| Hotline: 0983.970.780

Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

Thứ Sáu 19/04/2024 , 09:16 (GMT+7)

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Các ngành chức năng của huyện Trạm Tấu đang sẵn sàng các phương án phòng chống cháy rừng ở mức độ cao nhất. Ảnh: Thanh Tiến.

Các ngành chức năng của huyện Trạm Tấu đang sẵn sàng các phương án phòng chống cháy rừng ở mức độ cao nhất. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã xảy ra hai vụ cháy rừng tại các xã Bản Mù và Túc Đán, làm thiệt hại khá nhiều diện tích rừng.

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, trong đó chủ yếu do người dân bất cẩn khi đốt nương rẫy dẫn đến cháy rừng gây thiệt hại lớn, mặc dù trước đó nhiều người đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm bất cẩn của mình.

Không đốt nương trong ngày nắng nóng, khô hanh

Anh Phàng A Trư ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu có khoảng 0,7 ha nương rẫy gần rừng, năm nay anh Trư dự định phát quang cây dại, lau lách sau đó đốt nương để lấy đất trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc.

Được sự tuyên truyền của cán bộ kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã, anh Phàng A Trư đã dừng việc đốt nương trong mùa khô hanh. Thay vì xử lý thực bì bằng lửa, gia đình anh phát cỏ dại, lau lách sau đó thu gọn vào ven để lấy đất trồng cỏ voi. Biện pháp này tốn công lao động hơn nhưng đảm bảo an toàn cho diện tích rừng liền kề trong những ngày nắng nóng, khô hanh.

Anh Trư chia sẻ, trưởng thôn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ và lực lượng kiểm lâm địa bàn đã đến tận nhà dân để tuyên truyền thực hiện các biện pháp an toàn khi canh tác nương rẫy, không đốt nương làm rẫy trong mùa khô hanh nắng nóng để phòng cháy rừng.

Nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn mang lại lợi ích cho cả cộng đồng nên gia đình anh và các hộ dân trong thôn bản vui vẻ cam kết thực hiện theo quy định. Trong điều kiện an toàn, sẽ thực hiện đốt nương dưới sự hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm, dọn sạch thực bì trước khi đốt và thông báo cho nhiều người đi cùng để chủ động xử lý khi lửa cháy to.

Các hộ dân được cán bộ kiểm lâm địa bàn đến tận nhà tuyên truyền không đốt nương làm rẫy trong thời điểm nắng nóng để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Các hộ dân được cán bộ kiểm lâm địa bàn đến tận nhà tuyên truyền không đốt nương làm rẫy trong thời điểm nắng nóng để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Cũng như nhiều xã vùng cao trong huyện, người dân xã Bản Công vẫn còn duy trì canh tác nương rẫy trong sản xuất nông nghiệp. Những mảnh nương gần rừng, sát bìa rừng luôn tiềm ẩn nguy cao xảy ra cháy lan vào rừng nếu không thực hiện tốt quy trình đốt nương an toàn. Ngay khi bước vào mùa hanh khô, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn phối hợp với kiểm lâm địa bàn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ rà soát toàn bộ nương rẫy trong rừng, ven rừng. Tổng hợp bằng danh sách cụ thể, chi tiết về địa danh, địa điểm, vị trí, trạng thái thực bì trên mảnh nương, chủ nương, số điện thoại để quản lý.

Ông Hảng A Hành -  Phó chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết, xã đã phân công các tổ công tác phối hợp với các thôn bản và ngành chức năng đi từng thôn để thống kê, rà soát các mảnh nương của người dân ở gần rừng bìa rừng. Niên vụ này, trên địa bàn có tất cả 25 mảnh nương của bà con canh tác gần rừng, đến nay có 2 mảnh bà con đã đốt, còn lại được sự tuyên truyền vận động nên người dân đã dừng việc đốt nương để tránh xảy ra cháy lan vào rừng.

Quản lý chặt chẽ nương rẫy

Huyện Trạm Tấu có địa hình phức tạp, giáp ranh nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh Sơn La, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn vẫn diễn ra. Toàn huyện hiện có hơn 45.000 ha đất có rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 34.000 ha và gần 12.000 rừng sản xuất.

Các lực lượng phát đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Các lực lượng phát đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian qua, các khu rừng trên địa bàn luôn là điểm nóng về cháy rừng vì nơi đây mùa khô kéo dài từ tháng 9 năm trước cho đến tháng 5 năm sau, cộng với gió Lào và khí hậu hanh khô nên chỉ cần chủ quan trong việc sử dụng củi lửa trong rừng là có thể gây cháy cả một khu rừng.

Ngoài ra do địa hình hiểm trở nên mỗi khi cháy rừng thường gây ra cháy lớn và lan rộng, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, phải mất rất nhiều năm và tốn nhiều kinh phí, công sức mới có thể phục hồi lại được tài nguyên rừng.

Thực tế trong các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện trong những năm qua hầu hết đều do lửa cháy lan từ việc đốt nương của bà con gây ra. Do vậy UBND huyện Trạm Tấu đã xây dựng các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Tích cực ngăn chặn tình trạng chặt, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đốt nương gây cháy rừng.

Yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ nương rẫy ven rừng, gần rừng một cách cụ thể chi tiết để quản lý. Thường xuyên tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân đốt nương an toàn, nghiêm cấm hành vi mang lửa vào rừng trong những ngày nắng nóng.

Ông Nguyễn Duy Sơn - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết, đơn vị thường xuyên chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn duy trì ứng trực 24/24h tại địa bàn, nắm bắt kịp thời thông tin khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện tốt công tác quản lý nương rẫy, nghiêm cấm bà con đốt nương trong thời gian cao điểm có nguy cơ cháy rừng.

Vận động toàn dân ký cam kết bảo vệ rừng

Ngoài ra, huyện Trạm Tấu đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững ở các xã, thị trấn bằng việc thành lập 12 tổ cơ động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở các địa phương với hơn 250 thành viên.

Tại các thôn, bản xây dựng phương án PCCCR và thành lập 55 tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR với tổng số 536 người. Xây dựng lịch trực PCCCR, sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức họp thôn, cho gần 6.400 hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR.

Huyện Trạm Tấu đã thành lập các tổ cơ động bảo vệ rừng, PCCCR ở các địa phương, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi cháy rừng xảy ra. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện Trạm Tấu đã thành lập các tổ cơ động bảo vệ rừng, PCCCR ở các địa phương, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi cháy rừng xảy ra. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng gắn với việc PCCCR, ký cam kết với từng hộ dân, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ và các địa phương hướng dẫn bà con xử lý thực bì bằng biện pháp đốt có kiểm soát. Đầu tư thiết bị, dụng cụ PCCCR, các công cụ thủ công như vỉ dập lửa, dao phát cấp trực tiếp cho các thôn; tập kết các thiết bị cơ giới sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi cháy rừng xảy ra.

Ông Phạm Thành Đô - Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết thêm, nguyên nhân xảy ra cháy rừng ở địa bàn chủ yếu do việc người dân bất cẩn trong việc sử dụng lửa. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền như họp thôn, cho người dân ký cam kết không đốt nương trong những ngày nắng nóng. Quản lý chặt chẽ người vào rừng trong mùa khô hanh để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, triệt để”, huyện Trạm Tấu chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình thời tiết để dự báo, cảnh báo cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng đến địa bàn và các chủ rừng để người dân biết và phòng ngừa. Xây dựng, tu sửa hệ thống biển cấp dự báo cháy rừng, chòi canh lửa ở những vị trí xung yếu có tầm nhìn hợp lý, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống quan sát để theo dõi. Lập bản đồ xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cháy cao, từ đó có giải pháp phù hợp với từng khu vực, địa bàn một cách hiệu quả nhất.

Xem thêm
Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.