| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn tiếp cận chính sách lớn [Bài 1]: Chiếc áo quá rộng hay tâm lý sợ sai?

Chủ Nhật 22/10/2023 , 05:49 (GMT+7)

Nghệ An trầy trật thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, càng mở rộng biên độ vướng mắc càng nảy sinh.

Chương trình mang đến kỳ vọng lớn lao cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Việt Khánh.

Chương trình mang đến kỳ vọng lớn lao cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Việt Khánh.

Chậm tiến độ trầm trọng

Ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025.

Chương trình hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tinh thần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia…

Nâng cao mức sống của đồng bào, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi là mục tiêu hướng đến. Ảnh: Việt Khánh.

Nâng cao mức sống của đồng bào, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi là mục tiêu hướng đến. Ảnh: Việt Khánh.

Tại Nghệ An, không phủ nhận chương trình bước đầu đã góp phần thay đổi đời sống của đồng bào ở những nơi được thụ hưởng, thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 của vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 3,63% so với năm 2021. Tuy nhiên tỉnh này hoàn toàn có thể làm tốt hơn nếu không vướng những… rào cản vô hình.

Chẳng hẹn mà gặp, chính quyền các cấp (UBND tỉnh Nghệ An, các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu…) cũng các đơn vị liên quan (Ban Dân tộc, Sở NN-PTNT, Sở Y tế…) đều cảm thấy bối rối và trầy trật thực sự khi thực hiện chương trình này, đáng nói càng mở rộng biên độ rắc rối càng thi nhau nảy sinh.

Xoay quanh những nội dung mang tính hóc búa, ngày 27/6/2023 UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Đoàn Giám sát của Quốc hội, khẳng định đây là chương trình mới, lần đầu được Quốc hội thông qua và chưa có tiền lệ. Một số văn bản của các Bộ, ngành ban hành chậm, mất nhiều thời gian nghiên cứu. Số lượng cán bộ làm công tác dân tộc tại các thôn, bản, xã còn thiếu, năng lực chuyên môn, trình độ hạn chế… Những nút thắt nêu trên khiến công tác chỉ đạo, điều hành tại một số ngành, địa phương còn lúng túng, kéo theo tiến độ giải ngân nguồn vốn quá chậm, đạt tỷ lệ thấp.

Tuy nhiên nhiều nơi đang 'vỡ mộng' vì chính sách lớn chưa lan tỏa như kỳ vọng. Ảnh: Việt Khánh.

Tuy nhiên nhiều nơi đang "vỡ mộng" vì chính sách lớn chưa lan tỏa như kỳ vọng. Ảnh: Việt Khánh.

Từ quá trình tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thấy rằng quy mô, phạm vi thực hiện chương trình này quá lớn, quá dàn trải với hàng loạt dự án, tiểu dự án thành phần, đan xen nhiều nội dung mới mẻ nhưng hóc búa, khó nhằn, trong khi các Thông tư, Văn bản hướng dẫn thiếu tính nhất quán, chưa sát thực tế, tựu chung như bức tường cao án ngữ ngay trước mặt các đơn vị thực thi.

Chương trình đã đi được 2 năm nhưng nhiều nút thắt đến nay chưa được tháo gỡ, tâm trạng vừa làm vừa lo ngay ngáy bao trùm rộng khắp làm ảnh hưởng trầm trọng đến kế hoạch chung. Những con số thống kê đã lột tả bản chất của vấn đề, trong năm 2022 và 2023 Nghệ An được giao trên 2.269 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đạt lần lượt trên 1.124 tỷ đồng và 1.143 tỷ đồng. Mặc dù cả 2 nguồn vốn đã được UBND tỉnh giao cơ bản đến tay các huyện, có điều công tác giải ngân rất thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp.

Ghi nhận đến giữa tháng 8/2023, kết quả giải ngân vốn sự nghiệp toàn tỉnh chưa nổi 39 tỷ đồng, chỉ đạt 3,37% tổng kế hoạch được giao. Trong 2 tháng kế tiếp nhịp độ phần nào được đẩy nhanh hơn nhưng chẳng nói lên nhiều điều, chắc chắn với đà này nhiều huyện sẽ phải… trả vốn.

Vừa làm vừa lo ngay ngáy

Tỉnh Nghệ An khẳng định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các khoản 4, 5, 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (mức hỗ trợ và và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Dự án 4).

Đây là các danh mục công trình quan trọng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế xã hội. Theo quy định phải lập dự án đầu tư của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng. Tổng mức đầu tư phụ thuộc vào quy mô của từng công trình (đối với loại công trình cấp nước, công trình chợ), cấp công trình (đường giao thông đến trung tâm xã) và điều kiện cụ thể tại nơi xây dựng. Do đó dễ xảy ra trường hợp dự án có suất đầu tư/ công trình/ km đường giao thông lớn hơn quy định cho phép, muốn làm được phải xin chủ trương điều chỉnh, rất mất thời gian.

Mặt khác Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ban hành và có hiệu lực sau thời điểm tỉnh Nghệ An đã hoàn thành giao vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch vốn năm 2022, 2023 chi tiết cho các dự án, đó là cái khó cho tỉnh này.

Quá nhiều rào cản, nút thắt kìm hãm người nghèo tiếp cận chính sách lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Quá nhiều rào cản, nút thắt kìm hãm người nghèo tiếp cận chính sách lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Dưới góc độ bao quát chung, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra hàng loạt lực cản nổi cộm, như: Chưa có quy định về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất cộng đồng để thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3; Văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa rõ, chưa cụ thể, hoặc khó thực hiện (Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy Ban Dân tộc; Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính); đối tượng thụ hưởng của một số dự án chưa phù hợp với tình hình thực tế (Tiểu dự án 1, Dự án 3; Tiểu dự án 3, Dự án 5).

Hướng dẫn thực thi chưa khúc chiết, tính pháp lý chưa đảm bảo thành thử tâm lý thận trọng được đề cao hơn cả, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung của toàn tỉnh, đồng thời kìm hãm “giấc mơ thoát nghèo” của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi vốn dĩ đang quay cuồng trong bộn bề gian khó.

Lấy Tương Dương làm lát cắt điển hình, huyện này có 4 xã giáp biên giới với chiều dài đường biên khoảng 67 km. Nơi đây địa hình phức tạp, đồi núi dốc, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối dày đặc. Hàng năm chịu tác động liên hồi từ thiên tai và quá trình vận hành của các công trình thủy điện khiến đời sống của đồng bào bị xáo trộn nặng nề, đói nghèo còn đeo bám dai dẳng, thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo trên 34%, tương đương hơn 6.200 hộ dân.

Cũng bởi nghèo, chưa thể tự lực cánh sinh nên Tương Dương vẫn đang được thụ hưởng các chế độ chính sách của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn lực từ các chương trình rất lớn, tiếc thay huyện này chưa tận dụng được triệt để. Trên thực tế, xuyên suốt quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tương Dương đứng ở vị trí “đội sổ”.

Tiến độ chung tại huyện Tương Dương quá chậm. Ảnh: Việt Khánh.

Tiến độ chung tại huyện Tương Dương quá chậm. Ảnh: Việt Khánh.

Nội dung khó nhằn bậc nhất đối với Tương Dương và các huyện miền núi nói chung đến từ Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiểu dự án 1 có đến 6 nội dung nhưng các huyện không thể “tải” hết, thực chất chỉ triển khai được 40 - 50% kế hoạch.   

Riêng huyện Tương Dương mới bắt tay thực hiện được 3/6 nội dung nhưng kết quả thực sự đáng lo, đầu mục “hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng” do trình tự các bước kéo dài lê thê nên kinh phí năm 2022 vẫn chưa đến tay dân bản, trong khi hồ sơ thủ tục của năm 2023 đang trong quá trình hoàn tất. Nội dung “trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng” còn thê thảm hơn nhiều, đến nay tình hình chuyển biến tựa rùa bò.

Xét thấy nhiều hạng mục không khả thi, mới đây Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Đinh Hồng Vinh đã ký văn bản đề xuất điều chuyển, giảm kế hoạch vốn sự nghiệp 2 năm 2022 và 2023 tổng số tiền trên 140 tỷ đồng, chưa kể 14,5 tỷ đồng khác của nguồn vốn đầu tư.

Đáng buồn thay, thực trạng hẩm hiu còn “lan” sang các huyện miền núi khác như Kỳ Sơn, Con Cuông hay Quỳ Châu. Dở khóc dở cười hơn cả là huyện Thanh Chương, từ kết quả giải ngân “không đồng” của năm 2022, đơn vị này quyết định không đăng ký kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 1 trong năm 2023.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.