| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng 100 triệu đầu tiên của Tây Nguyên

Thứ Tư 21/01/2009 , 13:30 (GMT+7)

Nhờ trồng thuốc lá, thôn Kơ Nia đã thực sự đổi đời. Có đến trên 90% hộ dân trong thôn Kơ Nia trồng thuốc lá...

Trồng thuốc lá cho thu nhập cao gấp 5-6 lần trồng lúa nước. Tuy nhiên, quy trình trồng thuốc lá đòi hỏi rất cao về yêu cầu kỹ thuật. Thôn trưởng Bế Xuân Thủy nói: cứ 3-5 ngày phải tưới nước 1 lần; suốt ngày phải lăn ra ngoài đồng để canh sâu, phun rệp. Khó nhất là kỹ thuật sấy, trong đó khâu sấy khô vàng là quan trọng nhất, vì nếu sấy quá lửa, không đổi được nước thì thuốc lá bị sậm đen, không bán được...

Có một bản người Tày, Nùng từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đi kinh tế mới vào tạo lập nên thôn Kơ Nia trù phú với những cánh đồng thuốc lá bạt ngàn có giá trị 100 triệu đồng/ha ở xã Ia Trốk, huyện Ia Pa (Gia Lai). 

Thôn Kơ Nia, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa (Gia Lai) có 162 hộ, 840 người dân tộc Tày, Nùng sinh sống dọc theo tỉnh lộ 662. Đây là những hộ dân có gốc gác từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đi kinh tế mới vào trong các năm 1984, 1992. Những ngày tháng Chạp này, về thôn Kơ Nia, đi khắp làng thấy vắng tanh, nhà nào cũng đóng cửa. Thôn trưởng Bế Xuân Thủy chỉ tay ra cánh đồng phía trước mặt nói: “Vào làng buổi tối mới có người ở nhà, còn ban ngày người dân tập trung ra ruộng hết. Đây là thời điểm chính vụ cấy thuốc lá mà”. 

Ông giơ tay khoát rộng về phía cánh đồng đông nghịt người đang lom khom làm đất, hồ hởi khoe: “Cánh đồng rộng 70 ha này của người Jrai buôn Hoăi đã được người Tày, Nùng thôn Kơ Nia thuê để trồng thuốc lá. Giá thuê đất 7 triệu đồng/ha, trồng thuốc lá trong 2 tháng mùa khô khi đất còn bỏ hoang cho thu 100 triệu đồng, sau đó thì trả lại cho người Jrai trồng lúa nước vụ đông xuân trà muộn.”

Chuyện dân kinh tế mới thôn Kơ Nia đổi đời nhờ trồng thuốc lá bắt đầu cách đây vài năm, khi Công ty TNHH Kim Ngọc ở huyện Krông Pa (Gia Lai) và các công ty thuốc lá ở các tỉnh: Khánh Hòa, Bến Tre và TP. Đà Nẵng lên vận động người dân trồng thuốc lá. Họ tổ chức tập huấn kỹ thuật và đầu tư cho người dân về hạt giống, phân bón, công chăm sóc, xây lò sấy thuốc... và ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Vụ đông xuân 2007-2008, cánh đồng trên 40 ha đất rau màu của thôn Kơ Nia đã chuyển đổi thành cánh đồng thuốc lá xanh mướt. Quy trình trồng, thu hoạch, sấy vàng... mất khoảng 2 tháng. Năng suất thuốc lá đạt từ 2,5 đến 3,2 tấn khô/ha cho giá trị 100 triệu đồng/ha; sau khi trừ chi phí các hộ dân còn lời 60 triệu đồng/ha. Đây là những "cánh đồng 100 triệu" đầu tiên ở 5 tỉnh Tây Nguyên.

Nhờ trồng thuốc lá, thôn Kơ Nia đã thực sự đổi đời. Thôn trưởng Bế Xuân Thủy phấn khởi cho biết: Vụ đông xuân năm ngoái, trong thôn đã có trên 10 hộ thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng nhờ trồng thuốc lá. Nhà nào cũng có 2 -3 xe hon đa; 50% gia đình có xe công nông, máy xới đất phục vụ sản xuất. Nhà cửa xây dựng khang trang, ruộng vườn quy hoạch bài bản.

Vụ đông xuân 2008-2009, nhà đầu tư cấp cho mỗi ha đăng ký trồng thuốc lá các khoản như: hạt giống, 8 triệu đồng/ha tiền công chăm sóc, 2,4 triệu đồng tiền dầu chạy máy bơm tưới nước; những hộ trước đây chưa được đầu tư xây lò sấy cũng được đầu tư 15 triệu đồng để xây lò (các khoản này sẽ trừ vào sản phẩm khi thu hoạch), nên người dân phấn khởi đăng ký trồng nhiều. Có đến trên 90% hộ dân trong thôn Kơ Nia trồng thuốc lá; diện tích nâng lên 150 ha, gấp đôi năm ngoái; trong đó gần 100 ha là đất thuê của các làng Jrai trong vùng. Nếu thời tiết thuận lợi, thì 2 tháng nữa, thôn Kơ Nia sẽ có thu trên 15 tỉ đồng, một con số mơ ước đối với nhiều thôn, làng trong tỉnh.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.