Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH45 (11/1/2022) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022, sẽ khơi thông điểm nghẽn để Cần Thơ phát huy các tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững, nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm của vùng. Trong đó, có chính sách thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
UBND TP Cần Thơ cho biết, qua rà soát việc lập quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì có một số nội dung đề xuất trong Đề án thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ chưa thống nhất với dự thảo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, UBND thành phố Cần Thơ đề xuất Bộ NN-PTNT một số điều chỉnh như sau. Về quy mô trung tâm 250 ha chia làm 2 khu, khu 1 có diện tích 50ha, vị trí tại quận Bình Thuỷ; khu 2 có diện tích khoảng 200ha, vị trí tại huyện Cờ Đỏ TP Cần Thơ. Theo đó, khu 1 có chức năng hành chính, quản lý và dịch vụ. Khu 2 có chức năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp vốn đang bị kìm hãm bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu thô, không có sức cạnh tranh và tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái bị ép giá và chịu nhiều rủi ro. Có thể thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Cần Thơ mà còn là động lực phát triển đối với cả vùng ĐBSCL.