| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán

Thứ Hai 13/01/2025 , 13:33 (GMT+7)

Lừa đảo trực tuyến dịp Tết gia tăng với thủ đoạn tinh vi, người dân cần cảnh giác, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân để tránh rủi ro.

Tết Nguyên đán là dịp mà mọi người háo hức chuẩn bị cho một năm mới, nhưng cũng là thời điểm các giao dịch trực tuyến tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm pháp.

Thống kê từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, các vụ lừa đảo trực tuyến gia tăng đáng kể vào những tháng cuối năm, đặc biệt là cận Tết. Những thủ đoạn tinh vi không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm lộ thông tin cá nhân, gây hoang mang trong xã hội.

Những thủ đoạn lừa đảo phổ biến dịp Tết

Một trong những chiêu trò phổ biến nhất dịp Tết là dịch vụ đổi tiền lẻ qua mạng xã hội. Nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ để lì xì trong dịp năm mới rất lớn, đặc biệt ở các khu vực thành phố. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo giả mạo dịch vụ đổi tiền với mức phí hấp dẫn. Người dùng, vì thiếu cảnh giác hoặc ham rẻ, đã chuyển khoản trước để đổi tiền. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các đối tượng ngay lập tức chặn liên lạc và biến mất. Nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn không thể truy vết hoặc lấy lại tài sản.

Các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán đang ngày càng phổ biến, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: IT.

Các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán đang ngày càng phổ biến, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: IT.

Chị Ma Thị Nhung, ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi thấy quảng cáo trên mạng xã hội về dịch vụ đổi tiền mới với mức phí thấp hơn ngân hàng, nên đã chuyển khoản đặt cọc. Nhưng sau đó người này chặn số, tôi không liên lạc được nữa. Cũng may là chỉ đặt cọc một ít chứ chưa chuyển toàn bộ số tiền định đổi”.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các ứng dụng nhắn tin bảo mật như Signal để thực hiện hành vi phạm pháp. Signal, với tính năng mã hóa cao, trở thành công cụ đắc lực để các đối tượng che giấu danh tính. Chúng giả danh chuyên gia tài chính, dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào các dự án “lợi nhuận cao”, hoặc thậm chí lừa đảo tình cảm để chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin cảnh báo các đối tượng lừa đảo đang chuyển từ Telegram sang dùng Signal làm nền tảng liên lạc lừa đảo chính. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Cục An toàn thông tin cảnh báo các đối tượng lừa đảo đang chuyển từ Telegram sang dùng Signal làm nền tảng liên lạc lừa đảo chính. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Các đối tượng lừa đảo lợi dụng nền tảng nhắn tin bảo mật như Signal để phát tán mã độc và thực hiện hành vi chiếm đoạt thông tin. Ảnh minh hoạ.

Các đối tượng lừa đảo lợi dụng nền tảng nhắn tin bảo mật như Signal để phát tán mã độc và thực hiện hành vi chiếm đoạt thông tin. Ảnh minh hoạ.

Không ít trường hợp nạn nhân chỉ vì nhấp vào một đường link chứa mã độc mà mất toàn bộ tiền tiết kiệm. Các đường link này được ngụy trang khéo léo, có thể là lời mời chào trúng thưởng, cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng, hoặc yêu cầu xác thực danh tính. Khi nạn nhân nhập thông tin, kẻ gian sẽ chiếm quyền truy cập tài khoản để rút tiền.

Theo thống kê năm 2024, cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 275.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, trung bình cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ nạn nhân lấy lại được tài sản gần như bằng không, điều này cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao ý thức cảnh giác.

Chủ động bảo vệ tài sản trong môi trường trực tuyến

Trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi, việc trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức về an ninh mạng là điều vô cùng quan trọng. Theo đó, trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hãy kiểm tra kỹ thông tin nguồn, đặc biệt với các dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội. Hạn chế giao dịch với các tài khoản cá nhân hoặc những người không rõ danh tính; 

Không nhấp vào đường link không rõ nguồn gốc: Các đường link gửi qua tin nhắn, email với nội dung trúng thưởng, xác thực tài khoản thường là chiêu trò lừa đảo. Cần xác minh qua các kênh chính thống của ngân hàng hoặc tổ chức liên quan;

Hạn chế công khai số tài khoản, số điện thoại, hoặc các thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội. Đặc biệt, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, hãy liên hệ ngay với ngân hàng hoặc cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.

Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ người dân. Nhiều ngân hàng hiện nay yêu cầu khách hàng phải trực tiếp đến quầy giao dịch, mang theo căn cước công dân để thực hiện các thay đổi liên quan đến tài khoản, nhằm tăng cường bảo mật.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân cũng được các cơ quan chú trọng. Các chiến dịch cảnh báo trên mạng xã hội, website ngân hàng, và truyền thông đại chúng giúp người dân nhận biết các chiêu trò lừa đảo và phòng tránh hiệu quả.

Trong thời đại số hóa, mỗi cá nhân đều cần trang bị kiến thức và kỹ năng an toàn mạng, không chỉ để bảo vệ tài sản mà còn để góp phần xây dựng một môi trường số an toàn, lành mạnh.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Tặng 2.000m2 đất cho ông Nhưỡng, ông Vân để 'về ở cùng cho vui'

Bị cáo Nguyễn Văn Vương khai, việc tặng ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân 2.000m2 đất tại Quảng Ninh để cảm ơn vì 'quý hai ông nên muốn rủ về ở cùng cho vui'.