| Hotline: 0983.970.780

Cảng hàng không Điện Biên: Thần tốc bay xa

Thứ Hai 06/05/2024 , 08:52 (GMT+7)

Cảng hàng không Điện Biên được xem là mắt xích quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho cả vùng Tây Bắc.

Nghi thức phun vòi rồng chào đón chuyến bay thương mại đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương.

Nghi thức phun vòi rồng chào đón chuyến bay thương mại đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương.

Thần tốc

“Khoảng tháng 3/2021, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện 34 tháng. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, việc giải phóng mặt bằng được coi là 'thần tốc' khi kế hoạch 12 tháng mà chỉ thực hiện trong 8 tháng”, ông Trần Văn Hồng, Phó giám đốc cảng hàng không Điện Biên, nhớ lại.

Ông Hồng nói ngay cả hiện tại, ông vẫn thấy lâng lâng tự hào mỗi khi tới công sở. Ngày còn là học sinh cấp 1, ông Hồng đã được chứng kiến lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên.

Lúc đó sân bay còn rất đơn sơ, đường cất hạ cánh bằng ghi nhôm, xung quanh toàn lau lách, cỏ dại. Không có hàng rào an ninh, sân bay khi ấy ngăn trâu bò, ngăn người bằng mương nước. Hồi đó, nhà ga sân bay ở đối diện vị trí bây giờ, bên kia đường băng hiện tại. Người ta vẫn quen gọi khu vực đó là “đội 7 Thanh Trường”

Trước khi kỷ niệm 30 năm, nhà ga sân bay ở phía bên kia đường băng, gọi là đội 7 của Thanh Trường, tức đội lao động số 7 hợp tác xã Thanh Trường. “Lúc ấy mọi thứ đơn sơ lắm. Tôi vẫn nhớ thi thoảng mới được thấy máy bay. Lúc máy bay hạ cánh, lau lách xung quanh còn che khuất cả tầm nhìn”, ông Hồng nói.

Sau lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên, nhà ga được di chuyển đến vị trí hiện tại, gần mặt đường Nguyễn Hữu Thọ hơn. Tiếp đó, 20 năm trôi qua, ông Dũng từ học sinh đã trở thành cán bộ công tác tại sân bay. Ngần ấy thời gian, đường băng được kéo dài thêm 400m. Nếu tính toán một cách cơ học, mỗi năm, đường bay dài thêm 20m.

Con số khô khan, nhìn tưởng ít, nhưng thực ra rất nhiều. Không biết bao đội rà phá bom mìn, đoàn công tác của ngành hàng không đã vất vả đêm ngày tìm cách nâng cấp đường băng. 20 năm nữa lại qua đi. Ngày 2/12/2023 là cột mốc lịch sử với người Điện Biên và cả vùng Tây Bắc, sân bay duy nhất khu vực này có thể đón được máy bay cỡ lớn như A320, A321 với hàng trăm hành khách. Công suất sân bay được nâng lên nửa triệu hành khách mỗi năm. “Chúng tôi thực sự xúc động, đến bây giờ vẫn cứ thấy nao nao khi nhớ về ngày khánh thành.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Tổng Công ty rất quan tâm đến sân bay. Thủ tướng cũng lên thăm công trường, động viên tinh thần người lao động. Thủ tướng cũng cử hai Phó Thủ tướng, phối hợp cùng Bộ Giao thông, Cục Hàng không, và các đơn vị khác, cùng nhau ‘thần tốc’ nâng cấp sân bay”.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) cũng cử riêng một Phó Tổng giám đốc trực tiếp chỉ đạo công việc. Tỉnh ủy Điện Biên và UBND tỉnh, các sở, ngành, mỗi người một việc, cùng góp sức cho sân bay, kết nối Tây Bắc đến các vùng trong cả nước.

Đường cất hạ cánh xưa 1830m x 30m, bê tông xi măng, không có lề, không có hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh khu bay, không có đèn hiệu. Chỉ có thiết bị dẫn đường Vor/dimi và NDB, chỉ có thể phục vụ máy bay cánh quạt ATR. Người Điện Biên ngày ấy, chỉ có thể thấy máy bay ATR với tiếng cánh quạt gầm rú đặc trưng lên xuống TP. Điện Biên Phủ.

Người dân Điện Biên bây giờ tự hào với một trong những cảng hàng không hiện đại nhất Việt Nam. Trung tâm của nó là đường cất hạ cánh 2400m x 45m. Lề vật liệu mỗi bên 7,5m, dành cho việc lắp đèn tín hiệu. Có hệ thống đèn hiệu hàng không, biển báo. Trong đó đèn tiếp cận theo tiêu chuẩn CAT1, tiêu chuẩn hàng không quốc tế. Hàng rào an ninh khép kín gần 9.000m và đường công vụ tuần tra bám dọc theo. Hệ thống camera, đèn chiếu sáng riêng cho hàng rào an ninh. Hệ thống mương thoát nước đảm bảo xử lý được mưa lớn. Sân đỗ tàu bay hơn 24.500m2 với 4 vị trí đỗ, trong đó có 3 vị trí tương đương máy bay cỡ A321. Con số đó là gấp đôi thời trước.

 

Đường bay chéo

Nhiều người dân Điện Biên ngày nay, đều biết về "đường bay chéo". Giải thích cụ thể điều này, ông Hồng nói đó là bước đột phá của hàng không Điện Biên. “Ngày xưa hướng cất hạ cánh 16 34, nghĩa là theo hướng 160 độ , một đầu 340 độ so với hướng bắc từ. Đó là ngày mà thực dân Pháp làm sân bay Mường Thanh. Tuy nhiên, hướng đó khi tiếp cận hạ cánh thì với tàu bay lớn bị hạn chế bởi núi ở đầu 340 độ”, ông Hồng nói.

Với sự quyết tâm của Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khi ấy, ông Nguyễn Văn Thắng, cùng sự vào cuộc Cục Hàng không Việt Nam, đường băng được mở chéo theo hướng 17 35. Theo cách này, hướng vào hạ cánh cho máy bay rộng hơn. Tàu bay đi lọt giữa hai dãy núi cao khu vực phía Nam sân bay.

Việc xoay trục đã giải quyết được phương thức bay, tiếp cận tàu bay cỡ A320, A321, đường băng nhờ thế kéo dài từ 1.800m lên 2.400m. Mở rộng đường cất hạ cánh cũng là  quyết định. Sân bay Điện Biên bây giờ đã đón được các máy bay chở xấp xỉ 200 hành khách, nghĩa là không kém tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh”, ông Hồng cho biết.

Đội ngũ nhân viên mặt đất, trong khi chờ sân bay nâng cấp, được cử đi "thử lửa" tại các cảng hàng không khác như Nội Bài, Cát Bi, Đồng Hới. Nói thêm về kỹ thuật, ông Hồng cho biết thuật ngữ chuyên ngành gọi là đường PBN (dẫn đường bằng vệ tinh), nôm na là gần như máy bay sẽ đáp thẳng xuống sân bay Điện Biên, thay vì phải vòng theo đường số 8 như xưa. Thời trước, máy bay phải vòng qua tháp không lưu 2 lần, trước khi hạ cánh.

Trước năm 2021, chỉ có máy bay ATR từ Hà Nội lên. Nay hành khách từ Sài Gòn cũng có thể bay thẳng tới Điện Biên, điều mà với người dân Tây Bắc, vốn chưa bao giờ nghĩ tới. Ông Hồng kể lại, chuyến bay đầu tiên là chuyến kỹ thuật ngày 1/12/2023. Một ngày sau, Cảng hàng không Điện Biên tiếp nhận chuyến bay thương mại, mang ý nghĩa lịch sử.

“Khi mà chiếc A321 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines lần đầu hạ cánh xuống sân bay, toàn bộ cảng vụ cảm thấy vỡ òa. Lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt thấy một chiếc máy bay khổng lồ đáp xuống”, ông Hồng nói.

Ông Trần Văn Hồng, Phó giám đốc cảng hàng không Điện Biên (bìa phải) trao đổi với các nhân viên mặt đất của Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: Văn Việt.

Ông Trần Văn Hồng, Phó giám đốc cảng hàng không Điện Biên (bìa phải) trao đổi với các nhân viên mặt đất của Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: Văn Việt.

Lần ngược thời gian, năm 2021, giữa lúc đại dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, những người đứng đầu tỉnh Điện Biên đã đưa ra quyết định tưởng chừng như bất khả thi. Đó là quyết tâm thực hiện Dự án mở rộng Sân bay Điện Biên vốn nhiều năm vẫn nằm trên giấy. Cơ hội "cất cánh" cho vùng đất khó Điện Biên đã mở ra.

Thời đó, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - ông Nguyễn Văn Thắng, nay là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cùng Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên là Lê Thành Đô, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ ưu tiên bổ sung danh mục dự án cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Điện Biên với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng từ ngân sách.

Phương án này sau đó gặp khó vì thiếu vốn. Điện Biên đã chủ động đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án theo hình thức kết hợp giữa hai nguồn vốn. Ngân sách địa phương sẽ được sử dụng để giải phóng mặt bằng, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống nhà ga.

Cũng chính ông Thắng là một trong các hành khách của chuyến bay thương mại cỡ lớn đầu tiên hạ cánh xuống Điện Biên ngày 2/12/2023. Chuyến bay thương mại đầu tiên đã được chào đón bằng nghi thức phun vòi rồng, đánh dấu hoạt động khai thác trở lại đường bay Hà Nội - Điện Biên sau hơn 6 tháng tạm thời đóng cửa để mở rộng sân bay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là một trong các hành khách của chuyến bay thương mại cỡ lớn đầu tiên hạ cánh xuống Điện Biên ngày 2/12/2023. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là một trong các hành khách của chuyến bay thương mại cỡ lớn đầu tiên hạ cánh xuống Điện Biên ngày 2/12/2023. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải.

Lịch sử

Ngày 25/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông hết sức xúc động khi có mặt tại thành phố Điện Biện Phủ, địa danh lịch sử với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", cùng tổ chức lễ khánh thành các dự án giao thông quan trọng với các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long. Việc khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông này với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng là một dấu mốc lịch sử.

Dự án chính thức khởi công ngày 22/1/2022, là một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án có quy mô khu bay gồm đường cất hạ cánh; đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác gồm: cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Việc đưa các dòng máy bay cỡ lớn vào khai thác đã rút ngắn được thời gian di chuyển của hành khách so với trước đây, như đường bay Hà Nội - Điện Biên chỉ mất khoảng 35 phút; hay đường bay kết nối TP.HCM chỉ còn hơn 2 giờ bay thẳng.

Trong 6 tỉnh Tây Bắc, Điện Biên cũng là nơi duy nhất có cảng hàng không và được đưa vào khai thác thương mại. Tỉnh Điện Biên kỳ vọng sân bay không chỉ giúp tỉnh, mà còn giúp các địa phương lân cận như Lai Châu, Sơn La phát triển du lịch. "Lượng khách đi và đến Điện Biên hiện nay tương đối đồng đều, trung bình khoảng 450 hành khách/ngày", ông Trần Văn Hồng, cho biết.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên Phủ (sân bay Mường Thanh) là sân bay dã chiến do quân đội Pháp xây dựng tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của quân đội Pháp và cũng là sân bay trung tâm tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Quân đội Việt Nam đã tiếp quản sân bay Mường Thanh và 4 năm sau đó (1958) dịch vụ vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở và do quân đội đảm nhiệm. Sân bay Mường Thanh nằm ở vị trí trung tâm của lòng chảo Mường Thanh, cách các ngọn núi cao từ 10-12km.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.