| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng mẫu lớn trên đất Cảng

Thứ Sáu 12/10/2012 , 10:14 (GMT+7)

Dù không phải tỉnh nông nghiệp, nhưng phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở Hải Phòng đang có sức bật mạnh mẽ.

CĐML 35 ha tại xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng

Dù không phải tỉnh nông nghiệp, nhưng phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở Hải Phòng đang có sức bật mạnh mẽ. Quan trọng hơn cả, tư duy về lối SX hàng hóa liên kết theo chuỗi được nông dân đất cảng nồng nhiệt đón nhận.

Lợi cả trăm đường

Nông dân vùng lúa xã Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng) bảo rằng, đối với lúa vụ mùa thì hiếm có năm nào, người trồng lúa vừa đỡ phải tốn công tốn sức, mà lại vừa thu được năng suất lúa cao như năm nay.

Gặp nông dân Vũ Văn Nam (thôn 13, xã Hùng Thắng) khi anh đang gặt kiểm tra năng suất lúa vụ mùa trên CĐML rộng hơn 35 ha ngút ngàn một màu vàng óng, anh Nam cười khà bảo: Đồng đất Hùng Thắng nằm sát sau lưng biển, quanh năm chua mặn, đặc biệt là đối với vụ mùa hay gặp bão sớm, dịch rầy năm nào cũng hoành hoành nên năng suất lúa vụ nào cao nhất cũng chỉ tới 1,7 tạ/sào là mừng. Thế nhưng vụ này lần đầu tiên tham gia mô hình CĐML, qua gặt kiểm tra năng suất ngẫu nhiên trên diện tích 2 m2 đã được 1,5 kg thóc tươi, nếu trừ tỷ lệ hạt lép và độ ẩm khoảng 20% thì năng suất thực bình quân không dưới 2,3 tạ/sào.

Anh Nam phân tích, không chỉ năng suất lúa tăng thêm hơn 30% so với các vụ trước, mà cái khỏe nhất mà bất kỳ nông dân nào ở Hùng Thắng cũng nhận ra đó là nhờ SX cùng một giống, gieo mạ, cấy, bón phân, phun thuốc trừ sâu… cùng một ngày, lại có HTX “bao trọn gói” tất tần tật mọi dịch vụ nên nông dân rất nhàn. 

Chủ nhiệm HTXNN Hùng Thắng, anh Nguyễn Văn Bến năm nay mới tròn 30 tuổi, vốn là dân tốt nghiệp hệ chính quy trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội hẳn hoi. Bày tỏ quan điểm về việc xây dựng CĐML, anh Bến bảo: Mấy năm nay, khi mà hoạt động cung ứng VTNN đã đến tận bờ ruộng, thì hàng loạt HTX ở Tiên Lãng cũng lâm vào tình cảnh chờ phá sản vì... chẳng biết làm gì! Thế nhưng nhờ có phong trào xây dựng CĐML, mà HTX bỗng nhiên bận trăm công nghìn việc. Nhờ ký được các hợp đồng lớn, nên các đơn vị cung ứng VTNN cũng sướng rân và giảm giá so với thị trường rất nhiều. Tính chung các chi phí vật tư, dịch vụ nông dân đã tiết kiệm được ít nhất 20%. 

Hoàn thiện chuỗi liên kết SX CĐML

Nói về triển vọng phát triển của mô hình CĐML, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Bến phân tích: Vụ mùa vừa qua, Hải Phòng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân tham gia mô hình như: Hỗ trợ 100% giá giống, 50% tiền công máy cấy và gặt đập liên hợp, 30% giá phân bón và thuốc BVTV. Theo anh Bến, do là vụ đầu tiên thí điểm CĐML nên các chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, điều lo ngại đó là sau này, khi mà các chính sách hỗ trợ không còn nữa, thì liệu mô hình CĐML có thể đứng vững được nữa không?

“Hải Phòng hiện có khoảng trên 800 nghìn dân thường xuyên phải ăn gạo đong, nhưng bản thân DN làm giống như chúng tôi chỉ có khả năng bao tiêu khoảng 100 tấn lúa/vụ cho bà con mà thôi. Vì vậy ngành Công thương cần có giải pháp đưa các DN kinh doanh lúa gạo gắn với CĐML”, bà Phạm Thị Cằng.

“Để CĐML tồn tại, theo tôi cần bảo hiểm SX cho nông dân là quan trọng nhất. Trong đó, vấn đề giống là cơ bản. Trước đây mỗi nhà làm mỗi giống, nhưng vụ mùa vừa qua hầu hết dân đều nhất trí với chủ trương của xã là cùng sử dụng chung một giống là giống lúa lai chất lượng cao HYT 100 (Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng cung ứng). Tuy nhiên, do chưa biết năng suất, chất lượng giống này ra sao nên nhiều hộ vẫn thích giống Bắc thơm 7 hơn. Cũng may là đến nay, giống HYT 100 chịu đất chua mặn và chống đổ rất tốt, cơm lại ngon nên dân khá yên tâm”, anh Vũ Văn Nam cho biết.

Trong vụ mùa vừa qua, Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng đã ký hợp đồng bảo hiểm chất lượng giống và rủi ro SX đối với toàn bộ 35 ha lúa HYT 100 tham gia mô hình CĐML tại xã Hùng Thắng, đồng thời bao tiêu 100% lượng lúa thành phẩm cho nông dân tham gia mô hình có nhu cầu bán lúa sau khi thu hoạch.

Bà Phạm Thị Cằng, Chủ tịch HĐQT CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng cho rằng, bên cạnh việc DN tham gia vào CĐML phải chịu trách nhiệm bảo hiểm rủi ro cho nông dân, thì vấn đề mấu chốt để CĐML có thể tồn tại lâu dài đó là TƯ và các tỉnh cần phải vào cuộc giúp DN nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết trong SX, trong đó khâu tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm hiện nay vẫn yếu nhất.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.