| Hotline: 0983.970.780

Góc khuất những dự án khủng của Tập đoàn Cienco 4: Bài 1 - Khu du lịch 1.500 tỷ đồng mịt mùng lối thoát

Thứ Năm 02/05/2019 , 10:10 (GMT+7)

Khi Tập đoàn Cienco 4, một “ông lớn” đầy tiềm năng vạch ra kế hoạch biến hồ Cầu Cau (Thanh Chương, Nghệ An) thành một khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng hàng đầu trong tương lai không xa, khỏi nói sự kỳ vọng lớn đến nhường nào. Nhưng rồi mọi thứ xoay vần chóng vánh, với diễn biến tình hình thực tại dự án nghìn tỷ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ...

Sứt mẻ niềm tin

Đảo chè Cầu Cau, thuộc địa phận 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh (Thanh Chương) từ lâu được ví như “Hạ Long trong lòng xứ Nghệ” nhờ những nét đặc trưng hiếm nơi nào có được. Đảo gồm 1 đập chính và 2 đập phụ, trong khu vực lòng hồ có những đồi chè của người dân bản địa, mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế bền vững mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn của thực khách trong và ngoài nước.

11-56-32_2
Đảo chè Cầu Cau có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Nhận thấy tiềm năng du lịch to lớn của mảnh đất trời phú, năm 2017 Tập đoàn Cienco 4 chính thức nhập cuộc bằng cách triển khai dự án “khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau” với kinh phí đầu tư lên đến 1.532 tỷ đồng. Quy mô dự án rộng hơn 449 ha, nằm trên địa phận hành chính 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh. Trong đó phần khai thác mặt hồ 83,9 ha, trồng cây xanh 280 ha, diện tích còn lại sẽ hình thành 5 khu chức năng, bao gồm: khu đón tiếp; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi, giải trí; khu làng nghề và khu thiền viện.

Theo kế hoạch, ​công trình “khủng” sẽ triển khai trong thời gian 5 năm (2017 – 2022). Trong đó giai đoạn 1 (2017 – 2018) tiến hành xây dựng khu đón tiếp và hạ tầng thiết yếu để kết nối các phân khu khác. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư khu nghỉ dưỡng gồm khu sinh thái số 1 và số 2 (2018 – 2019). Từ 2020 – 2022 sẽ hoàn thiện các phân khu chức năng còn lại. 

Dự kiến khi hoàn thành dự án đạt tiêu chuẩn 4 sao, phục vụ hiệu quả nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, khai thác tiềm năng của huyện Thanh Chương, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh Nghệ An.

Xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của công trình điểm, chính quyền các cấp, từ tỉnh xuyên suốt xuống tận cơ sở đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên với diễn biến lúc này, xem ra niềm tin đang bị đặt nhầm chỗ.

11-56-32_3
Sự chậm trễ của Cienco 4 khiến dự án dậm chân tại chỗ

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Dự án khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2017 tại Quyết định 550/QĐ-UBND, đến tháng 12/2017 tiếp tục có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000. Quá trình kiểm đếm mặt bằng giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn tất nhưng hiện tại phía nhà đầu tư chưa tiến hành đền bù, hỗ trợ. Tiến độ nhìn chung chậm so với kế hoạch đề ra”.

Theo những người am hiểu tường tận, nguyên nhân sâu xa dẫn đến động thái trì hoãn liên miên của Tập đoàn Cienco 4 bắt nguồn từ những khó khăn về tài chính. Nếu quả thật như vậy đơn vị này phải có phương án hoàn trả lại quỹ đất cho UBND tỉnh Nghệ An, qua đó mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư khác tham gia thay vì cố sống cố chết giữ khư khư như bấy lâu. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Hiền nhấn mạnh: “Về những khó khăn của Cienco 4 huyện Thanh Chương hoàn toàn chia sẻ, tuy nhiên không thể để sự việc kéo dài mãi như thế này được. Về lâu dài nếu tình hình không có chuyển biến, địa phương sẽ có văn bản yêu cầu đề nghị tỉnh thu hồi.

Lúc này các thủ tục cơ bản đã hoàn thiện, các hộ liên quan (giai đoạn 1) cũng đã chấp thuận với phương án đưa ra, chỉ cần có nhà đầu tư khác đủ khả năng vào thay thế thì khúc mắc sẽ được giải quyết”.
 

Bạc mặt khi dự án “treo”

Mong muốn trên cũng chính là tâm tư, nguyện vọng của hàng trăm hộ dân tại 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh. Thực tình từ khi dự án manh nha tâm trạng của họ bị xáo trộn liên miên, luôn dồn nén căng như dây đàn.

11-56-32_4
11-56-32_5
Trong khi đó nhiều hoạt động “ăn theo” đã được triển khai

Không hề giấu diếm, Chủ tịch UBND xã Thanh An, ông Nguyễn Cảnh Nam nói thẳng: “Dự án liên quan đến diện tích đất đai, công trình kiến trúc, cây cối và hoa màu của 124 hộ dân trên địa bàn xã. Trước giờ các hộ áp dụng mô hình sản xuất chè công nghiệp và trồng keo, tình hình duy trì ổn định nên nhiều nhà không đồng tình với phương án GPMB của Cienco 4 đưa ra. Địa phương phải đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, trải qua nhiều lần vận động, cộng với sự điều chỉnh từ phía chủ đầu tư (nâng kinh phí đền bù cho cây chè, từ 10.000đ/cây lên 20.000đ/cây...) nút thắt mới dần được tháo gỡ.

Khi tư tưởng đã thông đinh ninh mói việc sẽ tiến triển suôn sẻ, nào ngờ tình hình ngày càng bế tắc, hiện tại chưa có bất kỳ hộ dân nào được nhận tiền đền bù, hỗ trợ”.

Hơn lúc nào hết, chính quyền và người dân xã Thanh An mong muốn sự rạch ròi của Tập đoàn Cienco 4 thay vì thái độ lấp lửng như thời gian qua. Chính động thái nửa nạc nửa mỡ của nhà đầu tư khiến mối hoài nghi ngày càng dâng cao. Không phải vô cớ mà nội dung “tiếp tục hay dừng hẳn” luôn là vấn đề nóng ran được bàn luận gay gắt tại các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhân dân kịch liệt phản đối hết lần này lượt khác nhưng tình hình chẳng mảy may xê dịch khiến niềm tin rơi dần xuống đáy, bà con thực sự quá mỏi mệt sau quãng thời gian chờ đợi dài đằng đẵng. “Gia đình tôi có trên 6.700 m2 đất lâm nghiệp vướng vào dự án, bấy nhiêu đó là miếng cơm manh áo, là nguồn sống thường ngày, việc chấp thuận đánh đổi lấy đôi đồng kinh phí cũng chỉ vì lợi ích chung của cộng đồng mà thôi.

Khi chưa đạt được thỏa thuận phía Green Tea Islands (công ty con của Cienco 4 – PV) ra sức kêu gọi, vận động hết lần này lượt khác. Hăng hái là vậy, chẳng hiểu sao bấy lâu nay không thấy họ đả động gì nữa, mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Chủ đầu tư im lặng chẳng khác nào dồn chúng tôi vào bước đường cùng, mọi kế hoạch sản xuất đều phải tạm ngưng khiến tình hình thực sự khó khăn, họ phải tính toán thế nào cho hợp lý chứ người dân chịu đựng bấy nhiêu là đủ lắm rồi”, ông Nguyễn Văn Bản, trú tại xóm 8, xã Thanh An thốt lên chua chát.

11-56-32_6
Ông Nguyễn Văn Bản, một hộ dân liên đới ngán ngẩm

Một dự án quy mô hoành tráng, nhận được nhiều kỳ vọng lớn lao đang cho thấy dấu hiệu tắt ngúm từ trong trứng nước. Để niềm tin của người dân không tiếp tục bị bào mòn, nhất thiết tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương cùng các đơn vị liên quan phải sớm có phương án giải quyết thấu đáo.

Thông tin Cienco 4 đầu tư vào Đảo chè Cầu Cau ngay lập tức tạo nên hiệu ứng dây chuyền rộng khắp. Trong vòng 2 năm trở lại đây không ít trường hợp nhanh chân đi tắt đón đầu, quyết định dốc tiền của xây dựng hệ thống công trình, các nhà hàng, các điểm dừng chân khá bề thế để phục vụ nhu cầu thị hiếu. Nằm trong chuỗi hoạt động đó, hàng chục phương tiện, tàu thuyền công suất nhỏ dưới 15 CV cũng được trang bị để khai thác tiềm năng mặt nước, điều đáng bàn là hoạt động này phát triển theo dạng tự phát, không theo quy hoạch nên rất khó kiểm soát, đồng nghĩa với hàng loạt nguy cơ luôn rình rập.

Diễn biến tình hình thực tế cho thấy dự án “nghìn tỷ” đang phát huy tác dụng ngược, lợi lộc mang lại chẳng thấy đâu nhưng hệ lụy phát sinh thì hiện rõ mồn một.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.