Lao động vi phạm bị thu hồi tiền trợ cấp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận.
Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thông báo khi có việc làm mới
Ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đóng vai trò trụ cột đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên bên cạnh quyền lợi của người lao động được hưởng, không ít trường hợp người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định. Đó là những trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới nhưng không thông báo kịp thời với Trung tâm Dịch vụ việc làm theo quy định. Điển hình như trường hợp chị P.T.R.V. trú ở TP Nha Trang đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng có việc làm mới mà không thông báo kịp thời theo quy định của pháp luật.
Cụ thể như sau: Ngày 14/6/2022, chị V. chấm dứt hoạt đồng lao động tại một công ty nằm ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Sau đó, chị V. đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngày 8/7/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đã ban hành quyết định cho chị V. hưởng trợ cấp thất nghiệp thời gian 6 tháng.
Ngày 26/10/2022, chị V. đã có việc làm tại một công ty khác ở xã Cam Hải Đông. Tuy nhiên mãi đến ngày 13/12/2022, chị V. mới thông báo đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là có việc làm.
Do đó, ngày 28/12/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa ra quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với chị V.
Được biết, thời điểm đó chị V. đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng, tức vượt một tháng sai quy định. Chị V bị thu hồi 13.620.000 đồng. Bên cạnh đó, do chị V. không thực hiện theo quy định “phải thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày có việc làm” nên chi V không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận là 24 tháng.
Một trường hợp khác cũng hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định đó là bà T.T.T.T. ở xã Diên An (Diên Khánh). Theo đó, cũng như chị V. sau khi hồ sơ đủ điều kiện, ngày 14/12/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đã ban hành quyết định cho bà T. hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà T. là 12 tháng, tức từ ngày nhận quyết định đến ngày 13/12/2022.
Tuy nhiên ngày 6/10/2022, bà T. nhận quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, kể từ ngày 1/10/2022, nhưng đến ngày 1/12/2022 mới thông báo đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Căn cứ thông báo này, ngày 19/12/2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ra quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời thu hồi 1 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định đối với bà T.
Sẽ thiệt thòi nếu không thông báo kịp thời theo quy định
Ông Đặng Quang Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho biết trước đây, Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp chưa chặt chẽ. Vì vậy người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo đã có việc làm không đúng quy định về thời gian. Mặt khác người lao động nếu lỡ nhận tiền thì chỉ bị thu hồi số tiền đã nhận sai quy định, còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận sẽ được bảo lưu.
Tuy nhiên khi Nghi định 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP đã siết lại rất chặt.
Theo đó, người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà phát sinh có việc làm thì phải thông báo ngay cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày có việc làm mà người lao động không đến Trung tâm (tức đến trễ) để làm thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Cụ thể, ngoài bị thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp đã nhận sai quy định, người lao động sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận như trường hợp chị V..
Theo ông Đặng Quang Giang, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có từ 10.000 - 12.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tăng đột biến lên đến 25.000 người. Đối với người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định tính từ năm 2010 đến ngày 10/2/2023 toàn tỉnh có 1.236 người, với tổng số tiền thu hồi hơn 6,062 tỷ.
Đa số những trường hợp này là do có việc làm nhưng không thông báo kịp thời theo quy định. Bên cạnh đó, người lao động có việc làm trước nhưng vẫn nộp hồ sơ và người lao động đang hưởng trở cấp thất nghiệp được hưởng chế độ hưu trí nhưng không thông báo kịp thời…
Theo ông Đặng Quang Giang, theo quy định của pháp luật những trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trong các trường hợp sau: Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hàng tháng; sau 02 lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng; trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hàng tháng về tìm kiếm việc làm với Trung tâm Dịch vụ việc làm theo quy định; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; chết; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.