Những ngày gần đây, dư luận xã hội xôn xao trước việc bà chủ khu du lịch Đại Nam Nguyễn Phương Hằng liên tiếp lên mạng nói các ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên… ăn chặn tiền từ thiện mà họ quyên góp được trong đợt thiên tai miền Trung năm 2020.
Bà Phương Hằng nói "bóng gió", thì số tiền mà các mạnh thường quân chuyển vào tài khoản của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên có thể chênh lệch tới hàng trăm tỉ đồng so với số liệu được công bố trước đó.
Theo quy định của Nghị định số 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thì các tổ chức tín dụng có trách nhiệm phải giữ bí mật tuyệt đối về thông tin của khách hàng, và chỉ được phép cung cấp các thông tin đó khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử. Bất cứ một tổ chức tín dụng nào hay nhân viên của tổ chức đó để lộ thông tin của khách hàng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như vậy, không biết bà Phương Hằng có được thông tin về tài khoản của các ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên… từ nguồn nào? Ai là những người đã để lộ thông tin đó? Câu hỏi này chỉ Cơ quan Cảnh sát Điều tra mới trả lời được.
Nhưng hiệu ứng xã hội của những con số trên đến đâu lại là chuyện khác, chẳng liên quan gì đến việc lấy thông tin từ nguồn nào? Ai cung cấp? Những con số đó đã khiến dư luận xã hội xôn xao chẳng kèm gì thông tin đại dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác.
Để chứng minh là mình trong sạch, thiết nghĩ các nghệ sỹ được bà Phương Hằng nêu tên chỉ cần sao kê tài khoản của mình rồi công khai ra là mọi thông tin do bà chủ Khu du lịch Đại Nam tung ra trở thành vô nghĩa. Hơn thế nữa bà Phương Hằng có thể còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vu cáo. Nhưng không hiểu sao đến nay các nghệ sỹ vẫn chưa làm được.
Trả lời báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, khẳng định: Nguyên tắc trong hoạt động từ thiện là phải bảo đảm minh bạch. Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng thiện nguyện để vụ lợi, gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt. Nếu làm vậy là có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ông Xô cũng nhấn mạnh, thông tin từ dư luận xã hội cũng là một nguồn tin tố giác tội phạm. Nếu xác định những thông tin trên có dấu hiệu tội phạm thì Bộ Công an sẽ vào cuộc, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đó chính là điều mà xã hội đang mong mỏi.