| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá ‘rệu rã’, ngư dân không dám vào hoạt động

Thứ Ba 28/03/2023 , 10:41 (GMT+7)

Là cảng cá được Bộ NN-PTNT công bố có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản, nhưng hiện nay Cảng cá Đề Gi đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ngư dân không dám đến cảng cá hoạt động

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, Cảng cá Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) được UBND tỉnh Bình Định công nhận là cảng cá loại II theo Quyết định số 4124/QĐ-UBND ngày 6/10/2020 và được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo Quyết định số 3997/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/10/2020.

Cảng cá Đề Gi được đầu tư xây dựng từ năm 2002 gồm 1 cầu cảng hình chữ T có chiều dài 50m, chiều dài cầu dẫn 40m. Năm 2012, cảng cá được nâng cấp, mở rộng với các hạng mục: Mở rộng cầu cảng, xây dựng tuyến kè bảo vệ; xây dựng mái che cầu cảng, mái che nhà phân loại hải sản; các hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện, hệ thống giao thông, chiếu sáng, tường rào, cổng ngõ, hệ thống xử lý nước thải… hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2014

2.300m2 mái che nhà phân loại, cầu dẫn, cầu cảng tại Cảng cá Đề Gi đã bị tốc mái, hư hỏng nặng. Ảnh: Đ.T.

2.300m2 mái che nhà phân loại, cầu dẫn, cầu cảng tại Cảng cá Đề Gi đã bị tốc mái, hư hỏng nặng. Ảnh: Đ.T.

.Tổng diện tích vùng nước cảng trên 10 ha, độ sâu luồng vào cảng 7m, bề rộng luồng vào cảng rộng 100m, diện tích đất cảng 2,5 ha, trang thiết bị chủ yếu phục vụ bốc dỡ hàng hóa được cơ giới hóa trên 70%, số lượt tàu cá về qua cảng trung bình 7.300 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 20.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 15.000 tấn/năm.

Cảng cá Đề Gi là nơi mua bán hải sản, tránh trú bão của hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương và các vùng lân cận. Trải qua thời gian dài hoạt động, hiện Cảng cá Đề Gi đã “rệu rã”, 1 số hạng mục của cảng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, đến nỗi ngư dân không dám vào hoạt động.

Nhiều phụ nữ làng chài ở đây hành nghề vá lưới thuê cho các tàu cá thường mượn không gian rộng rãi của khu nhà phân loại cá để bày lưới ra vá, nhưng các chị chỉ dám làm vào những ngày nắng, những ngày mưa không ai dám bước vào khu nhà đã lung lay như “chiếc răng sắp rụng”.

Những tấm tôm còn dính trên mái cũng đã bong, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Ảnh: Đ.T.

Những tấm tôm còn dính trên mái cũng đã bong, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Ảnh: Đ.T.

“Nhìn lên mái khu nhà trống hoác, tôn bay gần hết, những tấm còn dính lại cũng đang như “chiếc răng sắp rụng”, những hôm gió to có thể bong ra bay xuống bất cứ lúc nào, lo cho tính mạng nên những hôm trời mưa gió là chúng tôi nghỉ chứ không ai dám mạo hiểm. Chúng tôi mong cảng cá được sửa chữa để tàu cá đưa cá vào bán, xe vào cung ứng đá lạnh cho các tàu cá và vận chuyển cá đi tiêu thụ được an toàn”, bà Nguyễn Thị Kim Loan ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), người thường xuyên đến Cảng cá Đề Gi vá lưới thuê cho các tàu cá, chia sẻ.

Cần nâng cấp để đáp ứng khả năng tiếp nhận tàu cá

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy cầu cảng chữ T của Cảng cá Đề Gi, nơi tiếp nhận tàu thuyền đã hỏng 1 trụ cầu, 1 trụ cầu khác cũng đã bị cong vênh. Mặt dưới sàn cầu dẫn cũng đã bong tróc lớp bê tông, cốt thép mặt dưới sàn lộ ra ngoài chịu tác động của nước mặn nên bị đứt gãy, gỉ sét toàn bộ, không đảm bảo an toàn cho hoạt động của cảng cá. Những trụ bằng sắt bị mục hỏng chân, không còn khả năng chống đỡ. Mái tôn nhà phân loại hải sản, mái che cầu cảng bị gió cuốn bay và hư hỏng.

Theo cho biết của ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, qua thời gian vận hành, do chịu sự tác động trực tiếp của nước mặn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn bão số 9 xảy ra vào tháng 10/2020, bão số 10 xảy ra vào tháng 11/2020 và cơn bão số 9 xảy ra vào tháng 12/2021 nên Cảng cá Đề Gi bị hư hỏng về hạ tầng và kết cấu. Trong đó, đặc biệt là 2.300m2 mái che nhà phân loại, cầu dẫn, cầu cảng đã bị tốc mái, hư hỏng nặng.

Đáng quan ngại là Bình Định đang xây dựng Đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi, dự kiến số lượng tàu cá phải di dời là 2.000 chiếc. Tuy nhiên, số lượng tàu cá hiện có đã 3.145 chiếc, bao gồm tàu thuyền tại huyện Phù Mỹ là 1.066 chiếc, huyện Phù Cát 860 chiếc và thành phố Quy Nhơn 1.219 chiếc. Khi số tàu thuyền nói trên đều cập về Cảng cá Đề Gi để bán sản phẩm, neo đậu, mua sắm lương thực để đi chuyến biển mới, mà hạ tầng cảng cá rệu rã như thế này thì không biết hoạt động của tàu thuyền và ngư dân làm các dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ hoạt động như thế nào.

Mặt dưới sàn cầu dẫn cũng đã bong tróc lớp bê tông, cốt thép mặt dưới sàn lộ ra ngoài. Ảnh: Đ.T.

Mặt dưới sàn cầu dẫn cũng đã bong tróc lớp bê tông, cốt thép mặt dưới sàn lộ ra ngoài. Ảnh: Đ.T.

Để đáp ứng nhu cầu di dời tàu thuyền trước nay neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn ra Cảng cá Đề Gi, và để an toàn cho hoạt động của ngư dân và những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như đáp ứng yêu cầu cảng cá loại II, Sở NN-PTNT Bình Định đã có tờ trình UBND tỉnh Bình Định xin chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa Cảng cá Đề Gi với tổng số vốn khoảng 4,5 tỷ đồng.

“UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý bố trí vốn cho ngành chức năng sửa chữa, nâng cấp Cảng cá Đề Gi, chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai trong năm 2023 này để cảng cá sớm hoạt động đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Trong thời gian chờ sửa chữa, Sở NN-PTNT Bình Định yêu cầu Ban Quản lý Cảng cá Bình Định có biện pháp an toàn tại những vị trí hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo cho ngư dân đến đây hoạt động”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.  

      

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.