Diện tích rừng tại xã Đức Long (Hòa An) phát triển tốt. Ảnh: Văn Toán. |
Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng năm 2013, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp toàn tỉnh trên 534.000 ha, trong đó có hơn 17.622 ha đất rừng đặc dụng (gồm 14.759 ha đất có rừng); 297.450 ha đất rừng phòng hộ (185.447 ha đất có rừng); 218.931 ha đất rừng sản xuất (139.277 ha đất có rừng).
Giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt cho các chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng rừng và kinh phí cho UBND các huyện, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Các chủ đầu tư triển khai kế hoạch, chỉ tiêu trồng rừng thông qua hợp đồng trồng rừng với các chủ rừng là hộ gia đình.
Chi cục Kiểm lâm thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh qua lồng ghép các cuộc họp giao ban, họp xóm. Xác định nâng cao năng suất, chất lượng giá trị rừng trồng, trong đó khâu chất lượng giống có tính chất quyết định. Quản lý nghiêm ngặt nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu thu hoạch vật liệu giống; cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống; quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm. Nghiệm thu cây giống và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con từ khâu lưu thông đến chân lô rừng trồng theo quy định.
Huyện Hòa An, hiện có tới hơn 36.000 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng trồng là 3.863 ha. Ông Nông Văn Vế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Năm 2018, huyện Hòa An trồng được gần 40 ha rừng theo Dự án Bảo vệ và phát triển rừng.
Để làm tốt công tác trồng rừng, Hạt Kiểm lâm đã chủ động xây dựng kế hoạch thuê tư vấn thiết kế cho các hộ dân nằm trong vùng dự án để có kế hoạch trồng rừng. Đồng thời phối hợp với các xã tổ chức các cuộc tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Qua công tác tuyên truyền, đa số các chủ rừng là hộ gia đình đã nhận thức được giá trị từ rừng, tham gia trồng rừng để phát triển kinh tế rừng. Nhiều xã có diện tích rừng trồng lớn như: Bạch Đằng 643 ha; Lê Chung 529 ha; Nam Tuấn 408 ha; Hoàng Tung 358 ha; Đức Long 330 ha; Bế Triều 320 ha…
Trồng chưa trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Văn Toán. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 16.000 ha rừng trồng (phòng hộ và sản xuất), tập trung chủ yếu ở các huyện: Hòa An, Thạch An, Nguyên Bình... Có 13 dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 của các huyện, thành phố với tổng vốn đầu tư của Trung ương hơn 17 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh trồng mới 313 ha rừng sản xuất. Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh mới trồng được 78,7/313 ha rừng, đạt 25% kế hoạch. Thực hiện Tết trồng cây dịp Tết Nguyên đán, toàn tỉnh trồng được 181.595 cây các loại, chủ yếu là keo, thông, lát… Cùng với diện tích trồng rừng đạt thấp, những năm gần đây, diện tích rừng sản xuất giao cho các doanh nghiệp cũng giảm dần.
Theo ông Hoàng Phượng Vỹ - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, công tác trồng rừng ở Cao Bằng còn gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt mạnh, giao thông khó khăn nên rất khó để làm đường vận chuyển cây con, vận xuất cây khi khai thác, kéo theo chi phí vận chuyển lớn. Theo quy định mỗi hộ được giao không quá 30 ha rừng trồng, nhưng ở Cao Bằng hiện nay, do diện tích đất manh mún, mỗi hộ chỉ được giao trung bình 3 - 5 ha, lại không tập trung nên rất khó phát triển.
Ông Vỹ cho rằng người dân địa phương vẫn chưa nhận thức cao về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như hiệu quả kinh tế từ rừng đem lại, chưa “mặn mà” với công tác trồng rừng, kể cả những hộ có nhiều đất. Ý thức bảo vệ rừng trồng của một số người dân chưa cao, còn hiện tượng để thả rông trâu, bò phá hoại. Mặt khác, công tác thiết kế và thẩm định thiết kế trồng rừng chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến việc triển khai trồng rừng. Một số Ban quản lý dự án triển khai công tác chuẩn bị hiện trường thực hiện dự án lâm sinh còn phụ thuộc vào người dân.
Do phong trào trồng rừng còn hạn chế, vì vậy một số doanh nghiệp đầu tư chế biến gỗ ở Cao Bằng đã tính chuyện tự chủ về nguồn nguyên liệu. Ví dụ như Công ty TNHH Quang Minh, xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng) được giao hơn 3.000 ha rừng trồng làm nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh, gỗ bóc. Năm 2018, doanh nghiệp trồng rừng được 57 ha và sẽ tiếp tục trồng mới trong thời gian tới, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất.
Công ty TNHH Quang Minh, xã Hưng Đạo (Thành phố) sử dụng 100% nguyên liệu gỗ rừng trồng để sản xuất ván ghép thanh, gỗ bóc. Ảnh: Văn Toán. |
Phần lớn hiện nay ở Cao Bằng xảy ra tình trạng các doanh nghiệp nông nghiệp và một số ít người dân ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác trồng rừng, như cây giống, phân bón… Ở nhiều nơi thì có hỗ trợ, bà con dân tộc thiểu số cũng không trồng. Theo như cơ quan chuyên môn của tỉnh, thì nguyên nhân đến từ công tác tuyên truyền hạn chế trong những năm qua ở Cao Bằng, vì vậy không đi sâu vào suy nghĩ của nhân dân.