“Tập trung mọi sự ưu tiên cho công tác chống dịch tại TP.HCM” là chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi đô thị lớn nhất phương Nam đã bước vào tháng thứ hai áp dụng giãn cách xã hội và con số ca nhiễm mới vẫn không ngừng tăng lên.
Hiện tại, số bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM đã đứng đầu cả nước. Bài học và kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang đang được tham khảo tại TP.HCM. Cao điểm dịch bùng phát và kết thúc ở Bắc Giang khoảng 60 ngày. Liệu TP.HCM có thể khống chế cơn lây lan virus corona trước ngày 20/7 hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào sự thay đổi phương án tầm soát và ngăn chặn mầm bệnh trong cộng đồng. Vài bất cập có thể thấy rõ từ đầu tháng 6/2021 đến nay là công tác truy vết vẫn nhiều lúng túng, việc sử dụng test nhanh còn hạn chế, quá trình xét nghiệm khá chậm cả khâu lấy mẫu lẫn khâu cho kết quả.
Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP.HCM đưa ra chiến lược: 100% F0 phải được điều tra trong vòng 1 giờ, F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Mục tiêu ấy có thể thực hiện, nếu triển khai đồng bộ các phòng xét nghiệm ở tất cả cơ sở y tế trên địa bàn và ứng dụng công nghệ thông tin để mọi dữ liệu được tổng hợp đầy đủ và ráp nối phân tích với tốc độ bảo đảm hơn.
Càng sàng lọc nghiêm túc thì càng sớm xử lý được F0 chưa có triệu chứng, nhưng để tăng cường kiểm soát F1 phải có biện pháp cách ly phù hợp. Theo các chuyên gia y tế, cần sớm tiêm vắc xin cho người cao tuổi và người có bệnh nền, vì nhóm đối tượng này khi nhiễm Covid-19 sẽ chuyển biến nặng và nguy cơ tử vong cao.
Ca nhiễm tại TP.HCM đã cao hơn Bắc Giang, nhưng mức độ nguy hiểm vẫn chưa lường hết được. Bởi lẽ, TP.HCM là đô thị trung tâm, để chống dịch còn có thêm một nhiệm vụ giảm bớt gánh nặng cho lao động nhập cư. Sau hơn một năm chống dịch, thì túi tiền của người nghèo đã suy kiệt, không thể tiếp tục ngồi yên trong cái đói hành hạ. Gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ cần được rót nhanh đến bữa cơm của người nghèo, thì công tác chống dịch sẽ tăng dấu hiệu tích cực.
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.HCM, có đến 230 nghìn lao động tự do đã bị giảm sâu thu nhập hoặc mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nghĩa là chiến lược chống dịch mới ở TP.HCM vẫn chưa bước qua được nỗi lo cũ về miếng ăn người nghèo.
Những người có lương bổng cố định (dù ít dù nhiều) cũng có thể ung dung tự tại giữa không gian đô thị bị giãn cách xã hội, còn những lao động tự do không thể không nao núng. Những khoản dành dụm của lao động tự do sau một thời gian dài tiêu dè tiêu sẻn cũng không còn nữa. Vì vậy, cần quan tâm thêm, khi người nghèo đô thị đang bất ổn trong cuộc chiến với cái dạ dày, thì cuộc chiến chống Covid-19 không thể “thần tốc” như mong muốn.