| Hotline: 0983.970.780

Cao su Tây Bắc - 10 năm mòn mỏi, đợi chờ

Thứ Tư 20/03/2019 , 08:49 (GMT+7)

Phát triển cây cao su tại Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung là chủ trương lớn, không chỉ mang ý nghĩa tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn đóng vai trò quan trọng về xã hội, môi trường...

16-04-57_3
Nhiều vườn cao su ở xa đường giao thông ngập trong cỏ dại

Tuy nhiên đến nay, sau 10 năm triển khai, nhiều nơi đang nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm có giải pháp để phát triển cây cao su bền vững, ổn định đời sống người dân góp đất trồng cao su.
 

Ngóng 10 năm, nhận 200 nghìn đồng!

Không ít nơi ở Sơn La, đất canh tác vốn đã eo hẹp, trong khi đằng đẵng 10 năm qua, phần lớn diện tích đã được góp cổ phần để trồng cao su nên người dân góp đất từng ngày mong tới lúc cao su cho thu hoạch mủ để được chia sản phẩm. Thế nhưng, sự tụt giảm giá cao su kéo dài triền miên khiến thành quả mà họ được hưởng sau 10 năm mỏi mòn chờ đợi thật sự ngao ngán.

Xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu) thuộc những địa phương đầu tiên ở Sơn La triển khai chương trình trồng cây cao su, tập trung trong 2 năm 2008 - 2009. Toàn xã có 23 bản SX nông nghiệp thì 12 bản có diện tích đất góp cổ phần trồng cao su với Cty Cổ phần Cao su Sơn La. Ở nhiều bản đất nương, đất đồi dư giả, lại có diện tích đất góp trồng cao su ít nên vẫn còn diện tích đất để trồng các loại cây khác (ngô, sắn, cây ăn quả, mía, cà phê...).

Tuy nhiên ở nhiều bản, điển hình như các bản Thẳm A, Thẳm B, bản Lạnh..., nhiều hộ dân đã góp phần lớn diện tích đất canh tác để trồng cao su thì 10 năm nay, họ chỉ còn biết từng ngày trông cho cây cao su sớm đến ngày thu mủ để phần nào xoay sở cuộc sống.

Anh Lò Văn Hòa, trưởng bản Thẳm B (xã Tông Lạnh) ngán ngẩm kể: Bản có 133 hộ dân thì có tới 105 hộ tham gia góp đất trồng cao su, với tổng diện tích trên 66ha, hộ nhiều nhất gần 2ha, có hộ chỉ 0,2 – 0,3ha. Thẳm B là bản đất chật người đông, diện tích đất đồi bình quân trước đây chỉ trên dưới 0,5 ha/hộ. Từ năm 2008 đến nay, khi phần lớn đất đồi, đất nương rẫy đã góp trồng cao su, người dân chỉ còn biết trông chờ vào diện tích đất trồng 2 vụ lúa ít ỏi (bình quân chỉ 180 m2/khẩu).

16-04-57_1
Anh Lò Văn Hòa (trái), Trưởng bản Thẳm B cho phóng viên xem danh sách những hộ nhận tiền chi trả sản phẩm mủ cao su trong 2 năm 2017 - 2018

Theo hợp đồng góp đất trồng cao su với Cty CP Cao su Sơn La, các hộ dân góp đất sẽ được hưởng 10% giá trị sản phẩm khi cây cao su cho khai thác mủ. Sau khi cạo thử vào năm 2016, bắt đầu từ năm 2017, những diện tích cao su đầu tiên ở xã Tông Lạnh đã được đưa vào khai thác mủ. Tuy nhiên, do diện tích đạt tiêu chuẩn đưa vào khai thác còn chiếm tỉ lệ quá ít, cộng với giá mủ cao su quá thấp, nên tính đến hết năm 2018, số tiền mà các hộ dân được hưởng từ khai thác mủ khiến họ vô cùng thất vọng!

Trưởng bản Lò Văn Hòa lục lọi trong mớ giấy tờ liên quan tới thủ tục góp đất trồng cao su, đưa cho chúng tôi xem danh sách các hộ dân trong bản được chi trả tiền khai thác mủ cao su trong 2 năm 2017 - 2018.

Theo đó, hộ góp đất trồng cao su nhiều nhất bản như hộ ông Lò Văn Triệu, có diện tích đất góp xấp xỉ 2ha, nhưng tổng diện tích đưa vào khai thác mủ trong 2 năm 2017 và 2018 mới chỉ đạt 0,78ha, với tổng số tiền được chi trả hơn 600 nghìn đồng; hộ ông Lò Văn Diệu, diện tích đất góp 1,8ha nhưng năm 2018 mới chỉ khai thác mủ trên diện tích 0,05ha, với số tiền được chi trả chỉ có 37.000 đ... Những hộ khác, có diện tích đất góp từ 0,2ha đến 1ha/hộ, mới chỉ nhận được số tiền chi trả từ 100.000 – 200.000 đ/hộ, cá biệt có những hộ chỉ mới được chi trả 2.000 – 3.000 đ/hộ.

Theo tổng hợp ở bản Thẳm B (xã Tông Lạnh), mặc dù đa số được trồng từ 2008 - 2009, tuy nhiên tổng cộng cả 2 năm 2017 và 2018, mới chỉ có hơn 6,4ha cao su được đưa vào khai thác, chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất góp trồng cao su của cả bản.

“Gia đình thuộc diện cây cao su được chăm sóc tốt, nên trong tổng số đất góp 0,3ha, đến năm 2018 đã cho khai thác toàn bộ diện tích, nhưng số tiền được hưởng từ sản phẩm cả 2 năm 2017 - 2018 mới chỉ được 235.000 đ. Đầu năm 2019 khi được trả tiền sản phẩm, nhiều hộ phải đi xe máy 3 - 4 km lên đến điểm nhận tiền, mà số tiền chỉ có vài chục nghìn đồng nên nhiều hộ thậm chí còn chẳng buồn tới nhận” – anh Lò Văn Hòa chán nản.
 

Trồng 9 - 10 năm, chỉ mới khai thác 10%

Những hộ dân góp đất trồng cao su ở Tông Lệnh, dù ít dù nhiều đã được thu hoạch mủ còn đỡ lo, chứ những hộ cao su đến nay vẫn chưa thể khai thác mủ thì lo ngay ngáy.

Năm 2008, anh Quàng Văn Dính, trưởng bản Thẳm A (xã Tông Lệnh) dồn hết gần 0,6ha đất đồi vào trồng cao su, thế nhưng đến năm 2019 này, không hiểu vì nguyên nhân gì, diện tích cao su của anh vẫn chưa được Nông trường cao su Châu Thuận (thuộc Cty Cổ phần Cao su Sơn La) tiến hành cạo mủ. Vườn cao su thuộc diện tích đất góp của gia đình anh Dính cách nhà 3 - 4km, tận giáp xã Tòng Cọ, nhiều vườn cây dại, thực bì ngập đầu, có cây cao su mới chỉ lớn cỡ bắp tay.

Dính bảo, may có nhà báo về hỏi về chuyện cao su nên mới biết vườn cao su nhà mình đang thế nào, chứ đã từ lâu lắm anh chẳng còn lên vườn cao su, bởi tất tần tật công việc chăm sóc cao su đều do phía Nông trường Châu Thuận tổ chức làm, người dân chẳng có việc gì để lên đó.

16-04-57_2
Anh Quàng Văn Dính (bản Thẳm A, xã Tông Lạnh) bên vườn cao su gần 0,6ha của gia đình chưa biết khi nào cho khai thác mủ

Ngẩn ngơ bên vườn cao su, Quàng Văn Dính kể rằng khi chưa góp đất trồng cao su, 0,6ha đất của anh được trồng sắn, mỗi năm thu 6 - 7 tấn, rồi quay vòng phục vụ chăn nuôi lợn. Nhờ đó trong nhà lúc nào cũng có hàng chục lợn thịt, vài lợn nái, vài trăm con gà. Mười năm qua, đất đồi không còn nữa, nhà 4 miệng ăn, chỉ còn biết trông vào 2 sào lúa, ngay đất trồng cỏ để nuôi 4 con bò cũng kiếm không ra, phải đi mua lá mía của các vùng lân cận. Đây cũng đang là cảnh ngộ chung của gần 100 hộ dân góp đất trồng cao su (với tổng diện tích 43ha) ở bản Thẳm A, khi cả bản gần như chỉ còn biết trông vào tổng cộng 6,5ha đất lúa.

Chủ tịch UBND xã Tông Lệnh, ông Lò Văn Sâm bảo rằng, cái được lớn nhất sau 10 năm triển khai trồng cây cao su, đó là môi trường được cải thiện, các mó nước (mạch nước ngầm) trong xã lúc nào cũng đầy ắp, chứ không cạn kiệt như xưa. Cao su tới đâu, hạ tầng đường sá, trường mầm non, nhà văn hóa đi tới đó, các hoạt động từ thiện, cho vay vốn hỗ trợ người dân trồng cao su cũng được triển khai thường xuyên... Tuy nhiên đến nay, thu nhập và sinh kế cho người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn xã vẫn là một vấn đề đau đầu, nhất là trong hoàn cảnh nhiều diện tích cao su vẫn chưa thể đưa vào khai thác mủ, dù tuổi đời đã 9 - 10 năm.

Bên cạnh đó, số diện tích đã cho khai thác mủ nhưng số tiền mà người dân góp đất nhận được hàng năm lại đang quá ít ỏi do giá cao su hạ thấp, một phần do năng suất mủ ở những giai đoạn đầu còn thấp. Tuy nhiên, điều mà ông Sâm lo lắng nữa, đó là khâu quản lí, chăm sóc vườn cây của các đơn vị trồng cao su cần phải chặt chẽ hơn nữa để sớm đưa vườn cây vào khai thác nhằm sớm có thu nhập cho người dân góp đất.

Cây rất bé dù tuổi đời đã 10 năm

Do địa hình dốc, các lô cao su tại địa bàn xã có diện tích ở tận lưng chừng đồi. Chúng tôi đã điều tra, tìm hiểu, có tình trạng công nhân ở các đội cao su không được quản lí chặt, không bón đều phân bón cho từng lô, mà chỉ tập trung phân bón ở các diện tích cao su dưới thấp cho dễ tốn công, khiến các diện tích trên cao rất xấu, dù tuổi đời đã 9 - 10 năm nhưng vanh thân vẫn chưa đạt yêu cầu để khai thác mủ, trong khi đó theo tiêu chuẩn, cao su trồng tại Tây Bắc từ năm thứ 8 đã có thể khai thác mủ. Ngay gia đình tôi có diện tích đất góp trồng cao su 3ha, trồng từ 2008, đến nay cũng chưa thấy nông trường cạo mủ.

(Ông Lò Văn Sâm)

 

Xem thêm
Thả 3 cá thể khỉ đuôi lợn quý hiếm về tự nhiên

Sau khi người dân tự nguyện giao nộp, 3 cá thể khỉ đuôi lợn đã được chăm sóc khỏe mạnh trước khi thả về tự nhiên để bảo tồn gen động vật quý hiếm.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm