| Hotline: 0983.970.780

Huy động mọi nguồn lực phủ rộng vacxin đàn vật nuôi

Thứ Tư 15/11/2023 , 10:09 (GMT+7)

Thay vì hỗ trợ kinh phí khi đàn vật nuôi xảy ra dịch bệnh, Gia Lai đã chọn phương án chủ động tiêm phủ rộng vacxin, ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.

Tiêm vacxin giúp các địa phương ở Gia Lai ngăn ngưa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả. Ảnh: Tuấn Anh.

Tiêm vacxin giúp các địa phương ở Gia Lai ngăn ngưa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả. Ảnh: Tuấn Anh.

Điểm sáng huyện biên giới Chư Prông

Trong năm 2023, huyện Chư Prông phủ rộng 61.000 liều vacxin cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, trong năm nay, vacxin phòng chống bệnh dại được huyện đã bố trí 8.000 liều tiêm cho đàn chó, mèo. Trong đợt 2 năm 2023, huyện tiếp tục tiêm 16.000 liều vacxin lở mồm long móng nhằm tạo miễn dịch bệnh trên đàn trâu, bò.

Chính nhờ tiêm phòng vacxin phủ rộng trên đàn vật nuôi nên thời gian qua, trên địa bàn huyện Chư Prông chưa xảy ra những trường hợp dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm…

Ông Lưu Hoài Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Prông cho biết, mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025, huyện Chư Prông sẽ phủ trên 70% vacxin phòng bệnh trên đàn vật nuôi. Để đạt được con số này, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho năm 2024, đồng thời xác định các đối tượng tiêm phòng, các loại dịch bệnh cần tiêm phòng. Kể cả vấn đề về kinh phí cũng đã được lên phương án và đang chờ Hội đồng nhân dân huyện thông qua.

“Về cơ bản, lãnh đạo huyện Chư Prông cũng xác định được tính chất quan trọng của việc tiêm vacxin phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Thà rằng chủ động bỏ kinh phí phòng chống dịch bệnh còn hơn phải bố trí kinh phí để hỗ trợ khi dịch bệnh xảy ra”, ông Hưng cho biết.

Chủ động tiêm vacxin viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Ảnh: Tuấn Anh.

Chủ động tiêm vacxin viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Ảnh: Tuấn Anh.

Để có đủ số lượng vacxin phủ sóng trên đàn vật nuôi, huyện đã tận dụng tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của huyện. Ngoài ra, huyện Chư Prông cũng nhận được các nguồi kinh phí hỗ trợ từ phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Gia Lai. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đăng ký xin hỗ trợ từ tỉnh khoảng 3.000 liều vacxin phòng, chống bệnh dại để tiêm cho đàn chó.

Theo ông Hưng, trong công tác triển khai tiêm phòng vacxin, mặc dù còn rất nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ thú y cơ sở, tuy nhiên huyện đã huy đồng mọi lực lượng từ cán bộ nông nghiệp, hội chữ thập đỏ… để thành lập đội tiêm vacxin. Sau đó, huyện xây dựng kế hoạch tiêm vacxin theo hình thức cuốn chiếu.

“Trong mỗi đợt tiêm phòng như vậy, dù huy động mọi lực lượng nhưng cũng phải mất cả tháng mới xong. Chưa kể, có những đợt tiêm lồng ghép 2 loại vacxin vừa phòng chống dại và lở mồm long móng, các lực lượng phải căng mình trong 1,5 tháng mới thực hiện xong. Những lúc mưa gió, lực lượng tiêm phòng cũng phải làm với mục tiêu đảm bảo hiệu quả nhất cho đàn vật nuôi”, ông Hưng chia sẻ.

Xã Ia Mơ được xem là nơi trọng điểm về chăn nuôi của huyện Chư Prông, với hơn 5.500 con gia súc, gia cầm các loại. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của huyện, xã xây dựng kế hoạch tiêm vacxin cũng như phun tiêu trùng khử độc chuồng trại cho đàn vật nuôi rất hiệu quả.

“Xác định chăn nuôi là kinh tế mũi nhọn, những năm qua xã Ia Mơ luôn cử các cán bộ chuyên môn để theo dõi diễn biến phát triển đàn gia súc, gia cầm cũng như việc tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh theo mùa. Nhờ làm tốt công tác phòng chống nên những năm qua trên đại bàn xã chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”, ông Tuấn Anh chia sẻ. 

Cũng theo ông Tuấn Anh, xã Ia Mơ cũng đang gặp khó khăn do thiếu cán bộ thú y để thực hiện công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, lường trước được vấn đề này, cách đây 2 năm, xã Ia Mơ đã đào tạo được 2 lớp học sơ cấp về thú y cho bà con để qua đó chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

“Không thể lúc nào bác sỹ thú y cũng có mặt thường xuyên để tiêm phòng, việc sử dụng nhân dân thông qua các lớp tập huấn đã phần nào giải quyết được vấn đề tiêm phòng. Đặc biệt, khi phát hiện dịch bệnh, xã có thể huy động nguồn lực trong nhân dân để chủ động hỗ trợ”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, với cách làm này, xã Ia Mơ đã phần nào mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Cán bộ thú y huyện Krông Pa thực hiện tiêu độc khử trùng trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Cán bộ thú y huyện Krông Pa thực hiện tiêu độc khử trùng trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Triển khai tiêm vacxin đồng bộ

Huyện Krông Pa có số lượng đàn vật nuôi lớn của tỉnh với hơn 63.000 con bò, gần 16.000 con heo, khoảng 14.000 con dê. Huyện đã xuất kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh với việc mua 14.500 liều vacxin viêm da nổi cục, 400 lít hóa chất.

Bên cạnh đó, Krông Pa được tỉnh hỗ trợ 19.500 liều vacxin lở mồm long móng, cấp gần 1.300 lít hóa chất Benkovet và Benkocid. Đến nay, huyện đã triển khai tiêm 15.000 liều vacxin lở mồm long móng, sử dụng hơn 1.900 lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng hơn 2,3 triệu m2, phát quang khơi thông cống rãnh được hơn 2,5 triệu m2.

Ông Âu Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết, hiện đang là thời điểm giao mùa nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, nhất là viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng…

“Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đặc biệt, người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng các loại vacxin cho đàn gia súc về các loại dịch bệnh như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục”, ông Trung chia sẻ

“Vừa qua, huyện tiếp tục triển khai tiêm 19.000 liều vacxin tụ huyết trùng, 19.500 liều vacxin viêm da nổi cục trâu, bò cho trâu, bò của các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách của của 4 xã Chư Ngọc, Đất Bằng, Ia Rsươm, Krông Năng có nguy cơ cao lây bệnh từ huyện, tỉnh khác vào địa phương. Ngoài ra, tổ chức phun tiêu độc khử trùng môi trường đợt 4 với 800 lít hóa chất.

Dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp nhưng tỉnh Gia Lai vẫn đẩy mạnh công tác tiêm vacxin cho đàn vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp nhưng tỉnh Gia Lai vẫn đẩy mạnh công tác tiêm vacxin cho đàn vật nuôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, hiện các địa phương mới chỉ bố trí được hơn 15,8 tỷ đồng (đạt khoảng 48% kế hoạch) tổ chức mua và tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh chủ động cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, nhờ các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ổ bệnh trên động vật xảy ra lẻ tẻ, được xử lý ngay khi mới phát sinh. Qua đó, các địa phương đã triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò được gần 177.000 liều vacxin lở mồm long móng, hơn 88.000 liều vacxin viêm da nổi cục, 73.200 liều vacxin tụ huyết trùng.

Hiện nay Sở NN-PTNT Gia Lai đã triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 3, cấp cho các địa phương hơn 2.800 lít hóa chất để cùng với nguồn hóa chất của địa phương triển khai trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm vacxin một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT Gia Lai cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn vật nuôi với hơn 12,6 triệu liều vacxin các loại.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, do tình hình bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, chưa tạo được miễn dịch quần thể, nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan là rất lớn.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.