Cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đều cho biết họ đã đồng ý tăng cường các nỗ lực tăng cường an ninh biên giới để đáp lại yêu cầu của ông Trump về việc ngăn chặn nhập cư trái phép và buôn lậu ma túy. Điều này sẽ khiến Mỹ hoãn áp thuế quan 25% trong 30 ngày.
Canada đã đồng ý triển khai công nghệ mới và nhân lực dọc theo biên giới với Mỹ và khởi động các nỗ lực hợp tác để chống lại tội phạm có tổ chức, buôn lậu fentanyl và rửa tiền.
Mexico cũng đã nhất trí củng cố biên giới phía bắc của mình với 10.000 lính Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn dòng chảy di cư bất hợp pháp và ma túy. Mỹ cũng đưa ra cam kết ngăn chặn buôn bán vũ khí hạng nặng sang Mexico, bà Sheinbaum nói.
"Với tư cách là Tổng thống, trách nhiệm của tôi là đảm bảo an toàn cho tất cả người dân Mỹ, và tôi đang làm điều đó. Tôi rất hài lòng với kết quả ban đầu này", ông Trump nói trên mạng xã hội.
Hiện tại, các thỏa thuận đã tạm thời ngăn chặn được một cuộc chiến thương mại mà các nhà kinh tế dự đoán sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của tất cả các bên liên quan và khiến vật giá leo thang.
Sau khi điện đàm với cả 2 nhà lãnh đạo, ông Trump cho biết ông sẽ cố gắng đàm phán các thỏa thuận kinh tế trong tháng tới với hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nền kinh tế của họ đã trở nên gắn bó chặt chẽ với Mỹ kể từ sau một thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặt được ký kết vào những năm 1990.
Không có thỏa thuận nào như vậy đối với Trung Quốc, quốc gia phải đối mặt với mức thuế 10% đối với toàn bộ sản phẩm từ ngày 4/2. Một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ chưa điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho đến cuối tuần.
"Hy vọng Trung Quốc sẽ ngừng chuyển fentanyl vào đất nước của chúng ta, và nếu không, mức thuế quan sẽ tăng cao hơn đáng kể", ông nói.
Trung Quốc cho rằng fentanyl là vấn đề của Mỹ và cho biết họ sẽ đưa vấn đề thuế quan tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như thực hiện các biện pháp đối phó khác, nhưng cũng để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán.
Hôm 2/2, ông Trump gợi ý rằng Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia sẽ là mục tiêu tiếp theo của ông, song không tiết lộ khi nào sẽ đánh thuế khối này.
Các nhà lãnh đạo EU tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Brussels hôm 3/2 cho biết châu Âu sẽ sẵn sàng chống trả nếu Mỹ áp thuế, nhưng cũng yêu cầu một lý do hợp lý và đàm phán. Ông Trump cũng ám chỉ rằng Anh, quốc gia đã rời EU vào năm 2020, có thể được miễn thuế quan. Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của EU.
Cuối tuần qua, ông Trump thừa nhận rằng việc đánh thuế quan của ông có thể gây ra một số thiệt hại trong ngắn hạn cho người tiêu dùng Mỹ, nhưng cho rằng điều này cần thiết để hạn chế vấn đề nhập cư trái phép và buôn bán ma túy, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước.
Các mức thuế như kế hoạch ban đầu sẽ ảnh hưởng đến gần một nửa tổng số hàng nhập khẩu của Mỹ và sẽ buộc nước này tăng hơn gấp đôi sản lượng sản xuất của mình để bù đắp khoảng trống, một nhiệm vụ không khả thi trong thời gian tới, theo các nhà phân tích của ING.
Các nhà phân tích khác cho biết thuế quan có thể đẩy Canada và Mexico vào suy thoái và gây ra "lạm phát đình trệ" (tình trạng lạm phát tăng cao, tăng trưởng trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao) ở trong nước.