Ráo riết các giải pháp ứng phó
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, năm nay, hạn mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn năm 2019 - 2020. Đặc biệt, con nước rằm tháng Giêng (ngày 13 - 17/2) tới đây cần chủ động các giải pháp ứng phó, đề phòng triều cường khiến mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông Cửu Long.
Hiện các địa phương ĐBSCL đang ráo riết chuẩn bị các giải pháp trữ nước, ứng phó xâm nhập mặn. Đặc biệt, nhờ có các công trình phòng chống hạn mặn do Trung ương và địa phương xây dựng, nhất là công trình do Bộ NN-PTNT đầu tư nên phòng chống hạn mặn năm nay đỡ lo hơn cùng kỳ nhiều năm.
Tại Bến Tre, từ cuối tháng 10/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phân công nhiệm các cơ quan ban ngành cùng với địa phương chuẩn bị các giải pháp ứng phó theo mức độ ít gay gắt và gay gắt như mùa khô 2015 - 2016. Trường hợp diễn biến nặng nhất là độ mặn 4‰ gần như bao trùm địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bến Tre giao Sở NN-PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT, UBND các huyện, thành phố khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn… để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Nếu mặn bao trùm tỉnh, các nhà máy nước cũng đã có phương án vận chuyển nước về cho dân. Tổng cộng sẽ có 4 đợt cấp nước. Đồng thời, theo dõi độ mặn trên sông, mặn đến đâu đóng các cửa cống đến đó. Còn các cửa sông, kênh chưa có cống sẽ đắp đập tạm.
Riêng hồ nước ngọt Ba Tri, mùa khô vừa rồi đã được sửa chữa đáy hồ. Đến nay, hồ cũng đã dự trữ được khoảng 800 nghìn m3 nước ngọt phục vụ cho nhân dân huyện Ba Tri, một phần huyện Giồng Trôm. Người dân cũng đã có sự chuẩn bị cho sản xuất. Với những hộ dân không sản xuất cây giống thì người dân sử dụng các túi nước nhựa trữ nước. Còn những hộ sản xuất kinh doanh cây giống thì đào ao, dùng bạt mủ lót đáy trữ nước. Số lượng hồ chứa nước năm nay tăng hơn năm 2021, trên 500 hồ.
Vùng giữa ĐBSCL (gồm TP Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) và các vùng cặp sông Tiền, sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường đến tháng 2. Tháng 2, tháng 3, mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 50 - 65km, ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.
Tại Trà Vinh, theo Sở NN-PTNT tỉnh này, năm nay, hệ thống thuỷ lợi phòng chống xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh tương đối hoàn thiện hơn trước. Nhất là hệ thống cống, đập được đầu tư khá đầy đủ. Tiêu biểu như các hệ thống cống lớn Bông Bót – Tân Dinh của Bộ NN-PTNT đầu tư phục vụ kiểm soát mặn - ngọt cho hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đã đầu tư trạm bơm Kênh 3/2 tại huyện Trà Cú. Dự kiến, Trạm bơm này sẽ được hoàn thành đưa vào vận hành khoảng tháng 5 năm nay. Khi đưa trạm bơm này vào vận hành sẽ tranh thủ được nguồn nước từ Vĩnh Long đổ về cấp bổ sung cho các kênh tại huyện Trà Cú.
Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh gởi các sở, ban, ngành phương án triển khai ứng phó xâm nhập mặn. Nhất là công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi vận hành các cống điều tiết lấy nước trữ ngọt tại các cửa cống đầu mối như Cái Hóp (sông Cổ Chiên) và Láng Thé (sông Hậu).
Theo kế hoạch, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi nạo vét kênh mương để trữ nước phục vụ sản xuất hè thu sắp tới. Đồng thời, tranh thủ nguồn nước từ cống Vũng Liêm trên hệ thống sông Nam Mang Thít đổ về. Bên cạnh đó, Đài Khí tượng thuỷ văn thường xuyên quan trắc, thông báo kịp thời độ mặn trên các nhánh sông.
Tại tỉnh Tiền Giang, ông Ưng Hồng Nghi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Trước nguy cơ xâm nhập mặn vào đợt triều cường rằm tháng Giêng này, Tiền Giang vừa mới khởi công xây dựng đập thép ngăn mặn kênh Nguyễn Tấn Thành thuộc huyện Châu Thành để bảo vệ sản xuất tại các huyện phía tây của tỉnh. Dự kiến, ngày 25/2 sẽ đưa vào vận hành đập tạm này.
Thời gian tới, tuỳ tình hình diễn biến xâm nhập mặn mà Sở NN-PTNT sẽ triển khai các giải pháp ứng phó theo kịch bản đã chuẩn bị trước. Nhất là 7 đập trên đường huyện 35, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục theo dõi tình hình xâm nhập mặn và đã có phương án chuẩn bị. Khi có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh sẽ quyết định đắp các đập thép này.
Khẩn trương đóng cống do độ mặn tăng nhanh
Những ngày đầu tháng 2/2022, với dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mặn có thể xâm nhập 50 - 65 km vào nội đồng và có thể ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Do đó, đơn vị quản lý vận hành các cống tại ĐBSCL sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn tại các trạm trong khu vực để có phương án vận hành công trình phù hợp.
Hiện, bộ phận tiếp nhận công trình thủy lợi ĐBSCL, thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã có kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé để phòng, chống hạn - mặn. Đây là hệ thống thủy lợi lớn nhất trong khu vực vừa được đầu tư xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác.
Theo kết quả quan trắc, độ mặn ghi nhận tại trạm Trâm Bầu thời gian qua đã vượt ngưỡng 1‰ và liên tục tăng, độ mặn cao nhất đạt 4,83‰. Do đó, cống Cái Bé đã được vận hành đóng kín từ ngày 7/2, các phương tiện giao thông thủy di chuyển qua âu thuyền. Trong quá trình đóng cống nếu bèo, rác bị ứ đọng nhiều phía thượng lưu cống, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông thủy di chuyển thì tiến hành mở 2 cửa van cống trong vài giờ để xả thải, sau đó tiếp tục đóng kín.
Cụ thể, trong tháng 2, khi nồng độ mặn tại cầu Cái Tư (giáp ranh tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang) đạt 1‰ và có xu thế tăng, đóng kín cống Cái Lớn.
Để chủ động khống chế độ mặn tại Cầu Cái Tư không vượt 1‰, cống Cái Lớn được vận hành đóng 9/11 cửa van và âu thuyền vận hành đóng, mở theo yêu cầu. Theo bộ phận vận hành, thời gian đóng mở cửa van sẽ phụ thuộc diễn biến mực nước thủy triều thực tế trong ngày. Việc vận hành đóng mở cống khi đủ điều kiện cân bằng mực nước.
Đối với các ngày từ 10 - 28/2, lịch vận hành chi tiết sẽ được thông báo cụ thể tùy theo diễn biến độ mặn và nhu cầu dùng nước trong vùng dự án. Khi vận hành cống, bộ phận trực vận hành phân công cụ thể cán bộ tuần tra, kiểm tra diễn biến mực nước hạ lưu cống để báo cáo kịp thời tình hình ngập úng.
Trong suốt quá trình đóng, mở cống nếu diễn biến độ mặn tại cầu Cái Tư có xu thế giảm thì tiến hành mở tự do cống Cái Lớn.
Cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) sẽ được vận hành liên tục trong tháng 2/2022. Các cống Xẻo Rô (Kiên Giang), cống Vũng Liêm (Vĩnh Long) vận hành khi địa phương có yêu cầu phối hợp.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đề nghị Chi cục Thủy lợi các tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu thông báo cho các địa phương được biết để cùng phối hợp khi vận hành.