| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn tiếp cận chính sách lớn

Bài 4: Rừng đặc dụng nằm ngoài lề, tiếng thở dài từ đại ngàn xanh thẳm

Thứ Sáu 27/10/2023 , 08:21 (GMT+7)

Ban quản lý rừng đặc dụng không thuộc đối tượng được thụ hưởng khiến kế hoạch chung bị xáo trộn nặng nề, quyền lợi của các hộ nhận khoán cũng ảnh hưởng theo.

Hơn trăm ngàn ha rừng đặc dụng tại Nghệ An chỉ được hỗ trợ định mức 100.000 đồng/ha từ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Hơn trăm ngàn ha rừng đặc dụng tại Nghệ An chỉ được hỗ trợ định mức 100.000 đồng/ha từ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Khoảng trống khó bù đắp

Sở NN-PTNT Nghệ An đã nhiều lần nêu khó khăn, vướng mắc xoay quanh quá trình triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mấu chốt bắt nguồn từ sự chồng chéo không đáng có trong các văn bản pháp quy. Quyết định số 1719/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính đều thể hiện nội dung hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ NN-PTNT không thấy bóng dáng các Ban quản lý rừng đặc dụng – đơn vị sự nghiệp công lập.

Kinh phí hỗ trợ bèo bọt sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng đặc dụng. Ảnh: Việt Khánh.

Kinh phí hỗ trợ bèo bọt sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng đặc dụng. Ảnh: Việt Khánh.

Thực hiện đúng Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT thì việc khoán bảo vệ rừng đặc dụng tại các xã khu vực II, khu vực III phải lấy từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với mức hỗ trợ chỉ 100.000 đồng/ha/năm để áp dụng cho đối tượng thuộc nội dung Tiểu dự án 1 với mức khoán là 400.000 đồng/ha/năm. Chồng chéo kéo theo tâm lý bất an của các chủ rừng và hàng ngàn hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng.

Tỉnh Nghệ An sở hữu trên 172.360 ha rừng đặc dụng, trong đó diện tích phân bổ tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III được giao cho các Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý là 168.571 ha, chiếm đến 98%.

Trừ những diện tích các đơn vị này tự quán xuyến, nhu cầu khoán bảo vệ rừng đặc dụng cho các hộ gia đình đạt con số “khủng” 81.800 ha, cộng thêm 7% kinh phí quản lý, ước tổng nhu cầu để chi trả theo đúng chính sách phải vượt ngưỡng 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi áp dụng Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT số tiền tối đa chỉ khoảng 17 tỷ đồng, như vậy cân đối vẫn thiếu hơn phân nửa.

Chủ rừng thiếu tiền thì quyền lợi của hộ nhận khoán sẽ ảnh hưởng. Ảnh: Việt Khánh.

Chủ rừng thiếu tiền thì quyền lợi của hộ nhận khoán sẽ ảnh hưởng. Ảnh: Việt Khánh.

Trước đó nữa, thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp, toàn bộ nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng (bao gồm của các Ban quản lý rừng đặc dụng) đã được Sở NN-PTNT xây dựng trong kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3. Đáng nói hơn, căn cứ Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị Quyết số 05/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết thông qua sau đó đã phân bổ hơn 163 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp. Ngặt nỗi nếu chiếu theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT thì không giải ngân được số tiền này, trong khi nguồn thay thế từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm ngược bền vững không đủ để các chi trả tiền khoán bảo vệ rừng đặc dụng.   

Giật gấu vá vai

Ông Nguyễn Diên Quang, Phó Hạt trưởng Vườn Quốc gia Pù Mát thông tin, đơn vị có khoảng 95.000 ha rừng đặc dung, nếu áp theo định mức 500 ha/kiểm lâm phải có đủ 190 người mới cáng đáng nổi, tuy nhiên Vườn chỉ có 71 kiểm lâm trực tiếp gánh gồng, nhiều người lại luống tuổi nhưng chưa có sự thay thế tương xứng đáng.

Lực lượng tham gia bảo vệ rừng thiếu hụt trầm trọng bắt buộc phải tiến hành ký kết các hợp đồng khoán bảo vệ để san sẻ gánh nặng. Nếu được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ dễ thở hơn nhiều, khi đó Vườn Quốc gia Pù Mát dễ dàng giao khoán đến tay người dân khoảng 50.000 ha như kế hoạch đã định.

Công tác giữ rừng nơi đại ngàn Pù Mát không hề giản đơn. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác giữ rừng nơi đại ngàn Pù Mát không hề giản đơn. Ảnh: Việt Khánh.

Thế nhưng “bước ngoặt” bất chợt khiến chủ rừng phải triển khai dưới dạng giật gấu vá vai, tiền ít thành thử mới phủ lấp được 18.500 ha với sự tham gia của trên 1.000 hộ. Người dân thiệt thòi thì cơ quan thực thi cũng bạc mặt theo, hệ quả lực lượng kiểm lâm “vừa thiếu vừa yếu” của Vườn Quốc gia Pù Mát phải nai lưng gánh vác thêm diện tích khổng lồ còn lại.

Xâu chuỗi các yếu tố thấy rằng chính sách bị bó hẹp là nguồn cơn của hàng tá mối nguy tiềm tàng, rõ nhất là gia tăng nguy cơ chảy máu vốn rừng. Lấy luôn con số thực tế tại Vườn để minh chứng, có 1.000 hộ tham gia bảo vệ rừng đồng nghĩa giảm thiểu tác động trực tiếp của 5.000 – 6.000 người (bình quân mỗi hộ có 5 – 6 khẩu) vào rừng.

Có điều con số trên chưa thấm tháp vào đâu so với tổng dân số sống trong và quanh khu vực vùng lõi của Vườn Quốc gia, đâu đó khoảng 92.000 người. Nên nhớ đồng bào đa phần đa lớn lên từ rừng, qua bao đời vẫn duy trì thói quen tác động và cậy nhờ vốn rừng, khi cái ăn cái mặc còn là nỗi lo thường trực thì đây là điều bất khả kháng. Bởi thế, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền rất cần những chính sách đủ lớn, đủ sức thỏa mãn số đông.

Ngược sang Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, nơi đang quản lý trên dưới 40.000 ha rừng đặc dụng cũng không tránh khỏi những phiền lo. Đinh ninh với diện tích trên sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ khoảng 16 tỷ đồng, con số khá hoàn hảo để thực hiện các đầu mục được giao. Nào ngờ diễn biến đảo chiều chóng vánh, với định mức 100.000 đồng/ha đơn vị ngậm ngùi nhận về 3,6 tỷ đồng ít ỏi.

Tiền ít dĩ nhiên không thể dàn trải trên diện rộng, bởi thế Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống chỉ lập kế hoạch áp dụng cho 8.414 ha rừng đặc dụng, qua đó giao khoán cho 17 cộng đồng thôn, bản sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực III) thuộc các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Quỳ Châu và Tương Dương. Số hộ nhận khoán hạn chế, neo người bám rừng tất sẽ gia tăng nguy cơ, khi biến cố xảy đến tai vạ cứ thế đổ đầu chủ đầu tư.

Số lượng người tham gia nhận khoán chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế. Ảnh: Việt Khánh.

Số lượng người tham gia nhận khoán chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế. Ảnh: Việt Khánh.

Một chủ rừng trên địa bàn Nghệ An thừa nhận, chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ từng bước được cải thiện nhưng chưa đảm bảo cuộc sống thường nhật cho người dân bản địa. Bình quân mỗi hộ được giao khoán trên dưới chục ha, gộp tổng 2 nguồn chi trả (dịch vụ môi trường rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững) con số thực nhận dao động 6 – 7 triệu/năm, dù ít ỏi nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề, trường hợp để mất rừng thì công cốc. Sở dĩ số đông đồng thuận theo chính sách phần nhiều vì trách nhiệm với cộng đồng, họ xem rừng là tài sản chung, là máu thịt không thể tách rời.    

Theo chân cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống về bản Khì, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp mới thấy quan điểm trên có cơ sở. Cộng đồng bản Khì được giao khoán khoảng 130 ha, do 10 người trực tiếp quán xuyến. Kế hoạch rà soát trước đó ưu tiên những người có thâm niên giữ rừng, có tinh thần trách nhiệm cao, tất nhiên không thể thiếu những người thuộc diện hộ nghèo, vốn dĩ cần sự đồng hành của chính sách nhà nước.

Hỏi về gia cảnh, ông Lô Văn Hoàn, một hộ được “chọn mặt gửi vàng” trả lời tếu táo, nhờ biết trồng keo, làm ruộng, kết hợp chăn thả trâu bò, nuôi con lợn, con gà tăng gia sản xuất nên kinh tế tạm ổn, năm trước thiên tai, dịch bệnh cướp đi kha khá vật nuôi nhưng tổng đàn hiện tại vẫn đủ trang trải cuộc sống thường nhật, vì thế có thể chuyên tâm giữ rừng:

Là người trong cuộc, ông Lô Văn Hoàn  hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực của nghề giữ rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Là người trong cuộc, ông Lô Văn Hoàn  hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực của nghề giữ rừng. Ảnh: Việt Khánh.

“Bà nhà tôi khuất núi lâu rồi, con cái đến tuổi trưởng thành đứa thì làm ăn xa, đứa ở nhà cùng tôi luân phiên giữ rừng. Công tác tuần rừng nào dễ dàng gì, đường đi lối lại mịt mùng, ngay đến dân bản địa nếu sơ sẩy cũng lạc đường như chơi. Có những điểm nằm xa tít mù khơi, dài trên chục cây số, giáp tận địa giới của xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, nhiều bận phải đánh vật cả ngày trời mới đến nơi, chưa kịp ngả lưng trời đã nhá nhem tối.

Quần áo, giày dép, nồi niêu, xong chảo, mắm muối, cơm đùm, cơm nắm, đồ chuyên dụng, hành trang đi rừng lịch kịch đủ thứ, anh em phải luân phiên nhau mang vác mới xuể. Ngày nắng ráo còn đỡ, mưa gió thì khổ sở vô cùng, rừng ẩm độ cao vắt nhiều vô kể, nhiều bận chúng nhảy nhót tung tăng như thể muốn trêu ngươi. Kể qua loa không hết nỗi gian truân đâu, phải lăn lộn thực tế mới hiểu thấu ngọn ngành. Người đời nói rồi, mưa rừng bão biển mà, khổ sở, gian truân lắm, biết vậy nhưng vì trách nhiệm với xã hội chúng tôi không nề nà”.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm