| Hotline: 0983.970.780

Cao nguyên Bắc Hà đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai 01/11/2021 , 11:01 (GMT+7)

Chủ động nạo vét, duy tu hệ thống kênh mương và khơi thông dòng chảy đã đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho hàng nghìn hécta đất nông nghiệp ở cao nguyên Bắc Hà.

Cánh đồng lúa ở xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Cánh đồng lúa ở xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Đảm bảo nước cho hàng nghìn hécta đất nông nghiệp 

Huyện Bắc Hà (Lào Cai) nằm ở độ cao khoảng 1000-1500m so với mực nước biển, địa hình chia cắt, dốc và nhiều núi đá vôi. Quanh năm mây phủ khắp núi rừng nên được mệnh danh là cao nguyên trắng. Do điều kiện tự nhiên núi đồi chia cắt nên việc đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ lợi gặp nhiều bất lợi. 

Tuy vậy, đến nay trên địa bàn huyện có tới 205 đập đầu mối, kiên cố; chiều dài kênh mương lên tới 520km. Trong đó, hơn 400km kênh mương đã được bê tông hoá chiếm 77,9%, số còn lại là kênh mương đất… Các công trình này phục vụ tưới tiêu cho khoảng 3.700ha cây trồng các loại như: Lúa vụ đông xuân, lúa vụ mùa, rau màu và nuôi trồng thuỷ sản.

Các công trình thuỷ lợi này luôn đảm bảo đưa đủ nước tới từng mảnh ruộng cho bà con nông dân ở Bắc Hà. Do đó, vụ mùa của bà con luôn bội thu, góp phần ổn định an ninh lương thực trên địa bàn huyện.  

Ông Giàng Củi Chiến ở xã Lùng Phình cho biết, trước kia việc đồng áng khó khăn lắm do nước tưới phải lấy từ khe chảy về, xa lắm. Thế nhưng, từ ngày có kênh thuỷ lợi việc cày cấy, nuôi trồng thuỷ sản thuận lợi hơn nhiều. Đến nay đời sống đã khá hơn, không còn cái đói, cái nghèo đeo đẳng nữa.

Không chỉ được đầu tư về thuỷ lợi, mà người dân còn được hỗ trợ nhiều mặt về khoa học kỹ thuật nên việc canh tác mang lại hiệu quả cao hơn trên mỗi hécta đất nông nghiệp. Giờ đây, trên các nương ruộng bậc thang của bà con ai nấy đều phấn khởi. Họ giúp nhau đổi công để gặt lúa vụ mùa cho kịp trước khi mưa bão đến.

Để duy trì được hệ thống kênh mương hoạt động ổn định, tại huyện Bắc Hà hiện có 117 tổ quản lý, vận hành. Tham gia vào các tổ này là những người có uy tín trên địa bàn được bà con chọn ra. Các tổ đảm bảo việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa ngay những hỏng hóc nhỏ trên hệ thống kênh mương thuỷ lợi.

Cánh đồng trồng dược liệu của người dân Bắc Hà. Ảnh: H.Đ

Cánh đồng trồng dược liệu của người dân Bắc Hà. Ảnh: H.Đ

Không để phát sinh các vi phạm công trình thuỷ lợi 

Bà Lục Thị Thuỷ, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho hay, cơ bản các công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện sau đầu tư đều mang lại hiệu quả cao, đảm bảo cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho người dân. Các công trình thuỷ lợi góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu thiên tai xảy ra.

Các công trình được đầu tư trên còn chưa đáp ứng được việc kiên cố. Thực trạng của hệ thống kênh mương hiện có trên địa bàn các xã, thị trấn, một số công trình được đầu tư xây dựng từ trước năm 2.000, nay nhiều công trình đã bắt xuống cấp. Trong khi vốn đầu tư sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới rất hạn chế gây khó khăn trong công tác vận hành, khai thác sử dụng và quản lý công trình. 

Ngoài ra, do là vùng cao, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, cải tạo các công trình sau đầu tư còn hạn chế nên việc duy tu, bảo dưỡng cũng phần nào gặp khó khăn nhất định.

Tuy vậy, phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện Bắc Hà chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng; 

Hướng dẫn các xã thành lập các tổ quản lý, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình và thực hiện kịp thời việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa những hư hỏng nhỏ.

6 tháng đầu năm 2021 phòng NN-PTNT huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn tổ thủy nông các xã, thị trấn thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành và sửa chữa nhỏ thường xuyên các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt tập trung.

Do các công trình thuỷ lợi thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng nên đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa phát sinh những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi và cấp nước sinh hoạt. 

Một số công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi không ảnh hưởng đến an toàn năng lực, hiệu quả phục vụ tưới của công trình (công trình đưa vào sử dụng trước khi Luật thủy lợi và Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ban hành). 

  • Tags:
Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.