Nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh
Trong năm 2023, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh dại… được ngành chức năng Ninh Thuận cơ bản kiểm soát tốt.
Tháng 3, trên địa bàn tỉnh này xảy ra bệnh lở mồm long móng trên bò với 18 con bị mắc bệnh của 6 hộ chăn nuôi tại xã Phước Chính (huyện Bác Ái). Nhờ ngành chức năng kịp thời phát hiện và khống chế nên không lây lan diện rộng.
Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm thông thường như Ecoli trên heo, Newcastle trên gà có xảy ra rải rác tại một số địa phương, nhưng cũng được ngành chức năng phát hiện, xử lý.
Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Ninh Thuận được khống chế là nhờ các địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng. Đến nay, gần 5.800 liều vacxin đã được người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đạt tỷ lệ bình quân 95%. Hiện, tỉnh đang tiếp tục thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2/2023.
Theo ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, trong năm đơn vị đã lấy 60 mẫu huyết thanh trên bò để giám sát sau tiêm phòng vacxin lở mồm long móng. Kết quả, đàn gia súc có tỉ lệ bảo hộ đạt mức quy định, số mẫu có kháng thể đạt bảo hộ đối với virus lở mồm long móng tuýp O là 76,6% (46/60 mẫu) và tuýp A là 80% (48/60 mẫu).
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đồng thời lấy mẫu Swab trên 30 con bò để giám sát lưu hành virus bệnh viêm da nổi cục, kết quả cho thấy 100% mẫu không phát hiện virus Capripox gây bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò được lấy mẫu, đồng thời lấy 150 mẫu Swab trên các đàn vịt gửi Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm đang chờ kết quả.
“Trong năm 2023, các địa phương và Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc đã triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường với số lượng hóa chất đã sử dụng là 7.353 lít Benkocid. Trong đó, phun tập trung 1.677 lít, cấp phát hộ chăn nuôi 5.570 lít cho 5.660 lượt hộ. Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc phun xịt tiêu độc khử trùng 106 lít, góp phần tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh”, ông Phan Đình Thịnh cho hay.
Không để dịch bệnh lây lan
Theo kế hoạch, năm 2024, đàn gia súc, gia cầm ở Ninh Thuận ổn định ở mức 595.000 con. Trong đó, đàn trâu có 4.000 con, đàn bò 122.000 con, đàn dê 135.000 con, đàn cừu 119.000 con, đàn heo 215.000 con và đàn gia cầm 2,6 triệu con.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 49.600 tấn, gồm: Thịt gia súc 41.000 tấn, trong đó, thịt trâu bò 6.500 tấn, dê cừu 4.500 tấn, thịt heo 30.000 tấn và thịt gia cầm 8.600 tấn, sản lượng trứng gia cầm 82 triệu quả.
Để duy trì đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận sẽ tăng cường công tác kiểm dịch, trong đó số lượng động vật trên cạn được kiểm dịch là 36 triệu con, động vật được kiểm soát giết mổ 130.000 con, động vật thuỷ sản được kiểm dịch là 37 tỷ con.
Bên cạnh đó, Chi cục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước cải thiện đời sống người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
“Ngoài ra, chúng tôi chủ động tổ chức và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động để cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản, triển khai thực hiện hiệu quả tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt 80% tổng đàn và lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để xác định mức độ bảo hộ của vacxin phòng bệnh”, ông Phan Đinh Thịnh nói.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật vận chuyển ra, vào tỉnh để bảo đảm đạt 100% động vật và sản phẩm động vật vận chuyển được kiểm dịch. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ, bảo đảm 80% sản phẩm gia súc, gia cầm giết mổ lưu thông trên thị trường được kiểm soát.
Theo ông Thịnh, đơn vị tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án xử lý đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tự phát, các điểm buôn bán sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Chúng tôi sẽ tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2024. Thực hiện tiêu độc sát trùng, tiêm phòng vacxin gia súc, gia cầm định kỳ 2 đợt/năm, thanh kiểm tra hoạt động chăn nuôi thú y, an toàn thực phẩm…
Đồng thời, tham mưu công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm và thủy sản, kiểm soát giết mổ; phối hợp với các Sở, ngành liên quan cùng các địa phương triển khai công tác quản lý chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh”, ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận chia sẻ.
Trong năm 2023, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã lấy 19 mẫu thức ăn tươi sống sử dụng cho tôm bố mẹ và 92 mẫu tôm post giống để xét nghiệm 5 bệnh nguy hiểm nhằm kiểm tra, giám sát mức độ lưu hành mầm bệnh. Kết quả đã không phát hiện vi bào tử trùng (EHP), virus gây bệnh Taura (TSV), virus gây bệnh hoại tử cơ (IMNV), virus gây bệnh đầu vàng (YHV/GAV), virus gây bệnh DIV1. Duy nhất chỉ phát hiện 1 mẫu thức ăn tươi sống dương tính với vi bào tử trùng (EHP).