Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đến tuần cuối tháng 10, nhận định lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc vẫn duy trì ở mức thấp là xấp xỉ báo động 1 (BĐ1).
Tuy nhiên, triều cường ven biển ĐBSCL được dự báo ở mức cao, mực nước vùng giữa ĐBSCL tại Cần Thơ và Mỹ Thuận được nhận định vượt mức BĐ3 từ 15–30 cm. Vì vậy nguy cơ xảy ra ngập do triều cường được nhận định ở mức cao trên địa bàn các tỉnh vùng Giữa và vùng Ven Biển đồng bằng sông Cửu Long trong kỳ triều cường cuối tháng 10 (khoảng từ ngày 27–31/10), đặc biệt trong trường hợp trong kỳ triều cường xảy ra mưa lớn.
Đối với vùng giữa, tình trạng ngập có thể diễn ra nghiêm trọng trên những khu vực có địa hình thấp thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, khu vực giữa 2 sông Tiền sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang. Trong đó ngập nặng nhất trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.
Đối với khu vực ven Biển Đông, tuy ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn nhưng do triều cường được dự báo ở mức khá cao, nên vẫn có nguy cơ cao xảy ra ngập triều trên những khu vực có địa hình thấp trên các huyện, thị xã, thành phố ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, một phần nằm phía gần biển Đông của tỉnh Cà Mau.
Đối với khu vực ven biển Tây là vùng ít bị ảnh hưởng bởi lũ đầu nguồn, nhưng triều cường được nhận định ở mức cao hơn BĐ3 từ 3-12 cm, nên nguy cơ ngập do triều cường trên những vùng có địa hình thấp là không tránh khỏi.
Cụ thể, trên địa bàn TP Cà Mau và các khu vực sản xuất, khu dân cư có địa hình trũng thấp thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé gồm địa bàn các huyện An Minh, An Biên, Châu Thành, TP Rạch Giá, huyện Giồng Riềng, Gò Quao của tỉnh Kiên Giang trong kỳ triều 27-31/10. Ngoài ra, khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cần đặc biệt lưu ý nguy cơ ngập úng khi mưa lớn xảy ra trong kỳ triều cường.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo những địa phương cấp huyện, thị xã ở ĐBSCL có nguy cơ cao bị ngập trong đợt triều cường cuối tháng 10 như sau:
Vùng giữa ĐBSCL: Vùng nội đô TP Cần Thơ; khu vực Thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình, Bình Tân, Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long; huyện Phụng Hiệp, TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy thuộc tỉnh Hậu Giang; huyện Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang.
Vùng ven biển ĐBSCL: TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, thị xã Giá Rai, thị trấn Gành Hào thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Cầu Kè, huyện Tiểu Cần, Thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; TP Sóc Trăng, Thị xã Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng; huyện Năm Căn, Trần Văn Thời, TP Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau; huyện An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng thuộc tỉnh Kiên Giang.
Cũng theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, triều cường dự báo từ nay tới cuối năm ở mức cao, đỉnh triều ven biển các tháng đều trên mức BĐIII. Nguy cơ ngập úng do triều cường vào các kỳ triều cao vào các ngày cuối tháng 10, tháng 11, tháng 12 là không tránh khỏi, mà gần nhất là kỳ triều cường từ ngày 27-31/10. Vì vậy, các địa phương trên vùng ĐBSCL, đặc biệt vùng giữa và vùng ven biển cần hết sức đề phòng và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.
Để ứng phó với triều cường cao trong các tháng cuối năm, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương cần lưu ý một số điểm sau: Rà soát các tuyến bờ bao, ô bao xung yếu, các tuyến mới đắp, để xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời trên vùng giữa ĐBSCL gồm Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, các huyện giữa 2 sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh Đồng Tháp; trên các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL gồm địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang.
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và triều cường của các tổ chức như Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, Viện Kỹ thuật Biển, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, và chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng.