| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo lạm dụng thuốc BVTV: Phun cả thuốc cấm cực độc!

Thứ Ba 13/08/2019 , 10:15 (GMT+7)

Một điều tra mới nhất (năm 2019) của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam mà PV NNVN có được, cho thấy một bức tranh đáng sợ về tình trạng lạm dụng thuốc BVTV phun xịt trên trái cây, trong đó có rất nhiều loại thuốc cấm và cực độc.

Kết quả khó tin

Theo Viện CĂQ miền Nam (Sofri), tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, hóa chất, phân bón của nông dân có thể do công tác chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực này ở các địa phương còn yếu và thiếu. Ngoài ra, một số nơi việc khuyến cáo sử dụng phân, thuốc hầu như đang khoán trắng cho DN, trong khi các DN thì đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.

Bảng điều tra của Sofri về việc nông dân sử dụng thuốc BVTV trên vườn cây.

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học của Viện Sofri vừa tiến hành điều tra thực tế việc sử dụng phân, thuốc BVTV của nhà vườn ở một số tỉnh thành phía Nam để “chẩn bệnh” cho vườn cây ăn trái.

Trao đổi với NNVN, TS Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó bộ môn BVTV (Viện Sofri) cho biết: “Qua điều tra thực tế tại các vùng trồng thanh long, bưởi, xoài tại một số tỉnh ĐBSCL về các biện pháp quản lý, sử dụng những loại phân, thuốc, số lần phun thuốc, hay cách tỉa cành tạo tán… cho thấy chỉ có những diện tích cây ăn quả nằm trong chương trình dự án IPM hay GAP thì nông dân áp dụng đúng kỹ thuật. Còn lại những diện tích cây ăn quả nằm ngoài vùng quản lý thì thấy tình trạng nhà vườn đang lạm dụng phân, thuốc khá phổ biến”.

Theo TS Hạnh, ngoài phương pháp điều tra ghi nhận thông tin do nhà vườn cung cấp (khai báo) thì các điều tra viên còn tự điều tra ngoài đồng để có được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, việc điều tra thống kê ở đây vẫn chỉ là cơ bản, còn thực tế nông dân có thể còn sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV nhiều hơn mà không tự nguyện khai báo.

16-03-49_nh_3
Điểm thu gom tập trung vỏ bao bì phân, thuốc sau khi sử dụng.

Cụ thể, trên cây xoài tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy, trên cùng một đơn vị diện tích, nông dân đã phun cao nhất 13 lần/năm và sử dụng tới 16 loại thuốc BVTV phun cho vườn cây để trị bọ trĩ, sâu đục trái, ruồi đục trái, rầy bông xoài; bệnh như thán thư, đốm đen xì mủ.

Kết quả điều tra trên cây bưởi trước đó tại tỉnh Tiền Giang cũng tương tự, số lần nông dân phun 15 lần/vụ (năm), với 21 loại thuốc BVTV; trong đó có 7 loại thuốc và hoạt chất nằm ngoài danh mục thuốc cho phép (trên cây ăn trái), như hoạt chất: Methidathion, Cypermenthrin, Fipronil, Alpha - cypermethrin, Fipronil + Trichlorfon, Cypermethrin + Quinalphos; thuốc Supracide.

Đặc biệt, kết quả điều tra trên cây thanh long tại 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Thuận cho thấy, do bệnh đốm trắng, đốm nâu, thán thư, gỉ sắt phát sinh nhiều, nông dân đã sử dụng tới 45 loại thuốc trừ bệnh và 21 loại thuốc trừ sâu để phun; trong đó có những hoạt chất nằm ngoài danh mục như Carbendazim, Fipronil, Cypermethrin.
 

Ý thức thay đổi rất chậm

Nhìn vào thống kê số lượng phun xịt và danh mục các hoạt chất phun lên trái cây, quả thực gây kinh hãi cho bất cứ ai hiểu được tác hại ghê gớm của nó với môi trường và sức khỏe con người.

16-03-49_nh_7
Những vườn cam sành dân trồng tự phát ở tỉnh Đồng Nai.

Đơn cử như hoạt chất cấm Carbendazim, theo nghiên cứu tại Mỹ, Carbendazim được xếp vào nhóm C, là các hoạt chất có khả năng gây ung thư. Còn tại châu Âu, Carbendazim nằm trong danh sách hóa chất có ảnh hưởng đến chức năng nội tiết, có thể phá vỡ sự phát triển của tinh trùng và làm tổn thương tinh hoàn dẫn đến gây vô sinh. Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất Carbendazim ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Vậy nhưng, việc nông dân vẫn có hàng để mua và vô tư phun xịt, bất chấp sức khỏe và môi trường cần phải được kiểm tra, chấn chỉnh ngay.

Theo ông John Campbell, chuyên gia nông nghiệp New Zealand (đang hợp tác với Sofri về các dự án trồng cây ăn trái theo quy trình an toàn): Sau hơn chục năm tôi đến Việt Nam để hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cây ăn trái, chủ yếu là trái thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tôi thấy ý thức của nông dân thay đổi rất hạn chế trong việc sử dụng thuốc BVTV.

Mặc dù họ vẫn hiểu việc lạm dụng thuốc BVTV là không tốt cho chính bản thân, gia đình mình và người tiêu dùng nhưng vẫn cứ phun. Thậm chí, có người còn pha nhiều loại thuốc cùng nhóm hoạt chất với nhau để phun, vô tình làm gia tăng nồng độ chất độc ở môi trường và tồn dư trong rau quả. Bên cạnh đó, nông dân có thói quen phun thuốc không có đồ bảo hộ lao động nên chính họ hít phải thuốc độc mà mình phun trên ruộng vườn. Đã có không ít người chết do ngộ độc thuốc trừ sâu.

16-03-49_nh_1
Nông dân có thói quen bón rất nhiều phân, thuốc trên vườn cây.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Sofri cho biết, hiện nay ở nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp đã đi vào thâm canh. Tuy nhiên, nhận thức của nông dân vẫn còn rất hạn chế và tay nghề khác nhau khiến mầm bệnh gây hại trên cây trồng có điều kiện phát triển mạnh. Từ đó, dẫn đến tình trạng nông dân lạm dụng phân bón, thuốc BVTV. Sau một thời gian dài sử dụng phân thuốc, cây trồng sẽ bị suy yếu, đất thoái hóa, không còn màu mỡ.

“Qua nhiều đợt khảo sát thực tế trong chương trình IPM và GAP, chúng tôi thấy nhà vườn phun rất nhiều thuốc BVTV, tới 25 - 27 lần/vụ. Do vậy, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn và tư vấn cho bà con bón phân, phun thuốc đúng cách và hợp lý; đồng thời tăng cường hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu ra các giải pháp giúp người dân giảm lượng thuốc BVTV trên cây trồng”, ông Hòa nói.

Làm sao để thay đổi

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Phải tổ chức lại vùng sản xuất cũng như quản lý vùng trồng!

Trong việc canh tác cây ăn trái, do áp lực tiêu thụ trên thị trường, muốn đạt năng suất cao và bán được nhiều trái, nông dân đã lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc BVTV. Cần phải tổ chức lại vùng sản xuất cũng như quản lý vùng trồng. Khuyến khích nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhằm giúp các cơ quan chuyên môn theo dõi về quá trình canh tác và kịp thời điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong sản xuất.

Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện lúa ĐBSCL, Viện KHNN miền Nam là những cơ quan khoa học cần phải nghiên cứu các quy trình nhằm hạn chế việc sử dụng các hoạt chất hóa học trong canh tác cây trồng ở khu vực Nam bộ. Từ đó phổ biến rộng rãi và các địa phương chủ động hơn nữa với các vùng trồng của mình, tự điều chỉnh những yếu tố nào không kiểm soát được dẫn đến dư lượng thuốc BVTV.

Đồng thời, dựa trên quy trình canh tác hợp lý, có thể thay đổi phương thức canh tác cho phù hợp với địa phương nhằm cho ra sản phẩm đạt VSATTP theo các tiêu chuẩn của VietGAP và đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu.
 

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Sofri: Ứng dụng phân, thuốc sinh học

Tôi thấy hiện nay nhà vườn có xu hướng trồng cây ăn trái với mật độ rất dày cho nên họ càng phải phun xịt rất nhiều thuốc BVTV. Nông dân không nên ham đẩy cao năng suất cây trồng và phải trồng thưa và áp dụng theo tiêu chuẩn GAP sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV, nhất là những loại thuốc ngoài danh mục.

Tuy nhiên, để kiểm soát việc lạm dụng thuốc BVTV, cần phải có sự vào cuộc cùng lúc của các cơ quan chức năng. Cục BVTV cần kiểm tra, thanh tra thường xuyên các cơ sở bán thuốc tại từng địa phương.

Ngoài ra, cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp tập huấn và tư vấn cho nông dân hiểu về từng loại thuốc BVTV.

Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng các loại phân, thuốc sinh học có nguồn gốc tự nhiên; sử dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu cao với những điều kiện bất lợi.
 

Ông John Campbell, chuyên gia nông nghiệp New Zealand: Phải kiên quyết phạt nặng!

Theo tôi, để hạn chế sử dụng thuốc BVTV tràn lan phải bắt đầu từ ý thức của nông dân mới là quan trọng nhất. Vì thế, chính quyền nên bắt buộc tất cả những hộ sản xuất nông sản phải theo các tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP. Nếu kiểm tra phát hiện nông sản của hộ nào có dư lượng thuốc BVTV thì phạt nặng, đem tiêu hủy hết lô hàng đó và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng biết để tẩy chay. Làm quyết liệt như vậy mới chấm dứt được tình trạng sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ, từ đó nâng cao vị thế, uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Xem thêm
Phân bón Đầu Trâu cải thiện chất lượng đất trồng cà phê vùng Tây Nguyên

Phân bón Bình Điền xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh cho từng tỉnh vùng Tây Nguyên để sản xuất cà phê bền vững, giảm giá thành, tăng thu nhập nhà nông.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?