Vết gợn
Dự án điểm Khu vui chơi giải trí Cửa Hội được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư tại Thông báo số 1152-TB/TU ngày 29/5/2018. Với kinh phí thực hiện lên đến 5.000 tỷ đồng, dự án có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, qua đó tạo động lực phát triển KT-XH cho thị xã Cửa Lò nói riêng và toàn tỉnh Nghệ An nói chung.
Nhiều gia đình đã phải tháo dỡ ki-ốt |
Theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, Khu vui chơi giải trí Cửa Hội có quy mô lên đến gần 200 ha, bao gồm 3 vị trí ranh giới. Trong đó vị trí 1 thuộc địa phận phường Nghi Hòa, phía Bắc giáp đường ngang số 19 kéo dài, phía Nam giáp đường Vinh - Cửa Hội kéo dài, phía Đông giáp đường dạo bộ ven biển và biển Đông, phía Tây giáp đường Bình Minh, diện tích 35,2ha. Vị trí 2 thuộc phường Nghi Hải, chính là khu vực Đảo Ngư với diện tích hơn 63 ha. Vị trí 3 là tuyến cáp treo nối từ đất liền ra đảo Ngư với chiều dài khoảng 3,5km, tổng diện tích cáp treo và trụ cáp khoảng 16 ha.
Về tổng thể quy hoạch, dự án đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng quy mô, hiện đại bậc nhất (quảng trường trung tâm, cáp treo, khu dịch vụ mua sắm, ẩm thực, khu vui chơi trong nhà, công viên, khu thể thao bãi biển, khu chùa cổ tôn tạo, vườn thực vật, bãi tắm…). Khi đi vào hoạt hoạt động, Khu vui chơi giải trí Cửa Hội hứa hẹn sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền lan tỏa rộng khắp, qua đó nâng tầm Cửa Lò thành thương hàng đầu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân nơi đây, dự án đang "lấy đi miếng cơm manh áo" của họ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Cửa Lò, khẳng định: “Những dự án thông thường, chủ đầu tư phải chủ động trong công tác GPMB. Ngược lại, dự án Khu vui chơi giải trí Cửa Hội triển khai theo hình thức đấu thầu, vì thế địa phương phải đứng ra chịu trách nhiệm đảm bảo mặt bằng sạch cho đối tác.
Đối với các trường hợp kinh doanh ăn uống tại khu vực Cửa Hội, thực chất việc phát triển các ki-ốt không nằm trong quy hoạch chính thức, hợp đồng thỏa thuận chỉ áp dụng theo từng năm, hết thời hạn nói trên hoặc khi Nhà nước thu hồi vào mục đích khác thì các hộ phải tự tháo dỡ, bàn giao lại mặt bằng. Theo quy định, không có cơ sở để thực hiện hỗ trợ, đền bù cho các hộ".
Về cơ sở pháp lý không sai, nhưng xét đến những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, người dân nên được ghi nhận.
Chưa thỏa đáng
“Ăn Cửa Hội, lội Cửa Lò” là câu cửa miệng của thực khách khi tìm về với vùng đất biển, nói thế để thấy trong tổng thể phát triển chung khu vực bãi tắm Cửa Hội, đặc biệt là hàng chục ki-ốt kinh doanh ăn uống dọc bờ biển có đóng góp quan trọng.
Nhiều hộ dân phản ánh nguyện vọng của mình |
Được sự chấp thuận của chính quyền sở tại, các hộ đã chủ động trang trải kinh phí, nâng cấp hệ thống kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách trong và ngoài tỉnh. Từ một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa, sau 20 năm thương hiệu biển Cửa Hội ngày càng vang xa.
Xuyên suốt quá trình hoạt động, bên cạnh nghĩa vụ nộp thuế kinh doanh hàng năm (hộ ông Nguyễn Mạnh Hùng đóng nhiều nhất với 78 triệu đồng), các hộ đều tích cực tham gia, hưởng ứng các chương trình do địa phương, đoàn thể phát động.
Tiến hành xâu chuỗi các phương án “gỡ nút thắt” đến từ các bên liên quan có thể thấu hiểu được tâm trạng của người dân nơi đây. Đầu tiên, UBND phường Nghi Hòa ban hành thông báo yêu cầu “tháo gỡ, trao trả mặt bằng từ 4/4 - 10/4. Sau mốc thời gian này, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế”. Không nhận được sự đồng thuận, phường Nghi Hòa lại ra thông báo tiếp theo yêu cầu “thực hiện từ 11/4 - 15/4”, đi kèm với đó là việc chủ động “cắt điện” thường xuyên và liên tục nhằm gây sức ép lên các hộ (?!)
Căng thẳng hơn khi ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TX. Cửa Lò có thông báo chính thức tại buổi đối thoại ngày 18/4/2019: “Các hộ không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ và không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp tìm kiếm việc làm theo quy định”.
Ông Đinh Bá Tùng (ki-ốt số 23 Tùng Anh) cho hay: “Khách quan mà nói chính chúng tôi là những người tiên phong gầy dựng nên thương hiệu ẩm thực Cửa Hội, giờ bị đối xử như thế này thử hỏi ai chấp nhận cho được”.
Đầu tháng 5/2019 các hộ tiếp nhận thông tin: ki-ốt nào thực hiện giải tỏa trước đó được hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng, những hộ còn lại mức nhận giảm xuống 40 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó là số tiền ít so với mức đầu tư bình quân của mỗi hộ trên dưới 300 triệu đồng.