| Hotline: 0983.970.780

Cắt bướu, bảo tồn thận cho người bệnh có duy nhất một quả thận

Thứ Tư 20/03/2024 , 11:21 (GMT+7)

TP.HCM Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân điều trị bằng phương pháp cắt bướu bảo tồn thận cho người đàn ông 51 tuổi, suy thận giai đoạn V. Đặc biệt, ông chỉ có 1 quả thận.

Bác sĩ Võ Thị Thanh Huyền dặn dò bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Võ Thị Thanh Huyền dặn dò bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: BVCC.

Ba năm trước, ông B.X.B (51 tuổi, Bến Tre) thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, sụt cân không rõ nguyên nhân. Đi khám, ông giật mình khi bác sĩ thông báo "chỉ có một quả thận độc nhất, kèm suy thận mạn giai đoạn V và phải lọc máu định kỳ".

Khó khăn chưa dừng lại khi gần đây, bác sĩ xác định thận duy nhất của ông B. lại có bướu phát triển dạng ung thư tế bào thận. Tin dữ như sét đánh ngang tai. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình, ông B. đến Bệnh viện Bình Dân để được bác sĩ tư vấn cách điều trị.

Qua siêu âm chẩn đoán, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân xác định người bệnh có bướu ở 1/3 giữa mặt trước thận độc nhất, kích thước khoảng 20 mm x 20 mm. Mặc dù chức năng thận đã suy giảm và cần lọc máu định kỳ nhưng hiện ông B. vẫn đi tiểu được khoảng hơn 1.000ml mỗi ngày. Nhờ thận bài tiết được nước tiểu đã giúp đào thải các chất điện giải, duy trì sự cân bằng nội môi, hỗ trợ điều hòa tim mạch, duy trì huyết áp bình thường cho người bệnh.

Sau hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Nội thận, người bệnh sẽ được lọc máu ngay sau khi thực hiện chỉ định chụp cắt lớp điện toán (MSCT) để tránh nguy cơ thuốc cản quang làm tình trạng suy thận trầm trọng hơn.

Xem xét kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt bướu bảo tồn phần thận lành còn lại cho người bệnh B.

Tại Bệnh viện Bình Dân, cắt bướu bảo tồn thận cho người bệnh ung thư thận có bướu thận khu trú đã được thực hiện từ năm 2009 và kỹ thuật này ngày càng hoàn thiện hơn, có thể thực hiện cho cả các trường hợp bướu lớn từ 4-7cm và bướu phát triển phức tạp.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của ông B., việc áp dụng phương pháp này là một quyết định khó khăn và các bác sĩ phải chịu áp lực cao khi phẫu thuật để bảo tồn thận độc nhất.

TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Theo TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân, cắt thận toàn phần là lựa chọn dễ dàng hơn cho bác sĩ, nhưng kết quả có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Khi mất đi thận độc nhất, người bệnh không còn giữ được khả năng lọc máu và chức năng bài tiết nước tiểu. Từ đó, người bệnh dễ rối loạn điện giải, mất cân bằng nội môi, dễ rối loạn tim mạch, huyết áp…

Mặt khác, người bệnh dễ bị phù, ăn uống cần tiết chế rất kỹ và khó phát hiện bất thường sức khỏe hơn do không quan sát được nước tiểu. Về mặt tâm lý, người bệnh dễ rơi vào hụt hẫng và rối loạn sinh hoạt vì mất đi cảm giác và thói quen đi tiểu.

"Khi cắt bỏ thận, cơ hội để người bệnh có thể được ghép thận về sau cũng hẹp hơn. Đó là lý do chúng tôi thực hiện cắt trọn bướu, tránh nguy cơ bướu xâm lấn và bảo tồn thận lành cho ông B.”, TS.BS Phạm Phú Phát cho hay.

Vì chức năng thận đã suy giảm, các bác sĩ phẫu thuật quyết định sử dụng kỹ thuật không kẹp cuống thận (zero ischemia) trong lúc cắt bướu để giảm thời gian thiếu máu nóng nuôi thận, tránh ảnh hưởng chức năng thận.

Để thực hiện kỹ thuật không kẹp cuống thận, đòi hỏi các bác sĩ phải có kỹ năng và kinh nghiệm phẫu thuật cao, thao tác phẫu thuật cũng khó khăn hơn. Sau 2,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt trọn bướu giữ nguyên vỏ bao, khâu khép chủ mô thận lành cho người bệnh. 

Sau phẫu thuật, ông B. hồi phục khá nhanh, người bệnh ăn uống được vào ngày hậu phẫu thứ nhất và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ năm sau khi thực hiện các xét nghiệm và siêu âm kiểm tra. 

Theo TS.BS Phạm Phú Phát, thận độc nhất là tình trạng người sinh ra chỉ có một bên thận, hoặc đã cắt bỏ một thận hoặc đã hiến thận. Tỉ lệ người có thận độc nhất khoảng 1/1.000 và thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.

Thận độc nhất vẫn hoạt động tăng cường và thực hiện 75% chức năng so với có hai thận. Người có thận độc nhất cần chú ý xây dựng lối sống và dinh dưỡng lành mạnh, sinh hoạt điều độ, theo dõi và kiểm tra sức khỏe, thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng thận định kỳ.

Những trường hợp này cũng cần đặc biệt chú ý theo dõi huyết áp, vì một trong những chức năng của thận là điều hòa huyết áp, khi chỉ có một thận, nguy cơ huyết áp tăng cao gây nhiều biến chứng sức khỏe. Người bẩm sinh chỉ có thận độc nhất hoặc mất thận từ khi còn nhỏ sẽ phải đối diện với nguy cơ thận mất dần chức năng và tăng huyết áp.

"Hầu hết những người thận độc nhất có thể sống trọn đời như những người có đầy đủ hai thận. Tuy nhiên, khi có các vấn đề như chấn thương, ung thư thận thì những người có thận độc nhất có nguy cơ cao mất hoàn toàn chức năng thận.

Trong trường hợp của ông B., nhờ được điều trị bằng phương pháp cắt trọn bướu và giữ phần thận còn lại mà người bệnh được bảo tồn những chức năng của phần thận này", TS.BS Phạm Phú Phát thông tin.

TS.BS Phạm Phú Phát lưu ý, những người bệnh có thận độc nhất như ông B. cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe như bướu thận, suy thận để điều trị kịp thời.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm