| Hotline: 0983.970.780

Cào bằng khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tạo tâm lý đối nghịch

Thứ Hai 06/11/2023 , 18:59 (GMT+7)

Trả lời chất vấn Quốc hội ngày 6/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính là giao khoán bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn Quốc hội chiều 6/11. Ảnh: QH.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn Quốc hội chiều 6/11. Ảnh: QH.

Cần có cái nhìn toàn diện hơn về bảo vệ rừng

Tại phiên chất vấn nhóm kinh tế ngành, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện. Mức chi đối với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả và thời điểm người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách. Hiện cả nước áp dụng định mức từ 300 đến 400 nghìn đồng/ha. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng phản ánh, định mức này còn thấp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo một Nghị định để nâng định mức từ 400 đến 600 nghìn đồng. "Bộ NN-PTNT cho rằng con số lẽ ra vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân đối từ nguồn lực chung", ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT chuẩn bị trình Thủ tướng Đề án Phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng. 

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cho biết thêm về các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng. Ảnh: QH.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cho biết thêm về các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng. Ảnh: QH.

Vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng cho tỉnh Bắc Kạn và một số tỉnh liên quan, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, còn có nguyên nhân liên quan tới chương trình phát triển nông nghiệp bền vững do Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng.

Sau khi có chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 Trung ương vẫn cấp ngân sách cho các địa phương vùng 1, vùng 2, vùng 3. Khi có chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi, theo chỉ đạo của Chính phủ, vùng 2, vùng 3 chuyển sang chương trình mục tiêu quốc gia phát triển dân tộc miền núi. Nhưng do quá trình triển khai này khởi động sau nên công tác tổng hợp chưa kịp thời.

Chung mối quan tâm, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tranh luận về vấn đề giao khoán bảo vệ rừng. Theo ông Thành, có 3 vấn đề bất cập xung quanh câu chuyện này.

Thứ nhất, là vấn đề nợ tiền bảo vệ rừng. Không chỉ riêng tỉnh Bắc Kạn bị nợ mà diễn ra ở tất cả các cái tỉnh có rừng. Công tác bảo vệ rừng của người dân cần được nhanh chóng giải quyết và kể cả việc chuyển nguồn để mà thực hiện nhiệm vụ này. 

Thứ hai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị xem xét lại công tác bảo vệ rừng. Trên tinh thần Nghị quyết 100 về chương trình 5 triệu ha rừng, tiền bảo vệ rừng được tính và ghi là vốn sự nghiệp, được chi thường xuyên hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam lại đưa khoản này vào chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình dân tộc. Do đó, địa phương phải trải qua rất nhiều các quy trình, thủ tục để thanh toán.

Thứ ba, là vấn đề định mức. Kết luận 65 của Bộ Chính trị triển khai Nghị quyết 24 về công tác dân tộc có ghi phải có chính sách để người dân sống được và bảo vệ rừng được; đồng thời cơ quan quản lý phải xây dựng chính sách để đổi mới cái công tác bảo vệ rừng, nâng định mức rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế là sửa Nghị định 75 còn rất chậm, dẫn đến câu chuyện nguồn vốn hiện không được thống nhất, chỗ thì lấy từ tiền khoán bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, chỗ thì bố trí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và một số từ phần hành chính sự nghiệp bên ngoài. 

Đại biểu Cao Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa trăn trở về công tác di dân. Ảnh: QH.

Đại biểu Cao Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa trăn trở về công tác di dân. Ảnh: QH.

Trước những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần phải thành lập một nguồn vốn sự nghiệp, định mức giao khoán phải nâng lên. Ngoài ra, phải giải quyết tận gốc vấn đề đang phát sinh trong thực tế hiện nay là người dân phải qua một công đoạn nữa là thuê lại, khoán lại từ các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các tổ chức lâm nghiệp. Đây là những nguyên nhân khiến nguồn định mức đến trực tiếp người dân còn rất ít. 

Trao đổi với đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi xây dựng dự thảo nâng mức khoán bảo vệ rừng, Bộ đã trình Chính phủ mức 1,1 -1,3 triệu đồng/ha, căn cứ trên đơn giá định mức. Nhưng do nguồn lực hạn chế, nên con số dừng lại là từ 400 - 600 nghìn đồng.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tiếp cận vấn đề này ở một khía cạnh khác. Ngoài kinh phí bảo vệ rừng, người dân cần được tạo ra sinh kế dưới tán rừng để cộng đồng bảo vệ rừng, ban quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm có nhiều việc làm. Bộ NN-PTNT chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó nhấn mạnh vào phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng, tín chỉ cacbon rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng…

"Chúng ta cần có cách tiếp cận tổng hợp, tạo ra nhiều việc làm, sinh kế để bù vào công sức bỏ ra bảo vệ rừng, để công tác bảo vệ rừng được thực hiện toàn diện hơn", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết, sẽ có những hành động mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của người dân. Ảnh: QH.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết, sẽ có những hành động mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của người dân. Ảnh: QH.

Còn nhiều việc cần làm khi đạt chuẩn dựng nông thôn mới

Đại biểu Cao Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu, tại Quyết định 590 của Thủ tướng đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ẩn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021- 2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. So với mục tiêu đề ra của Thủ tướng đến năm 2025 thì cả nước cần bố trí ổn định cho 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong bối cảnh tình hình thực hiện khá chậm trễ như hiện tại. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tiến độ thực hiện nhiệm vụ di dân của Bộ NN-PTNT nhìn chung phải có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương. Dù các địa phương bố trí dự án tái định cư và được phê duyệt, nhưng vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân. Việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn trong thực tế, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư. 

"Có trường hợp, các dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư rồi, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả. Bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp tập quán, bà con vẫn bỏ ra ngoài. Bộ đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình với Chính phủ để các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững", tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.

Cũng liên quan đến cuộc sống người dân, Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT làm rõ hơn về vấn đề xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tuy đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng được khởi sắc nhưng việc tổ chức thực hiện một số tiêu chí còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Đặc biệt, nhiều cử tri thắc mắc về quy định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung, nhất là ở các xã miền núi khó khăn và không khả thi. 

Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ NN-PTNT đã tổ chức đoàn khảo sát ở địa phương. Qua đó sẽ nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí về nông thôn mới, để đảm bảo sự linh hoạt, theo hướng giao độ mở, độ linh hoạt cho các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng và thẩm định bộ tiêu chí nông thôn mới.

"Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức đối thoại với tất cả các địa phương ở phía Tây dãy Trường Sơn với các tiêu chí về đặc thù về điều kiện địa lý", Bộ trưởng nói.

Về các bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định băn khoăn về các tiêu chí liên quan tới kinh phí công tác bảo vệ rừng, tiêu chí chuyển tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu băn khoăn về quá trình chuyển tiếp khi xây dựng nông thôn mới. Ảnh: QH.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu băn khoăn về quá trình chuyển tiếp khi xây dựng nông thôn mới. Ảnh: QH.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện, nhiều xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng do đặc thù về địa lý, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và các tiêu chí đạt được chưa thực sự bền vững. Người dân, đặc biệt là các hộ mới thoát nghèo và khả năng  tái nghèo rất dễ xảy ra. Vấn đề nằm ở việc, theo quy định hiện hành, những xã đạt chuẩn nông thôn mới không được tiếp tục hưởng các chính sách an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về sự cần thiết của việc kéo dài thời gian được hưởng và giảm dần việc thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đối với các xã miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ vấn đề này. Ông nhìn nhận, khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương sẽ được sử dụng để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; khi hoàn thành thì rút lại chính sách hỗ trợ.

"Việc cào bằng khi đạt chuẩn nông thôn mới tạo tâm lý đối nghịch: Các địa phương mong muốn có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu, nhưng cũng nhiều xã không dám đạt chuẩn nông thôn mới", ông cho biết. 

Cam kết nghiêm túc xem xét vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói sẽ bàn với Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia tạo điều kiện để những xã khó khăn, sau khi đạt được tiêu chí nông thôn mới thì vẫn có những chính sách cần thiết, có thể nằm ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tạo điều kiện phát triển nhưng không gây ra tâm lý ỷ lại cho địa phương, tăng cường năng lực của cộng đồng dân cư, tạo ra nhiều mô hình khác để cộng đồng có thể vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Phát biểu điều hành nội dung chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lĩnh vực kinh tế ngành thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong chiều 6/11, 88 đại biểu đã đăng ký chất vấn. Do số lượng lớn, ông đề nghị đại biểu hết sức cân nhắc, chọn một vấn đề tâm đắc nhất và chỉ tranh luận khi thực sự có vấn đề cần tranh luận để đảm bảo thời gian cho nhiều đại biểu Quốc hội cùng tham gia chất vấn.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.