Thời gian gần đây, giá lợn hơi tăng phi mã do nhiều trang trại chăn nuôi buộc phải dừng hoạt động hoặc di dời vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn về xử lý chất thải theo quy định. Việc này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tác động đến thị trường và người tiêu dùng. Trước thực tế đó, Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thị Mai Thảo, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường (Đại học Tài nguyên và Môi trường), để tìm hiểu về giải pháp kiểm soát ô nhiễm trong chăn nuôi, đảm bảo phát triển bền vững.

PGS.TS Phạm Thị Phương Thảo, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường (Đại học Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Hùng Khang.
Giải pháp nào cho môi trường bền vững?
Thưa PGS.TS Phạm Thị Mai Thảo, hiện nay những phương pháp nào đang được áp dụng để xử lý nước thải chăn nuôi lợn ở Việt Nam? Có phương pháp nào phù hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ không?
Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều phương pháp xử lý nước thải chăn nuôi đang được áp dụng. Hầm biogas là giải pháp phổ biến nhất, sử dụng vi sinh vật kỵ khí để phân hủy chất hữu cơ, tạo ra khí sinh học tái sử dụng làm nhiên liệu. Phương pháp này phù hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ và trung bình, giúp giảm ô nhiễm nhưng chưa loại bỏ triệt để nitơ, photpho và kim loại nặng, nên cần kết hợp với các biện pháp bổ trợ.
Hồ sinh học cũng là một lựa chọn, sử dụng ao hoặc đầm tự nhiên với thực vật thủy sinh như bèo, cỏ vetiver để hấp thụ chất ô nhiễm. Giải pháp này chi phí thấp nhưng yêu cầu diện tích lớn, khó áp dụng cho trang trại công nghiệp.
Ngoài ra, công nghệ lọc sinh học như wetland nhân tạo, bãi lọc cây sậy giúp giảm nitơ, photpho bằng cách dẫn nước thải qua các lớp vật liệu lọc như sỏi, cát, than hoạt tính. Phương pháp này phù hợp với chăn nuôi vừa và nhỏ nhưng cần không gian đáng kể và bảo trì thường xuyên.
Đối với chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hóa lý như keo tụ, tuyển nổi, màng lọc và ozone được áp dụng để loại bỏ kim loại nặng và vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, chi phí cao và yêu cầu kỹ thuật vận hành phức tạp.


Phương pháp hồ sinh học đã được ứng dụng tại nhiều trang trại chăn nuôi lợn tập trung. Ảnh: Minh Phúc.
Những công nghệ tiên tiến nào trên thế giới có thể giúp xử lý nước thải chăn nuôi hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo chi phí hợp lý?
Trên thế giới, nhiều công nghệ hiện đại đang được áp dụng. Công nghệ màng lọc sinh học MBR (Membrane Bioreactor) kết hợp xử lý sinh học với màng siêu lọc, loại bỏ hầu hết chất hữu cơ, vi khuẩn và kim loại nặng, giúp nước đầu ra đạt tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn và cần bảo trì thường xuyên, phù hợp hơn với trang trại quy mô lớn.
Công nghệ UASB (Upflow Anaerobic Sludge Blanket) cũng được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt ở Hà Lan, Đức, Trung Quốc và Việt Nam. Hệ thống này phân hủy chất hữu cơ bằng vi khuẩn kỵ khí, tạo ra biogas tái sử dụng, đồng thời giảm chỉ tiêu ô nhiễm như BOD, COD. Tuy nhiên, UASB không xử lý triệt để nitơ và photpho, nên cần kết hợp với các công nghệ bổ sung.
Ngoài ra, một số nước còn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây, nuôi trồng thủy sản hoặc làm phân bón sinh học, góp phần giảm ô nhiễm và tạo thêm giá trị kinh tế.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam cần ưu tiên giải pháp nào trong quản lý nước thải chăn nuôi?
Việt Nam cần khuyến khích các công nghệ thân thiện với môi trường, đặc biệt là mô hình biogas kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần thúc đẩy sử dụng bãi lọc sinh học và wetland nhân tạo tại vùng nông thôn để xử lý nước thải hiệu quả và bền vững.
Đối với các khu chăn nuôi tập trung, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến như MBR và UASB là cần thiết để nâng cao hiệu quả xử lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát môi trường, cập nhật QCVN 62-MT:2016/BTNMT với tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời hỗ trợ tài chính cho hộ chăn nuôi nhỏ trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng là hướng đi quan trọng, giúp giảm ô nhiễm môi trường và mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người chăn nuôi.
Tái sinh nước thải chăn nuôi
Thay vì chỉ coi nước thải chăn nuôi là chất thải cần xử lý, liệu có cách nào để tái sử dụng hoặc biến nó thành tài nguyên không?
Nhiều quốc gia đã tìm cách biến nước thải chăn nuôi thành tài nguyên nhằm giảm ô nhiễm và tối ưu hóa lợi ích kinh tế. Một hướng đi phổ biến là tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây. Bùn thải cũng có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà không cần phân bón hóa học.

Chất thải chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nền nông nghiệp tuần hoàn và hệ giá trị khép kín. Ảnh: Hùng Khang.
Ngoài ra, chất thải chăn nuôi còn được dùng để sản xuất khí sinh học (biogas), tạo ra điện và nhiệt. Khi phân hủy yếm khí, chất hữu cơ trong nước thải sinh ra methane (CH₄), có thể tận dụng để phát điện hoặc đun nấu.
Ở một số quốc gia, chất thải chăn nuôi được tận dụng để làm phân bón hữu cơ hoặc sản xuất năng lượng sinh học. Việt Nam có thể học hỏi mô hình nào?
Hà Lan và Nhật Bản đi đầu trong sản xuất phân bón hữu cơ từ bùn thải chăn nuôi. Tại Hà Lan, các trang trại sử dụng công nghệ phân tách bùn thải để tạo ra phân bón chất lượng cao, đồng thời kết hợp vi sinh vật có lợi để khử mùi. Nhật Bản áp dụng công nghệ ủ compost, với sự hỗ trợ của chính phủ trong đầu tư hệ thống xử lý. Một số vùng chăn nuôi tập trung tại Việt Nam như Đồng Nai, Hà Nam đã thử nghiệm mô hình này.
Trong khi đó, Đức và Mỹ tập trung vào sản xuất năng lượng từ chất thải chăn nuôi. Đức ứng dụng công nghệ biogas kết hợp phát điện, giúp các trang trại giảm chi phí năng lượng và tạo thu nhập nhờ chính sách mua lại điện từ biogas. Mỹ phát triển hệ thống “digesters” - bể ủ sinh học quy mô lớn, giúp xử lý hàng nghìn tấn chất thải mỗi ngày. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này bằng cách khuyến khích hợp tác giữa trang trại và nhà máy năng lượng sinh học, tạo chuỗi giá trị khép kín.
Nếu có hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi tiên tiến, người chăn nuôi có thể hưởng lợi như thế nào?
Hệ thống biogas giúp giảm hóa đơn điện nhờ sử dụng khí sinh học để phát điện. Nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp, người chăn nuôi còn có thể bán điện từ biogas cho lưới điện quốc gia.
Đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải tiên tiến không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Bùn thải có thể làm phân bón hữu cơ, giúp giảm chi phí phân bón cho cây trồng. Nước thải sau xử lý cũng có thể dùng để tưới cây, tiết kiệm nước và giảm áp lực lên nguồn nước ngọt.
Ngoài ra, tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn giúp các trang trại được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích xanh hóa ngành chăn nuôi. Một số trang trại lợn lớn ở Đồng Nai đã tận dụng phân hữu cơ từ nước thải chăn nuôi để cung cấp cho các nông trại trồng rau sạch, tạo chuỗi giá trị bền vững, vừa giảm ô nhiễm, vừa tăng hiệu quả sản xuất.