| Hotline: 0983.970.780

'Thời điểm vàng' quyết định thành bại vụ mùa

Thứ Năm 25/08/2022 , 15:54 (GMT+7)

Theo Cục Bảo vệ thực vật, cuối tháng 8, đầu tháng 9 sâu cuốn lá nhỏ, rầy... sẽ phát sinh, gây hại mạnh. Các tỉnh ĐBSH cần theo dõi chặt để phun trừ hiệu quả.

Cao điểm phòng trừ sâu, bệnh hại vào đầu tháng 9

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa vụ mùa tại một số tỉnh ĐBSH, làm cơ sở để chỉ đạo phòng, trừ hiệu quả khi các trà lúa đang bước vào giai đoạn then chốt quyết định đến năng suất, sản lượng.

IMG_3066

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV (bên phải) kiểm tra, đánh giá tình hình sâu, bệnh hại trên lúa vụ mùa 2022, tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Trung Quân.

Tại tỉnh Nam Định, kết quả kiểm tra cho thấy: Các trà lúa vụ mùa đang bước vào giai đoạn đứng cái - làm đòng. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 mật độ rải rác, nơi cao 2 - 3 con/m2, cá biệt 5 - 7 con/m2. Dự báo, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ xuất hiện, nở rộ, gây hại vào thời gian từ 28/8 - 8/9 (đây là lứa sâu có khả năng ảnh hưởng rất lớn tới sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời). Ngoài ra, các đối tượng khác như rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, chuột hại mật độ thấp; bệnh khô vằn chớm xuất hiện; lúa cỏ (lúa ma) diện tích nhiễm có chiều hướng lan rộng, nhất là những nơi sử dụng biện pháp canh tác gieo sạ.

Tại Thái Bình, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Bình và kết quả kiểm tra của Cục BVTV tại 2 huyện Đông Hưng và Hưng Hà cho thấy: Trong vụ mùa 2022, tình hình sâu, bệnh gây hại có sự đảo chiều giữa các huyện phía Bắc và phía Nam tỉnh. Thông thường mọi năm, các huyện phía Nam như Tiền Hải, Thái Thụy... mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 - 6 thường rất cao, các huyện phía Bắc thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các huyện phía Bắc mật độ sâu cuốn lá nhỏ lại rất cao, trong khi các huyện phía Nam chỉ xuất hiện rải rác.

IMG_3142

Dự báo, sâu cuốn lá nhỏ sẽ phát sinh rộ từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2022. Ảnh: Trung Quân.

Dự báo, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ nở rộ từ ngày 1 - 10/9, thời gian cần tập trung phun trừ từ 4 - 8/9. Rầy sẽ nở rộ vào cuối tháng 8 đến 5/9 (trùng với thời gian nở rộ của sâu cuốn lá nhỏ). Do đó, có thể kết hợp phun trừ cùng lúc hai đối tượng gây hại này.

Sâu đục thân 2 chấm lứa 4 tiếp tục nở đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, gây thui đòng, bông bạc cho diện tích trỗ bông trước 5/9; vùng có nguồn sâu đục thân cao tập trung ở các huyện phía Bắc tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, chuột hại, lúa cỏ có chiều hướng gia tăng (tổng diện tích nhiễm lúa cỏ từ 5% trở lên toàn tỉnh khoảng 137 ha).

Cảnh giác sâu cuốn lá nhỏ lứa 6

Sau khi đi kiểm tra thực tế đồng ruộng tại tỉnh Nam Định, Thái Bình và báo cáo từ các địa phương thuộc khu vực ĐBSH, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Hiện hầu hết các trà lúa vùng ĐBSH đang giai đoạn đứng cái - làm đòng; sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 trưởng thành bắt đầu nở rộ từ ngày 27 - 28/8, dự kiến sâu non lứa 6 sẽ nở rộ trong thời gian từ 3 - 8/9.

Việc phun phòng, trừ lứa sâu này cực kỳ quan trọng, bởi lẽ, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 là đối tượng gây hại nặng cho lá đòng, từ đó làm giảm năng suất lúa. Bên cạnh đó, theo dự báo của Thái Bình, Nam Định và các tỉnh ĐBSH, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và rầy cám lứa 6 sẽ phát sinh, nở rộ vào cùng thời điểm đầu tháng 9 (từ 3 - 8/9).

Do đó, không chỉ hai tỉnh Nam Định, Thái Bình mà các tỉnh thuộc khu vực ĐBSH cần hết sức tập trung, chủ động bám sát diễn biến tình hình sâu bệnh gây hại từ nay cho đến đầu tháng 9. Từ đó, đưa ra dự báo và phương án phun phòng kịp thời, đúng thời thời điểm, đảm bảo hiệu quả phòng trừ và bảo vệ năng suất cho lúa mùa.

IMG_3152

Theo Cục BVTV, cuối tháng 8, đầu tháng 9 là cao điểm phát sinh gây hại của nhiều sâu bệnh, do đó các địa phương không được chủ quan, lơ là. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo ông Dương, sau khi kiểm tra thực tế trên đồng ruộng và nhận được báo cáo tình hình sâu, bệnh gây hại của tất cả các tỉnh ĐBSH, Cục BVTV sẽ ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm BVTV phía Bắc, các địa phương đôn đốc, giám sát công tác chỉ đạo phun phòng hiệu quả sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy và các đối tượng gây hại khác.

Ông Dương đề nghị: Trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, chỉ đạo người dân theo dõi chặt chẽ đồng ruộng để nắm bắt tình hình sâu, bệnh và hướng dẫn của hệ thống BVTV. Từ đó, tuân thủ thời điểm phun thuốc, giảm số lần phun, lượng thuốc mà vẫn đạt hiệu quả phòng trừ cao.

“Đây là thời điểm quyết định đến thắng lợi của vụ mùa, nếu các địa phương bỏ lỡ cơ hội, chủ quan, lơ là, không quản lý tốt sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy, sâu đục thân..., rất có thể sẽ mất năng suất rất lớn”, ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quý Dương cũng lưu ý: Thời tiết đang bước vào giai đoạn mưa, bão, đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bạc lá phát sinh, gây hại. Do đó, người dân cần hết sức cẩn thận, nhất là những nơi đã xảy ra bệnh bạc lá, hạn chế tối đa việc bón phân, đạm đón đòng cho cây lúa.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.