| Hotline: 0983.970.780

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Thứ Năm 02/05/2024 , 15:11 (GMT+7)

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ những ngày đầu thành lập. Ảnh: TTXVN.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ những ngày đầu thành lập. Ảnh: TTXVN.

Vườn rau xanh với nhà màng, hệ thống tưới phun sương trải dài xa mãi từ đỉnh đồi xuống tận gần đường lớn. 2 năm trước, nơi này gần như bị bỏ hoang với vài cây thông còi cọc, đất đai trơ trụi.

Người và chó ở cùng nhau

“Hồi mới bắt tay vào tạo mặt bằng, tạo thửa đất, đào ao, chỗ này gần như không một bóng cây. Có cái lều trại dã chiến cho anh em công nhân và cán bộ huyện, xã ở cùng. Ngày nắng thì bụi đóng lớp lớp trên mặt người, ngày mưa thì nhớp nháp bùn lầy. Chó của công nhân nuôi chạy lăng xăng, vấy cả bùn lên quần áo người. Nhưng mệt quá, nhiều khi ngủ thiếp đi, cũng không nghĩ tới bẩn sạch gì nữa”, ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, kể về chuyện cách đây mới một năm.

Đó là những ngày đầu xây dựng nền móng cho Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, nằm ven tỉnh lộ. Cho tới nay, đây là mô hình quy mô lớn đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn huyện ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả sạch với diện tích trên 30ha.

Ở một góc khác tại khu "vườn treo", công nhân Thùng Văn Tiến, người dân tộc Thái trắng, đang chăm chú kiểm tra hệ thống phun sương, đường ống dẫn nước, bể chứa. Ông Tiến bảo, mới đầu năm ngoái thôi, chỗ này còn là mảnh đất gần như bỏ hoang, lơ thơ vài cây thông từ cái thuở dự án nào đó xa lắc. Ông Tiến không nhớ nữa, ông chỉ đang thấy vui, thấy yên tâm với mức lương 8 triệu đồng/tháng, được bao ăn ở.

Thành lập từ ngày 23/6/2013, Nậm Pồ là huyện biên giới nghèo nhất của tỉnh Điện Biên và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Toàn huyện có 8 dân tộc, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc ít người, tỉ lệ hộ nghèo ở mức trên 70%. Nậm Pồ còn có đường biên giới quốc gia dài 127,483km.

Khó ai có thể chăm sóc hợp tác xã kỹ hơn công nhân, bởi nó gắn với thu nhập của chính họ. Cả nhà ông Tiến gồm vợ, con gái, con rể, đều đang làm cho Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn. Mỗi tháng, gia đình thu về 32 triệu. Tiền ăn, tiền ở, điện nước, đồ dùng sinh hoạt, được hợp tác xã "bao cấp" hết. Niềm vui của gia đình ông Tiến, cũng là niềm vui chung hiển hiện rõ trên khuôn mặt chừng 40 công nhân tại đây.

Công nhân đã qua tuổi 50, người xã Chà Nưa, cách đó chừng 10km, kể rằng ông đã gắn bó với khu vườn từ những ngày đầu. Sáng nắng rát mặt. Tối lạnh buốt người. Cái khắc nghiệt của thời tiết Si Pa Phìn không thể làm chùn bước công nhân.

Gần một năm đi vào hoạt động, chưa thể nói là dài với một đơn vị sản xuất nông sản. Song chẳng phải ngẫu nhiên, mà người dân Si Pa Phìn tự hào nói đó là "kỳ tích". Những quả đồi trơ trọi, khô cằn, gần như bị bỏ hoang, nay là khu vườn công nghệ cao. Si Pa Phìn bây giờ là "biểu tượng" nông nghiệp ở Điện Biên, minh chứng rõ nét cho việc ý chí, bàn tay con người thắng được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Gần như không ai tưởng tượng được, chỉ sau chưa đầy một năm, hàng chục ha đất đồi bỏ hoang ở Nậm Pồ trở thành vườn rau xanh ngát. Ảnh: Bá Thắng.

Gần như không ai tưởng tượng được, chỉ sau chưa đầy một năm, hàng chục ha đất đồi bỏ hoang ở Nậm Pồ trở thành vườn rau xanh ngát. Ảnh: Bá Thắng.

Thời mới xây dựng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ bảo rằng ông "vừa làm, vừa lo", bởi chưa từng có tiền lệ như thế tại Điện Biên. “Hồi đó, Bí thư Huyện ủy gọi tôi lên bàn việc. Bí thư hỏi tôi có làm được không, tôi nói làm được, nhưng cần sự ủng hộ về chủ trương của huyện”. Sau cuộc nói chuyện đó, Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ về phát triển vùng nguyên liệu, phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn trên địa bàn huyện Nậm Pồ, giai đoạn 2023 - 2025, ra đời.

Đều đặn ngày ít nhất 2 lần, ông Chiến đi đi về về giữa trụ sở cơ quan và hợp tác xã, cách nhau chừng 30km. Quãng đường tưởng như rất bình thường ở đồng bằng, nhưng ở Điện Biên nói chung và Nậm Pồ nói riêng, phải tính bằng hàng giờ di chuyển.

Ông Chiến bảo sự vất vả đi lại, không "khổ" bằng việc vợ ông đôi lúc cằn nhằn, xen nhiều xót xa: “Có làm nổi không mà ông cứ đi suốt ngày thế?”. Ông Chiến đáp làm được. Vẫn quyết tâm. Dù không phải được đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp, mà là sư phạm, song vị Trưởng phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ vẫn tin, vẫn cắn răng "đội nắng, thắng mưa".

Một phần lớn trong quyết tâm ấy, đến từ sự chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, ông Lê Khánh Hòa: “Tại sao học sinh ở Nậm Pồ cứ phải ăn rau từ Sơn La chuyển lên. Mất cả nửa ngày trời, làm sao tươi ngon bằng rau củ tại chỗ. Tại sao đất đai chúng ta nhiều, mà lại bỏ hoang”.

Có người bàn lùi, song ông Chiến thì không. Hợp tác xã giờ đây đã có đường bê tông lên tận đỉnh đồi, thuận tiện cho xe tải cỡ 3,5 tấn lên thu hoạch.

Chiếc bán tải mà nhà ông Chiến dành dụm mãi mới có được, gần như chỉ để phục vụ hợp tác xã. “Đường sá hơn xưa nhiều lắm. Trước toàn là đất sỏi”, ông Chiến vừa vần vô lăng, vừa kể. Chiếc xe hai cầu lắm lúc "vặn sườn" hành khách chao đảo. Đường sá ở Điện Biên, nhiều nơi như vậy. Vị trưởng phòng giáo dục, cười nói: “Xe muốn bền hay không, lên Điện Biên thì biết ngay”.

Thế mới thấy, lời kể của những công nhân hợp tác xã là không ngoa. Như năm ngoái, chỉ có máy ủi bánh xích mới chinh phục được những ngọn đồi này. Cũng rất khó cho người lạ hiểu được sự vất vả của ông Chiến cùng các cộng sự. Hỏi mãi, ông chỉ cười: “Khó, nhưng phải làm chứ. Bí thư huyện quán triệt rồi, cán bộ không làm gương, không thành công, thì sao nói với nông dân được”.

"Nắng cháy da", ông Chiến kể. Còn Bí thư Lê Khánh Hòa, nói với giọng xót xa: “Mới có một tuần, mà khi lên xem anh em lật đá, vá đồi, tôi không nhận ra nổi cán bộ của mình. Ai nấy đen nhẻm một màu”.

Người đứng đầu Huyện ủy Nậm Pồ, nói khi ấy ông phải “kiềm chế mọi cảm xúc”, để mọi người yên tâm làm việc. Đến khi hợp tác xã mua nhầm phân bón giả, ông Hòa cũng chỉ nhẹ nhàng: “Sai thì sửa, thế mới biết nông dân khổ thế nào. Mình biết rồi thì tìm cách làm tốt, đi đầu, để còn giúp lại nông dân trong huyện. Bí thư cũng nhận khuyết điểm. Không thực sự bắt tay vào làm, tôi không nghĩ làm nông khó đến thế”.

Người dân xã Si Pa Phìn tự hào về 'Vườn treo', kỳ tích nông nghiệp của cả tỉnh Điện Biên. Ngay tại TP. Điện Biên Phủ, rất nhiều người cũng biết về mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Si Pa Phìn. Ảnh: Bá Thắng.

Người dân xã Si Pa Phìn tự hào về "Vườn treo", kỳ tích nông nghiệp của cả tỉnh Điện Biên. Ngay tại TP. Điện Biên Phủ, rất nhiều người cũng biết về mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Si Pa Phìn. Ảnh: Bá Thắng.

Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Ngày 8/8/2023, Đảng ủy huyện Nậm Pồ ra nghị quyết: phát triển vùng nguyên liệu triển khai mô hình trồng cây chanh leo, cây quế; phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn trên địa bàn huyện Nậm Pồ, giai đoạn 2023 - 2025.

Trong đó, huyện xác định xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn dựa trên việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến sản xuất hàng hóa, từng bước hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Hơn 16.000 học sinh các trường học ở Nậm Pồ giờ đây được ăn rau củ sạch, trồng ngay trên mảnh đất quê hương, thay vì phải vận chuyển từ Sơn La lên như trước kia. Ảnh: Bá Thắng.

Hơn 16.000 học sinh các trường học ở Nậm Pồ giờ đây được ăn rau củ sạch, trồng ngay trên mảnh đất quê hương, thay vì phải vận chuyển từ Sơn La lên như trước kia. Ảnh: Bá Thắng.

Chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả và đất nông nghiệp chưa sử dụng có điều kiện phù hợp với cây chanh leo, cây quế, sản xuất rau, củ, quả an toàn. Khuyến khích các thành phần kinh tế (cá nhân, tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp…) tham gia đầu tư phát triển cây chanh leo, cây quế, vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn trên địa bàn huyện.

Các đơn vị cung ứng rau xanh cho trường học tại Nậm Pồ, được động viên cùng tham gia hợp tác xã. Đó là nguồn vốn lớn cho kỳ tích hồi sinh vùng đất bị bỏ hoang lâu năm.

"Đưa ngành nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện", Bí thư Lê Khánh Hòa nói ngắn gọn.

Trong lúc chanh leo, quế, đang dần hình thành, thì thành công thấy ngay được, là học sinh toàn huyện Nậm Pồ giờ đây được ăn rau sạch, an toàn, trồng ngay trên mảnh đất quê hương.

Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao mô hình trồng rau mà hợp tác xã đang triển khai.

"Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy địa phương nào có hợp tác xã trồng rau lại có quy mô, diện tích cũng như việc đầu tư bài bản như tại huyện Nậm Pồ. Tại các địa phương có điều kiện thuận lợi về mặt bằng thì không nói, nhưng ở đây các bạn phải san đồi, chở đất màu từ nơi khác đến, hút nước từ dưới suối sâu lên để trồng rau thì thật đáng khâm phục".

Trung bình một ngày, hợp tác xã thu hoạch và đưa từ 1,5-2 tấn rau, củ quả sạch cung ứng cho 42 trường học trên địa bàn huyện với hơn 16.000 học sinh.

“Khi những sản phẩm đầu tiên vào bếp ăn nhà trường, tất cả học sinh, giáo viên đều rất phấn khởi”, ông Chiến kể.

Ba chữ "công nghệ cao" không phải nói suông, không phải chỉ để trưng ra cho đẹp. Điều đó hiện hữu một cách cụ thể trên từng mét vuông đất hợp tác xã.

Ông Chiến nói ngày ấy ông cùng nhiều cán bộ huyện đi khảo sát mấy nơi, sau cùng "chốt" Si Pa Phìn bởi ngọn đồi bị bỏ hoang này nằm gần suối. Cứ cách vài chục mét, lại có một bể chứa nước bơm từ suối lên. Cách bơm bậc thang, sắp xếp nước tưới như thế, là một trong những điều kiện tiên quyết để rau củ trong các nhà màng không bị khô hạn. Nếu không, chỉ có cỏ gianh, là thực vật duy nhất chống chịu được cảnh ngày nóng rát mặt, đêm lạnh run người ở Si Pa Phìn.

Tổng kinh phí 4 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng, còn lại là tự sức của người dân và cán bộ huyện Nậm Pồ. Thành công ấy của Si Pa Phìn, đáng để tự hào.

Theo UBND huyện Nậm Pồ, trên sự thành công của hợp tác xã, địa phương này dự kiến thực hiện mô hình phát triển trồng cây quế với tổng kinh phí cho cả giai đoạn là 150 tỷ đồng (30,0 triệu đồng/ha x 5.000ha). Trong đó: Nhà nước hỗ trợ 120.000 triệu đồng; Nhân dân đóng góp và xã hội hóa 30.000 triệu đồng.

Dự kiến thực hiện mô hình phát triển trồng cây chanh leo với tổng kinh phí cho cả giai đoạn là 20 tỷ đồng (100 triệu đồng/ha x 200ha). Trong đó: Nhà nước hỗ trợ 1,8 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp và xã hội hóa 2 tỷ đồng.

Dự kiến thực hiện mô hình phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn với tổng kinh phí cho cả giai đoạn là 4 tỷ đồng (200 triệu đồng/ha x 20ha). Trong đó: Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp và xã hội hóa 3 tỷ đồng.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.