| Hotline: 0983.970.780

Cấp thiết rừng gỗ lớn

Thứ Sáu 30/11/2018 , 14:05 (GMT+7)

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU được ký kết không chỉ mở ra triển vọng mới cho XK, mà còn là cú hích cho việc phát triển ngành lâm nghiệp bền vững.

Trong bối cảnh Chính phủ đã đóng cửa rừng tự nhiên, nguồn gỗ NK từ khai thác rừng tự nhiên cũng sẽ ngày càng siết chặt trên thế giới, việc xây dựng nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước phục vụ cho chế biến đang là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
 

Nhìn quanh chỉ thấy gỗ tràm, cao su

Cty Cổ phần gỗ Hoàng Anh Gia Lai, một ông lớn trong ngành gỗ nội thất của Việt Nam với bề dày hơn 20 năm, nếu như trước đây nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến vẫn còn tỉ lệ lớn là gỗ rừng tự nhiên thì những năm gần đây đã chuyển sang sử dụng chủ yếu là lượng nguyên liệu là gỗ rừng trồng, trong đó phần lớn là gỗ cao su thanh lý.

18-09-47_dscf6196
Ngành gỗ Việt Nam đang quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chất lượng thấp như cao su, keo lai (Ảnh: Hưng Giang)

Ông Lê Ngọc Dũng, Giám đốc Nhà máy gỗ Hoàng Anh Gia Lai - Hàm Rồng (thuộc Cty Cổ phần gỗ HAGL) đóng tại TP Pleiku cho biết, hiện NM tiêu thụ bình quân khoảng 300m3 gỗ nguyên liệu/ngày, trong đó gỗ cao su vẫn là chủ lực, chiếm trên 70% và một phần là gỗ tràm (keo) hay một lượng nhỏ gỗ muồng.

Các sản phẩm đồ gỗ dân dụng được SX tại NM hiện nay chủ yếu có cốt bên trong là gỗ cao su, bên ngoài phủ gỗ veneer hoặc các loại gỗ NK như xoan đào, sồi trắng... Nếu như trước đây, NM vẫn còn có thể thu mua nguồn gỗ xoan đào tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên thì hiện nay, nguồn gỗ xoan đào trong nước cũng đang cạn kiệt dần. Vì vậy, khoảng 15-20% nguồn gỗ chất lượng cao dùng để dán phủ bên ngoài đồ gỗ đều phải NK từ châu Âu hoặc Nam Phi.

"Ưu thế của Tây Nguyên hiện nay là có nguồn gỗ cao su thanh lý vô cùng dồi dào, mỗi Cty cao su mỗi năm cũng có vài nghìn ha cao su đến kỳ thanh lý. Gỗ cao su cũng có chất lượng không tồi, giá lại khá rẻ, chỉ tương đương khoảng 300 - 400 USD/m3 nên đây là một lợi thế lớn cho các DN chế biến gỗ tại Việt Nam, nhất là các DN ở phía Nam. Tuy nhiên, nguồn gỗ cao su thanh lý trong nước cũng đang ngày càng khan hiếm. Tại Tây Nguyên, mặc dù là “sân nhà” của Cty gỗ HAGL, tuy nhiên hiện nay, mỗi khi tới kỳ thanh lý vườn cao su, Cty này cũng chịu sự tranh mua hết sức quyết liệt từ các NM chế biến gỗ tới từ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và cả tận ĐBSCL, nhất là các DN từ Bình Dương, TP.HCM..."
Ông Lê Ngọc Dũng, Giám đốc Nhà máy gỗ Hoàng Anh Gia Lai - Hàm Rồng

Nếu như cách đây 6 - 7 năm về trước, Cty Cổ phần gỗ Hoàng Anh Gia Lai từng tham gia XK đồ gỗ sang nhiều thị trường, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản thì những năm trở lại đây, DN này đã rút hẳn mảng XK đồ gỗ để tập trung cho thị trường nội địa vốn đang rất nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, hiện Cty cũng đang tính hướng lâu dài sẽ tiếp tục quay trở lại với thị trường XK, và đây sẽ là một thách thức không nhỏ, nhất là bài toán về nguyên liệu.

“Phải thừa nhận chúng ta có lợi thế về nguồn gỗ giá rẻ như cao su, tràm. Tuy nhiên hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu này lại đa số lại là gỗ nhỏ, SX đồ gỗ do đó phải dựa rất nhiều chi phí vào công nghệ cắt ghép, dán.

Xu hướng tất yếu của thị hiếu tiêu dùng của ngành gỗ, kể cả trong nước hay XK sẽ càng ngày càng cao và luôn phải thay đổi, nhưng chúng ta nhìn quanh hiện nay cũng chỉ có gỗ cao su, gỗ keo - tràm, các loại gỗ chất lượng đều phải NK rất đắt đỏ.

Vì vậy nếu không tính xa hơn cho bài toán nguyên liệu chất lượng cao trong nước, ngành gỗ sẽ rất khó khăn”, ông Lê Ngọc Dũng nhận định.
 

Muốn có gỗ lớn, trồng rừng không chỉ thu gỗ

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hiện HAWA có trên 500 DN thành viên, trong đó, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ cho chế biến của các DN hiện ước chiếm khoảng 75%, chủ yếu vẫn đang là tràm và cao su. Khoảng 25% gỗ nguyên liệu còn lại (chủ yếu gỗ chất lượng cao dùng để phủ - dán bên ngoài sản phẩm) đang phải NK. Phụ thuộc vào gỗ cao su, gỗ tràm cũng là thực trạng chung của hơn 200 DN tại thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Bình Dương hiện nay.

Ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, việc NK gỗ, nhất là đối với một số nguồn gỗ nguyên liệu đặc thù mà trong nước không thể SX là yêu cầu tất yếu, nhất là khi ngành công nghiệp gỗ của nước ta đang ngày càng lớn mạnh và đa dạng về sản phẩm. Tuy nhiên, thực trạng đơn điệu về nguồn gỗ nguyên liệu, nhất là gỗ nguyên liệu chủ yếu lại là gỗ nhỏ đang đặt ra yêu cầu cho ngành gỗ Việt Nam và cả cơ chế của Chính phủ phải có một chiến lược dài hơi, bài bản để cải thiện, chú trọng cho trồng rừng gỗ lớn.

Theo ông Hạnh, một trong những khó khăn trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu rừng gỗ lớn hiện nay của Việt Nam, một phần đến từ đặc thù SX quy mô nhỏ. Cả nước hiện chỉ có trên 2,8 triệu ha rừng kinh tế, nhưng có hơn 1,4 triệu người trồng rừng. Bình quân đất rừng/hộ quá nhỏ khiến người trồng rừng phải lấy ngắn nuôi dài, chu kỳ rừng 4 - 5 năm đã phải khai thác. Bên cạnh đó, một số diện tích đất rừng sỏi đá, quá cằn cỗi cũng khiến rừng trồng khó phát triển.

Tuy nhiên, đối với những nơi đất tốt, diện tích rừng trồng tập trung quy mô lớn mà người dân không quá áp lực về thu nhập, nếu không duy trì rừng trồng gỗ lớn thì sẽ vô cùng sai lầm và lãng phí. Điển hình như tại Cà Mau là một ví dụ.

Trồng rừng gỗ lớn là chìa khóa cho ngành lâm nghiệp bền vững hiện nay (Ảnh: Hưng Giang)

Cụ thể ở Cà Mau, hiện nay có những cánh rừng tràm được trồng trên chân đất phù sa than bùn, tới năm thứ 4 thì cho tỉa thưa, thu hàng trăm mét khối gỗ dăm, và chỉ để lại tầm 600 - 700 cây/ha để trồng rừng gỗ lớn. Rừng gỗ lớn cho tốc độ sinh trưởng rất nhanh, tới năm thứ 6 - 7 thì đường kính đã trên 35cm, cho sinh khối vô cùng lớn, tới 500m3 gỗ lớn giá trị cao phục vụ chế biến cùng 300m3 cành, ngọn làm gỗ dăm, trị giá lên tới 3,7 - 3,8 triệu đồng/cây. Ở những khu vực trồng rừng trên nền đất trũng như tại Cà Mau, việc để tuổi đời cây gỗ từ 7 năm trở lên cũng là yêu cầu để cây gỗ giảm bớt tỉ lệ nước, săn chắc hơn để đảm bảo cho chế biến...

Một số nơi, người dân đã sáng tạo kết hợp trồng tràm - lúa, tràm - bắp (ngô) ở giai đoạn đầu sau khi tràm trồng được 20 ngày tuổi thì gieo lúa hoặc kết hợp trồng ngô. Năng suất lúa lên tới 5 tấn/ha, mà tràm cũng lớn như thổi nhờ được hưởng lượng phân bón khi bón cho lúa... Hiện cũng đã có mô hình người dân sáng tạo kết hợp trồng rừng gỗ lớn, sau khi thu hoạch rừng thì trồng nấm linh chi trên gốc cây, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng chỉ trong nửa năm. Có mô hình nông dân trồng 5.000 cây đinh lăng dưới tán rừng ở giai đoạn thiết kế cơ bản, cho thu nhập lên tới 500 triệu đồng/ha...

“Những mô hình, cách làm sáng tạo đó cho thấy chủ trương trồng rừng gỗ lớn không phải là không có cách. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ về vốn, cần nghiên cứu, tổng kết để cho ra đời đa dạng hơn giữa trồng rừng và kết hợp với các hoạt động kinh tế khác, làm sao trồng rừng không chỉ thu lợi từ gỗ, mà còn thu mang lại nhiều nguồn thu khác để tăng thêm thu nhập cho người trồng rừng”, ông Huỳnh Văn Hạnh hiến kế.

Phải thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Theo ông Trần Việt Tiến (ảnh) - Ủy viên thường trực HAWA, lâu nay, chúng ta nói nhiều tới thị trường XK đồ gỗ mà chưa thực sự chú trọng tới thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

18-09-47_nh3

Hiện nhiều tập đoàn phân phối đồ gỗ nước ngoài, nhất là Thái Lan cũng đang nhăm nhe chiếm lĩnh thị trường phân phối đồ gỗ trong nước. Vì vậy, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) đang đặt trọng tâm vào chiến lược thúc đẩy cho tiêu dùng nội địa.

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa không chỉ về thị phần, doanh thu, mà còn phải có chiến lược truyền thông để thay đổi thói quen người tiêu dùng, thậm chí phải truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ thế nào là tiêu dùng đồ gỗ hợp pháp.

Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy một ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững, tạo động lực cho gỗ rừng trồng, đồng thời cũng phù hợp với tinh thần mà Hiệp định VPA/FLEGT mà Việt Nam đã ký kết với EU.

"Người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen sính đồ gỗ thịt, gỗ rừng tự nhiên, càng là gỗ quý hiếm càng oách! Những công trình lớn, những “đại gia trăm tỉ”, càng giàu có thì vẫn mang tư tưởng và mốt dùng là gỗ quý hiếm, gỗ cấm. Và bằng cách nào đó, họ vẫn có được giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ quý hiếm đó là hợp pháp... Trên thực tế, đồ gỗ làm từ gỗ thịt, gỗ rừng tự nhiên lại rất dễ bị cong vênh, co giãn, mối mọt. Trong khi đồ gỗ làm từ gỗ rừng trồng, được xử lí bằng nhiều công nghệ hiện đại như sấy, hấp... thậm chí còn bền chắc hơn nhiều so với gỗ thịt, không bị mối mọt, không bị cong vênh, mà giá lại rất rẻ".

Ông Trần Việt Tiến - Ủy viên thường trực HAWA

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.