Cống âu thuyền Tắc Thủ, tỉnh Cà Mau được đầu tư, đưa vào vận hành từ 2005, là công trình thủy lợi có quy mô lớn trong chương trình ngọt hóa vùng Bán đảo Cà Mau, có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ hơn 200.000 ha đất vùng ngọt hóa. Tuy nhiên từ sau khi khánh thành đến nay, công trình không phát huy tác dụng, bị hoang phế và trở hành vật cản cho giao thông thủy.
Nằm tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu và sông Trẹm thuộc xã Hồ Thị Kỷ, Công trình âu thuyền Tắc Thủ hoàn thành từ năm 2005, với kinh phí đầu tư gần 80 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Theo người dân, ngay sau khi khánh thành đến nay, công trình này chỉ là khối bê tông vô dụng nằm chắn dòng sông. Ông Phạm Văn Đen, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết: "Từ ngày khánh thành đi vào hoạt động, cống âu thuyền mở ra vận hành rồi sau đó đóng lại, đến nay không thấy hoạt động, máy móc rỉ sét...".
Bà Nguyễn Thị Kịp, người dân xã Hồ Thị Kỷ chia sẻ: "Xây dựng công âu thuyền này tốn biết bao nhiêu tiền mà không vận hạnh thì quá hoang phí".
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nguyên nhân khiến âu thuyền Tắc Thủ không phát huy hiệu quả là do hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng chưa đầu tư đồng bộ. Do đó, không thể vận hành, điều tiết nguồn nước theo mục tiêu ban đầu của dự án.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho rằng: "Tỉnh Cà Mau cần đề xuất Trung ương sớm đầu tư hệ thống cụm cống âu thuyền Tắc Thủ trong thời gian sớm nhất để phục vụ sản xuất của người dân trong khu vực và mở rộng vùng hưởng lợi từ dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé".
Hiện nay, một số hệ thống công trình thủy lợi như Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang), âu thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu)... đã được đầu tư đưa vào vận hành hiệu quả. Vì vậy, việc khôi phục âu thuyền Tắc Thủ tỉnh Cà Mau là hết sức cần thiết trong việc kiểm soát, điều tiết nguồn nước mặn - ngọt phục vụ sản xuất trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng như hiện nay.