| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác đạo ôn gây hại lúa mùa

Thứ Năm 08/09/2022 , 06:36 (GMT+7)

Điều kiện thời tiết thời gian tới rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại lúa mùa. Một số nơi, bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại sớm hơn năm trước.

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa vụ mùa 2022 tại tỉnh Hải Phòng và Hưng Yên.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Phòng, diện tích gieo cấy lúa vụ mùa 2022 của Thành phố hơn 28.700ha. Trong đó, lúa mùa sớm 630ha, mùa trung hơn 26.100ha, trà mùa muộn hơn 1.900ha. Hiện các trà lúa chủ yếu đang giai đoạn phân hóa đòng, sinh trưởng phát triển khá tốt.

IMG_3362

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Đến ngày 5/9, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên 13.200ha (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 hơn 25.500ha). Trên trà lúa mùa trung, mùa muộn, sâu đục thân 2 chấm trưởng thành lứa 5 vũ hóa rộ từ 5/9, gây hại tập trung trên diện tích lúa trỗ từ ngày 15/9 trở đi, mật độ cao và phân bố rộng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Qua kiểm tra tình hình thực tế, Cục BVTV nhất trí với dự báo tình hình sâu bệnh hại từ nay tới cuối vụ của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Phòng, cụ thể:  

IMG_3404

Dự báo thời gian tới, điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại cổ bông, cổ gié. Ảnh: Trung Quân.

Bệnh đạo ôn lá xuất hiện, gây hại lá lúa trên giống nhiễm từ trung tuần tháng 8, đặc biệt, gây hại nặng trên các giống nếp, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, cao 15 - 20%, cá biệt >40% số lá. Bệnh phát sinh, gây hại sớm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trưởng thành sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa, đẻ trứng, mật độ trưởng thành và trứng gia tăng trên đồng ruộng, gây hại cho các trà lúa trỗ sau ngày 15/9, cần quan tâm, chỉ đạo phun trừ trên diện tích lúa đòng già - nút bẹ, có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2. Rầy lứa 7 dự kiến nở vào cuối tháng 9, gây hại trên lúa giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh - chín.

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Điều kiện thời tiết thời gian tới thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh gây hại cổ bông, cổ gié trên các giống nhiễm giai đoạn trỗ bông. Trên các giống lúa nhiễm bệnh đạo ôn (nếp, TBR225, Đài thơm 8, Khang dân 18...) trỗ từ nay trở đi cần chỉ đạo nông dân phun phòng.

Ngoài ra, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gia tăng gây hại từ nay đến cuối vụ, đặc biệt trên những diện tích cấy giống nhiễm và chăm bón nhiều phân đạm sau những đợt mưa dông, lốc sét...

Tại Hưng Yên, vụ mùa 2022 toàn tỉnh gieo cấy khoảng 26.200ha, diện tích lúa trỗ đến nay khoảng 11.700ha.

IMG_3494

Tại Hưng Yên, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 mức độ gây hại cao hơn so với cùng kỳ vụ mùa 2021. Ảnh: Trung Quân.

Kết quả kiểm tra trên đồng ruộng cho thấy: Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu non nở rộ từ ngày 1 - 7/9; mật độ sâu phổ biến 8 - 15 con/m2, cao 30 - 50 con/m2, cá biệt trên 300 con/m2. Diện tích nhiễm hơn 6.800ha, trong đó có 330ha nhiễm nặng, nông dân đã và đang tích cực phòng trừ được hơn 6.600ha. Mức độ gây hại cao hơn so với cùng kỳ vụ mùa 2021.

Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV lưu ý: Cũng như các địa phương khác ở vùng ĐBSH, Hải Phòng, Hưng Yên không được chủ quan, lơ là, cần theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại để kịp thời chỉ đạo nông dân phun trừ hiệu quả.

IMG_3529

Lãnh đạo Cục BVTV và Chi cục BVTV Hưng Yên hướng dẫn người dân cách theo dõi sâu bệnh và phun trừ hiệu quả. Ảnh: Trung Quân.

Đối với Hải Phòng, tại huyện Kiến Thụy mật độ sâu đục thân khá cao, nhất là đối với trà lúa trỗ trước 10/9. Do đó, địa phương cần tăng cường dõi sát diễn biến, tổ chức phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác và theo dõi chặt chẽ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông để kịp thời chỉ đạo nông dân phun trừ.

Đối với Hưng Yên, những diện tích đã tiến hành phun trừ sâu cuốn lá lần 1, nếu kiểm tra vẫn còn trứng, sâu tuổi 1, 2, cần tiếp thục theo dõi, nếu mật độ gia tăng phải tiến hành phun trừ lần 2.

Những diện tích nhiễm lúa cỏ, đây là giai đoạn khử lẫn khá tốt, nếu để chậm khoảng 5 - 7 ngày nữa, hạt lúa cỏ vào chắc sẽ rất khó khăn khử lẫn. Do đó, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân tăng cường diệt lúa cỏ, tránh để lây lan sang những vụ sau.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.