Quốc hội đồng ý giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường xăng dầu từ 11/7. Tổ chức trực vận hành hệ thống giám sát tàu cá 24/7. Đảm bảo tích nước tối đa cho các hồ đập. Việt Nam sẽ có ngày trở thành bếp ăn của thế giới. Sớm khôi phục Cống âu thuyền Tắc Thủ ngăn hạn mặn xâm nhập.
QUỐC HỘI ĐỒNG Ý GIẢM TIẾP THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XĂNG DẦU TỪ 11/7
Ngày 6/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc họp phiên bất thường, thảo luận dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế.
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng với dầu; yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tuần sau, ngày 11/7.
Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu bán lẻ trong nước qua 17 đợt điều chỉnh, trong đó tăng giá 13 lần, giảm 4 lần. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng, RON 95-III ở mức 32.760 đồng, tăng lần lượt 8.340 - 9.470 đồng so với cuối năm 2021.
Bên cạnh giảm thuế môi trường với xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa Nghị định liên quan tới thuế nhập khẩu ưu đãi, để đa dạng hoá nguồn cung xăng dầu.
TỔ CHỨC TRỰC VẬN HÀNH HỆ THỐNG GIÁM SÁT TÀU CÁ 24/7
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển về việc xử lý các vấn đề tồn tại liên quan đến thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Theo đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt theo quy định và báo cáo hàng tháng về Bộ NN-PTNT.
Ngoài ra, rà soát và xác thực thông tin tàu cá từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống để thống nhất thông tin giữa lắp đặt thực tế và hiển thị trên hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.
Cùng với đó là sắp xếp, bố trí nhân lực để trực 24/7 để vận hành hệ thống giám sát tàu cá và ban hành đầy đủ các quy trình xử lý tàu cá vi phạm.
Đối với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, Bộ NN-PTNT đề nghị khẩn trương khắc phục triệt để những tồn tại theo phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân thực hiện quy định pháp luật khi khai thác trên biển và phòng chống khai thác IUU.
ĐẢM BẢO TÍCH NƯỚC TỐI ĐA CHO CÁC HỒ ĐẬP
Chiều 6/7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Tính đến ngày 4/7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng, gấp 2,7 lần thiệt hại về người và 24 lần thiệt hại về kinh tế so với 6 tháng đầu năm 2021.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá về công tác 6 tháng đầu năm của Tổng cục phòng chống thiên tai đã triển khai toàn diện và thực hiện nhiều nội dung quan trọng, có chất lượng tốt.
Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai tập trung phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng giải quyết dứt điểm vấn đề quy trình vận hành liên hồ chứa.
Đối với 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Tổng cục cần tính toán quy trình vận hành trước lũ sớm, để khi đến cuối mùa lũ, các hồ chứa tích được nhiều nước nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân.
VIỆT NAM SẼ CÓ NGÀY TRỞ THÀNH BẾP ĂN CỦA THẾ GIỚI
Chiều 6/7, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Công đoàn Bộ NN-PTNT phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức triển lãm sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo tiêu chuẩn và chất lượng.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, một trong những điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay nằm ở khâu chế biến dù chất lượng, sản lượng của nhiều nông sản Việt thuộc tốp đầu thế giới.
Theo Thứ trưởng, Nông sản Việt không chỉ đơn thuần là một sản phẩm, mà đó còn là tâm hồn Việt, giá trị Việt và sáng tạo Việt. Muốn làm được điều ấy, từ người sản xuất, thu hoạch, tới sơ chế, chế biến, tiêu thụ và phân phối cần chuyên môn rõ từng khâu, đặc biệt là phải tập trung nguồn lực cho chế biến sâu.
Thứ trưởng cũng gợi mở, rằng nếu chịu khó cải thiện chất lượng, mẫu mã, theo kịp được thị hiếu người tiêu dùng, Việt Nam sẽ có ngày trở thành bếp ăn của thế giới.
Nằm tại ngã ba sông Ông Đốc- Cái Tàu và sông Trẹm thuộc xã Hồ Thị Kỷ, Cống Âu thuyền Tắc Thủ được đưa vào vận hành từ 2005 và là công trình thủy lợi quy mô lớn có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ hơn 200.000 héc ta đất vùng ngọt hóa.
Tuy nhiên, từ sau khi khánh thành đến nay công trình không phát huy tác dụng, bị hoang phế và trở hành vật cản cho giao thông thủy.
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nguyên nhân khiến âu thuyền Tắc Thủ không phát huy hiệu quả là do hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng chưa đầu tư đồng bộ. Do đó, không thể vận hành, điều tiết nguồn nước theo mục tiêu ban đầu của dự án.
Tỉnh Cà Mau đang đề xuất Trung ương sớm đầu tư hệ thống cụm cống âu thuyền Tắc Thủ trong thời gian sớm nhất để phục vụ sản xuất người dân trong khu vực và mở rộng vùng hưởng lợi từ dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé.