm 2020 - 2021, nhãn siêu ngọt ông bán sỉ cho thương lái chỉ được giá 12 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhãn giống T6 từ 5 - 10 ngàn đồng mỗi kg. “Tôi rất mong có một chương trình nào đó để cải tạo vườn nhãn, ghép cải tạo những giống đã thoái hóa, đồng thời phát triển thêm giống mới cho năng suất, chất lượng cao”, ông Tám bày tỏ mong muốn.

Xã Yang Trung là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện Kông Chro, với 145ha cây ăn quả các loại. Riêng nhãn, toàn xã có 52ha, tập trung chủ yếu ở 40 hộ thuộc thôn 9 và thôn 10.

Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung, ông Đinh Văn B’rơm cho biết: Với vườn nhãn trên 50ha của xã, có 8ha là giống cũ kém chất lượng, giá bán thấp và rất khó bán do không bảo quản được lâu. Số còn lại là các giống như Hương Chi, T6… Những giống này cho năng suất cao, chất lượng tốt, thương lái tìm mua tận vườn với giá cao. Tuy nhiên, để cải tạo lại vườn nhãn thì một mình nông dân không thể làm được bởi thiếu vốn, thiếu kiến thức…

Ông Huỳnh Hữu Nhân mong muốn cải tạo lại vườn nhãn. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Huỳnh Hữu Nhân mong muốn cải tạo lại vườn nhãn. Ảnh: Đăng Lâm.

Nông dân Huỳnh Hữu Nhân ở làng H’le H’lang (xã Yang Trung) có 2ha nhãn, trồng từ năm 2000. Theo ông Nhân, vườn nhãn nhà ông cho năng suất tương đối cao, nhưng hạt to, cơm lại mỏng. “Hạn chế lớn nhất là nhãn sau khi thu hái không để được lâu, chỉ một đến hai ngày là quả nhãn bị sạm đen ngoài vỏ và bắt đầu chảy nước. Do vậy, thương lái không thích thu mua do vận chuyển đi xa không được”, ông Nhân cho biết.

Cũng theo ông Nhân thì vụ nhãn mới đây, đầu vụ giá chỉ được 10 ngàn đồng/kg, thậm chí cuối vụ chỉ còn 7 ngàn đồng/kg, trong khi giống nhãn T6 bán được 25 - 30 ngàn đồng/kg. “Chúng tôi rất mong có dự án đầu tư của nhà nước để cải tạo lại vườn nhãn, nhằm tăng năng suất, chất lượng, theo đó tăng thu nhập cho những người trồng nhãn như gia đình tôi”, ông Nhân nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn B’rơm cũng đề nghị: “Rất mong nhà nước và ngành nông nghiệp có những chương trình, dự án nào đó hỗ trợ cho bà con nhằm cải tạo lại vườn nhãn như ghép giống mới cho năng suất, chất lượng cao, cải thiện đời sống cho người trồng nhãn trên địa bàn xã”.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kông Chro, ông Võ Văn Hưng cho hay: “Cây nhãn phù hợp với đồng đất Kông Chro, tuy nhiên qua thời gian, vườn nhãn đã xuống cấp, cho năng suất và chất lượng thấp. Mong muốn của huyện là từ các chương trình dự án, vườn nhãn của huyện được ghép giống chất lượng cao, hoặc phát triển các loại giống mới phù hợp, cho năng suất, chất lượng tốt. Theo đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con; góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của huyện. Đặc biệt từng bước hướng đến thương hiệu nhãn Kông Chro…".

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.