| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đào vàng lũng đoạn tỉnh Thái Nguyên:

Cần sự quyết liệt của Thanh tra Chính phủ

Thứ Sáu 29/03/2019 , 07:35 (GMT+7)

Bức xúc trước những hành vi thao túng, trục lợi từ tài nguyên khoáng sản, trụ sở công, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã gửi đơn kiến nghị tới Chính phủ. Văn phòng Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng các Bộ ngành phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên làm rõ sai phạm.

Nhiều DN trục lợi từ tài nguyên khoáng sản

Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tự thanh tra chính những sai phạm, thiếu sót trong hoạt động quản lý nhà nước của mình để báo cáo Chính phủ và các Bộ. Lại thêm một hoạt động “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bao che sai phạm…

Kiểm tra hay hợp thức hóa

Sau khi tự có kết luận kiểm tra, cho đến thời điểm này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phải ra rất nhiều văn bản khác nhau để trả lời khiếu nại, tố cáo của công dân và báo cáo Chính phủ. Hầu hết các văn bản của tỉnh đều phải thừa nhận có những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong quản lý hoạt động khai thác vàng sa khoáng và xây dựng công trình trái phép trên diện tích rừng đặc dụng. Thừa nhận có bán công sở tại Trung tâm TP Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong kiến nghị giải pháp xử lý thì tỉnh Thái Nguyên lại “mượn đà” chỉ đạo các cấp, ngành hợp thức hóa những sai phạm này.

Cụ thể, tại văn bản số 5073 ngày 10/11/2018 trả lời đơn tố cáo của công dân đồng thời báo cáo Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở NN-PTNT hướng dẫn Cty Thăng Long giải quyết tồn tại hạn chế trong việc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ phát triển rừng. Tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng để tách đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất nông nghiệp, đất khác… ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng.

Về chủ trương này, cuối năm 2018, UBND tỉnh Thái nguyên đã có văn bản xin ý kiến của Bộ NN-PTNT đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng 1.851ha. Trong đó chuyển 30,95ha rừng tự nhiên sang quy hoạch rừng phòng hộ, chuyển 1.703ha rừng tự nhiên sang rừng sản xuất và chuyển hẳn 117ha rừng tự nhiên ra ngoài quy hoạch rừng. Tuy nhiên, đề xuất của tỉnh Thái Nguyên đã bị Bộ NN-PTNT bác bỏ với lý do trước đó vào tháng 8/2017, tại Nghị quyết 17 Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó có nội dung yêu cầu UBND các tỉnh, TP thực hiện việc không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định) giao Bộ NN-PTNT ban hành cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Quy định về việc dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Và giao UBND các tỉnh phải thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng; chấm dứt tình trạng mua, bán và "hợp thức hóa" quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Thái Nguyên không chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ xung yếu, rất xung yếu.

Văn bản của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ

Tuy văn bản trả lời của Bộ NN-PTNT đã chặn đứng ý tưởng chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng của tỉnh Thái Nguyên vậy nhưng như Báo NNVN đã thông tin, cũng trong thời điểm này tỉnh Thái nguyên đã hợp thức hóa cho Cty Thăng Long bằng cách “lách" Luật Đất đai năm 2013, chia nhỏ trên 30ha diện tích đất lúa thuộc khu vực mỏ vàng Khắc Kiệm thành nhiều giai đoạn để trình HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua.

Ngăn chặn thất thoát tài nguyên, cần thu hồi mỏ

Do sai phạm quá rõ ràng, nên cho dù có cố gắng bưng bít đến thế nào thì báo cáo của UBND tỉnh Thái nguyên cũng không nhận được sự đồng thuận từ Chính phủ. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã liên tục yêu cầu tỉnh tiếp tục giải trình. Đặc biệt, khi được tham vấn ý kiến, về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho rằng báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên cần phải thẳng thắn, chi tiết, mạch lạch hơn nữa. Thứ trưởng Tuấn lập luận, tại văn bản số 289/BC-UBND ngày 13/11/2018 của tỉnh Thái Nguyên đã nêu một số tồn tại, hạn chế, vi phạm liên quan đến việc khai thác vàng sa khoáng và xây dựng công trình trái phép trên diện tích rừng đặc dụng, bán 2 cơ sở nhà đất tại trung tâm TP Thái Nguyên vì vậy UBND tỉnh Thái Nguyên cần kết luận các nội dung tố cáo trên là tố cáo đúng, đúng một phần hay tố cáo sai. Kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (nếu có); làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong những nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần.

Thứ trưởng Tuấn cũng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên báo cáo rõ việc bán các trụ sở công cho Cty Thăng Long thông qua hình thức đấu giá và giải pháp đảm bảo việc sử dụng những tài sản nêu trên theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy quan điểm của Chính phủ, của Bộ Tài chính là phải kiên quyết làm rõ từng sai phạm và trách nhiệm cá nhân nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn lần lữa không thực hiện.

Để giải quyết dứt điểm và thực sự khách quan những sai phạm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngăn chặn nguy cơ tiếp tục thất thoát tài nguyên tại 3 mỏ vàng: Với mỏ Bản Ná thì cơ quan Thanh tra Chính phủ cần phải sớm vào cuộc. Đối với mỏ Khắc Kiệm, mỏ vàng Thung lũng Nam Khắc Kiệm Cty Thăng Long đã được tỉnh giao từ hàng chục năm trước vẫn chưa tổ chức khai thác thì cần phải thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.