| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng: Đảm bảo nước tưới cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp nơi biên cương

Thứ Năm 28/10/2021 , 19:35 (GMT+7)

Tỉnh Cao Bằng xác định, việc đảm bảo hoạt động của các tuyến kênh mương, thủy lợi nơi biên giới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Hồ Bản Viết là công trình thủy lợi lớn nhất xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh. Ảnh: T.L.

Hồ Bản Viết là công trình thủy lợi lớn nhất xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh. Ảnh: T.L.

Phong Châu là xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng từ năm 2016. Là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng kỹ thuật, đưa các giống lúa, ngô, cây trồng mới năng suất, chất lượng vào sản xuất.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn để có kế hoạch tu sửa, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo nước tưới tiêu cho người dân sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn xã Phong Châu hiện có 40 công trình thủy lợi (1 hồ, 20 kênh mương, 19 phai). Toàn xã có hơn 10 km kênh, mương được kiên cố hóa đạt tiêu chuẩn. Các công trình thủy lợi ở xã có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 350 ha đất nông nghiệp.

Hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư đảm bảo tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp các xã, thị trấn của huyện Trùng Khánh. Ảnh: C.H.

Hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư đảm bảo tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp các xã, thị trấn của huyện Trùng Khánh. Ảnh: C.H.

Trước đây, người dân chỉ sản xuất được một vụ, năng suất lúa lại thấp, không đủ ăn quanh năm nên cái đói, cái nghèo cứ vây quanh. Mấy năm gần đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, bà con đã chuyển từ sản xuất lúa một vụ sang làm lúa hai vụ, một số diện tích còn xen canh ba vụ. Nguồn nước tưới được đảm bảo, năng suất lúa, ngô tăng cao, từ đó cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện.

Ông Đàm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh thông tin: Việc nắm rõ lịch để hướng dẫn bà con lấy nước đổ ải, nước chăm sóc cho diện tích nông nghiệp, có kế hoạch sửa chữa, nạo vét cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mới và hệ thống kênh mương và thủy lợi nội đồng luôn được địa phương chủ động.

Cùng với Phong Châu, hệ thống kênh mương thủy lợi ở xã Đàm Thủy cũng được huyện Trùng Khánh quan tâm đầu tư, nâng cấp thời gian qua. Toàn xã có hơn 44 km kênh mương được cải tạo, nâng cấp, bảo đảm tưới tiêu thường xuyên cho 100% diện tích đất nông nghiệp.

Ông Nông Ích Tam, xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy chia sẻ: Trước đây cứ đến mùa khô là người dân trong xóm thường xuyên thiếu nước sản xuất. Nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện thời gian qua, các công trình thủy lợi được kiên cố hóa, người dân thoải mái canh tác 2 vụ lúa mỗi năm, đảm bảo lương thực phục vụ cuộc sống.

Nhiều địa phương có thể canh tác hai vụ lúa/năm nhờ hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa. Ảnh: T.L.

Nhiều địa phương có thể canh tác hai vụ lúa/năm nhờ hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa. Ảnh: T.L.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Trùng Khánh có 681 công trình thủy lợi, với 7 hồ, 232 đập, hơn 400 kênh, mương, phai. Có hơn 360 km kênh mương kiên cố; hơn 222 km kênh đất. Các công trình thủy lợi của huyện đang phục vụ cho tưới tiêu cho trên 20.000 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 5.000 ha lúa, ngô.

Các công trình thủy lợi sau đầu tư được bàn giao cho UBND các xã, tổ quản lý thủy nông, cộng đồng thôn bản quản lý, bảo dưỡng và vận hành. Huyện đã thành lập được Ban Quản lý thủy nông cấp huyện; hơn 40 ban, tổ quản lý thủy nông tại các xã, thị trấn với hơn 350 người trực tiếp quản lý, vận hành.

Huyện Trùng Khánh đã tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi. Để các công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị chức năng, chính quyền các xã tổ chức kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của các công trình thủy lợi và nhu cầu dùng nước của các cánh đồng. Qua đó xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất cụ thể cho từng vùng.

Với đặc thù của huyện vùng cao, biên giới, điều kiện địa hình phức tạp, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư nằm trên vùng núi cao, vực sâu, vào mùa mưa lũ thường gây thiệt hại đến các công trình. Nguồn vốn để duy tu, sửa chữa hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Toàn huyện có 136 công trình thủy lợi bị hư hỏng, làm giảm năng lực tưới tiêu.

Hồ Bản Đà cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 80 ha đất nông nghiệp của nhiều xóm ở thị trấn Trùng Khánh. Ảnh: C.H.

Hồ Bản Đà cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 80 ha đất nông nghiệp của nhiều xóm ở thị trấn Trùng Khánh. Ảnh: C.H.

Công tác quản lý, vận hành các công trình thuỷ lợi của các Ban thuỷ lợi xã, tổ thuỷ lợi bản nhiều nơi chưa thực sự phát huy vai trò, một số công trình chưa được quan tâm phát quang, nạo vét tuyến kênh theo định kỳ... đang là nỗi lo trong việc vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống thuỷ lợi hiện có. Vận dụng linh hoạt các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới các hệ thống công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các hệ thống tưới cho cánh đồng có diện tích tập trung. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng, bảo trì vận hành công tác thuỷ lợi.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Đây sẽ là cơ sở để người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...