"Tỉnh Lạng Sơn phối hợp đơn vị thi công khảo sát, đánh giá hướng tuyến đi phù hợp, gặp địa hình khó khăn sẽ có giải pháp sẽ cụ thể", ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết.
Thông tin được ông Huyên đưa ra sáng 15/4, trong cuộc họp báo công bố quy hoạch tỉnh Lạng Sơn và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Tại buổi họp báo, vấn đề triển khai xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng trị giá 11.024 tỷ đồng, do liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần xây dựng công trình 568, Công ty cổ phần LIZEN là nhà đầu tư được nhiều cơ quan báo chí quan tâm.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự án đã có 4-5 năm khởi động, hoàn thành giai đoạn 1 từ Bắc Giang đến huyện Chi Lăng, hiện nay mới bắt đầu khởi động giai đoạn 2, kết nối từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị.
Dự kiến, khi hoàn thành, con đường này sẽ kết nối thẳng với trục đường chính Bằng Tường - Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là một trong những cung đường xuất nhập khẩu chủ yếu giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được Nhà nước hỗ trợ hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% nguồn tiền của dự án.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, dự án đi qua 4 huyện, 15 xã của tỉnh Lạng Sơn nên quá trình triển khai sẽ gặp nhiều những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Khó khăn thứ hai là về vật liệu, đào đắp.
Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, ngay từ đầu thực hiện dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã thống nhất với tỉnh Lạng Sơn dự kiến bàn giao mặt bằng sau 6-9 tháng và đây là điều kiện cần thiết để thông tuyến và hoàn thành dự án.
"Với tỉnh Lạng Sơn kinh nghiệm và công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện rất tốt, đặc biệt trong giai đoạn 1 đã thực hiện rất tốt, chỉ giải phóng mặt bằng trong vòng 6 tháng và thi công trong vòng 2 năm là hoàn thiện dự án. Đây là một trong những cao tốc mà Tập đoàn Đèo Cả thi công xong nhanh nhất từ trước đến nay, vừa giải phóng mặt bằng và thi công chỉ trong 2 năm", ông Vĩnh nói.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu tăng công suất khai thác của các mỏ vật liệu hiện có trên địa bàn. Để đảm bảo chi phí và kiểm soát được khối lượng vật tư, ông Vĩnh đề nghị tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư ký cam kết với những nhà cung cấp thương mại mỏ vật liệu để bình ổn giá.
Trong thời gian tới, Tập đoàn Đèo Cả sẽ đề xuất ký cam kết giữa doanh nghiệp và Công an tỉnh Lạng Sơn để triển khai cụ thể hoá các kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo 4 huyện, TP mà tuyến cao tốc đi qua là Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Lãng và TP Lạng Sơn chủ động đi trước tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện. Đối với các khó khăn mà Tập đoàn Đèo Cả nêu, ông Huyên cho biết tỉnh sẽ tiếp thu và thực hiện.
Đối với công tác thi công, Tập đoàn Đèo Cả đã có kế hoạch cụ thể để huy động máy móc, nhân lực.
Sau khi khởi công, tập đoàn sẽ huy động máy móc để mở những mũi thi công đầu tiên. Địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, tập đoàn sẽ đưa công nhân, máy móc chiếm dụng mặt bằng để thi công đến đấy.
"Chúng tôi đặt mục tiêu quý III 2024 sẽ tổ chức thi công đại trà trên toàn tuyến và đến 2025 sẽ thông toàn bộ tuyến và cuối cùng hoàn thành dự án vào năm 2026.
Chúng tôi rất tự tin với sự quyết liệt, quan tâm của Chính phủ và tỉnh Lạng Sơn, sự ủng hộ của người dân, các bên liên quan và với kinh nghiệm của Đèo Cả trong công tác triển khai các công trình giao thông, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ", ông Vĩnh bày tỏ.