| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/10/2021 , 07:32 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 07:32 - 28/10/2021

Cần xây dựng luật đăng ký tài sản

Nay nếu có luật đăng ký tài sản, thì bất cứ một công dân nào, một khi phát sinh một tài sản mới, đều phải đăng ký.

Báo cáo trước Quốc hội về công tác năm 2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí đã kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung xây dựng luật đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ này.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Lê Minh Trí có kiến nghị xây dựng luật đăng ký tài sản. Ở nhiệm kỳ trước (khóa XIV), tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 1/2021, ông cũng đã đưa ra đề nghị này, với mục đích phòng ngừa và thu hồi được tài sản tham nhũng. 

Theo Viện trưởng VKSNDTC, sở dĩ cần phải xây dựng luật đăng ký tài sản, vì trong thời gian qua, tội phạm về tham nhũng, chức vụ đã tăng ở mức cao nhất, đến 15,2%, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, dù VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để thu hồi những tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng. Và con số đó đã lên đến 4.500 tỷ đồng. Nhưng đó cũng mới chỉ là một phần rất nhỏ (chỉ trên dưới 10%) số tài sản của công bị chiếm đoạt.

Sở dĩ chúng ta chỉ thu hồi được rất ít số tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, vì kẻ tham nhũng một khi đã chiếm được tài sản của công, biến những tài sản đó thành của riêng, thì không bao giờ tự mình đứng tên những tài sản đó, mà tẩu tán bằng cách cho vợ, con, người thân đứng tên chủ sở hữu.

Như Giang Kim Đạt chẳng hạn, tham nhũng đến hàng trăm tỷ đồng nhưng đối tượng này đã biến những đồng tiền tham nhũng đó thành hơn 20 bất động sản ở các thành phố lớn, thậm chí ở cả nước ngoài, rồi cho bố là Giang Văn Hiển đứng tên.

Chính vì vậy, tuyệt đại đa số những kẻ tham nhũng, một khi bị điều tra, truy tố, đều “tuyết sạch giá trong”, đều chẳng có tài sản gì, trong khi người thân của họ, có người chỉ 20 tuổi, dù chẳng làm gì, chẳng có nguồn thu nhập gì, nhưng lại là chủ sở hữu những tài sản có giá trị cả trăm tỷ. Việc kê khai sản chỉ được thực hiện trong hệ thống chính trị. Chính vì lý do trên mà cả triệu người kê khai, nhưng chẳng phát hiện ra trường hợp tham nhũng nào. Trong khi người thân của đối tượng tham nhũng đứng tên những tài sản lớn, chúng ta biết hết, nhưng lại chẳng làm gì được, do vướng quyền sở hữu của công dân.

Nay nếu có luật đăng ký tài sản, thì bất cứ một công dân nào, một khi phát sinh một tài sản mới, đều phải đăng ký. Và kèm theo việc đăng ký, phải giải trình rõ nguồn gốc của tài sản đó. Một khi giải thích không rõ ràng hoặc có dấu hiệu bất minh, thì sẽ bị cơ quan chức năng “hỏi thăm” ngay. Có thể nói, luật đăng ký tài sản, một khi được xây dựng và ban hành, sẽ trở thành một thanh kiếm vô cùng sắc bén để diệt trừ tham nhũng từ trứng nước.