Phòng thí nghiệm số 5 RI-400, thường được biết đến với tên gọi phòng thí nghiệm Kasatka, nằm trên bờ Biển Đen, thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa Abkhazia. Cơ sở này được xây dựng từ sau Thế chiến II, là địa điểm nghiên cứu và phát triển các mẫu ngư lôi bí mật để trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nhà máy ngư lôi này bị bỏ hoang kể từ khi Liên Xô tan rã và hiện chỉ còn lại những tòa nhà hoang phế. |
Hoạt động nghiên cứu tại Kasatka ban đầu được dẫn dắt bởi các nhà khoa học từng làm việc cho phát xít Đức và đồng ý hợp tác với Liên Xô trong 10 năm. Do đó, cơ sở này cũng được bố trí một phòng nghiên cứu vật lý hạt nhân bí mật nhằm tận dụng chất xám của những chuyên gia Đức. Trong ảnh, nội thất và các thiết bị trong một phòng nghiên cứu ở Kasatka nhìn ra bờ biển bị xuống cấp nghiêm trọng sau hàng chục năm không được con người sử dụng. Các thùng đựng tài liệu bị những người xâm phạm phá tung, vứt lăn lóc trên nền nhà. |
Những vỏ ngư lôi màu xanh bị hoen gỉ sau hơn 20 năm không được bảo quản. |
Một quả ngư lôi vẫn nằm trên giá đỡ, gợi nhớ về thời kỳ huy hoàng của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô với hàng loạt vũ khí và thiết bị được nghiên cứu, chế tạo thành công. |
Các bức tường trong phòng thí nghiệm bong tróc và hư hại theo thời gian, hệ thống máy móc chế tạo ở Kasatka cũng bị người dân đột nhập lấy đi những bộ phận quan trọng. |
Vỏ một quả ngư lôi cỡ nhỏ in ký hiệu tiếng Nga nằm lăn lóc trên sàn nhà. |
Nằm tại vùng biển nước ấm, thuận lợi cho các hoạt động thử nghiệm vũ khí dưới nước, phòng thí nghiệm này có nhiệm vụ phát triển những mẫu ngư lôi tự động, có sức công phá cao nhằm đối phó với những tàu chiến của NATO nếu chiến tranh bùng nổ. Trong ảnh là một mẫu ngư lôi vẫn còn nguyên chân vịt nhưng đã gỉ sét trầm trọng. |
Các nhà khoa học, kỹ sư Liên Xô dường như đã rời bỏ cơ sở Kasatka trong vội vàng, bỏ lại hầu hết máy móc và thiết bị. Trong ảnh là một cỗ máy phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất ngư lôi gần như đã mục nát. |
Những giá sách trong phòng làm việc của các chuyên gia dường như không bị hư hại nhiều sau gần 30 năm bỏ hoang. |
Ảnh: English Russia.